Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai tỏ ra lúng túng trong một phiên đấu giá tài sản. Nguyên nhân là Trung tâm không giải thích kỹ với người tham gia đấu giá và chưa dự liệu những tình huống bất ngờ.
Bà Mai Thị Mỵ- chủ doanh nghiệp Chung Thủy (TP. Pleiku) nợ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT- Chi nhánh Yên Đổ trong một hợp đồng vay tài sản và đã thế chấp căn nhà số 14 Huyền Trân Công Chúa (TP. Pleiku). Do bà Mỵ không có khả năng thanh toán nợ nên bị Chi nhánh khởi kiện ra tòa.
Ảnh minh họa |
Ngày 7-6-2010, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh tiến hành tổ chức bán đấu giá và chỉ 2 người tham gia là ông Nguyễn Cung (thôn 2, xã Chư Á, TP. Pleiku) và bà Hồ Thị Phương Lan (255 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku). Giá khởi điểm căn nhà bị phát mại là 349.762.000 đồng.
Tại phiên đấu giá, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá ra quy định chỉ bỏ giá một lần với hình thức phiếu kín. Ông Nguyễn Cung đưa giá 362.999.000 đồng và viết rõ bằng chữ là Ba trăm sáu mươi hai triệu chín trăm chín mươi chín ngàn đồng; bà Hồ Thị Phương Lan đưa giá 369.000 đồng nhưng viết bằng chữ là Ba trăm sáu mươi chín triệu đồng.
Do Quy chế bán đấu giá của Trung tâm không dự liệu tình trạng sai lệch giữa số và chữ ghi trong phiếu giá. Từ đó, phiên đấu giá buộc phải... tạm hoãn.
Ngày 8-6-2010, Sở Tư pháp có Công văn số 252/STP-TTP về việc hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản và cho rằng: “Xét về nội dung của “Phiếu trả giá mua tài sản bán đấu giá” của bà Hồ Thị Phương Lan do sơ suất về mặt con số, thực tế đã khẳng định về mặt con chữ và ý chí mua tài sản của bà Hồ Thị Phương Lan. Căn cứ Quy chế bán đấu giá tài sản của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh ban hành, không thể coi “Phiếu trả giá mua tài sản bán đấu giá” của bà Hồ Thị Phương Lan là không hợp lệ”.
Nếu như theo tinh thần nội dung công văn này thì có nghĩa rằng bà Lan tham gia đấu giá đúng và không vi phạm quy chế. Như vậy quyền trúng giá phải thuộc về bà Lan. Nhưng không! Trên cơ sở Công văn số 252/STP-TTP của Sở Tư pháp, ngày 9-6-2010, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tỉnh tiếp tục có Văn bản số 21/GM-BĐG với nội dung thông báo các đương sự tham gia đấu giá lại vào ngày 14-6-2010! Ông Nguyễn Cung- người tham gia đấu giá bức xúc: “Tôi đã tham gia đấu giá tức có nghĩa rằng tôi cũng có ý chí mua tài sản không riêng gì bà Lan như công văn của Sở Tư pháp. Nếu phiên đấu giá hợp lệ thì tại sao phải đấu giá lại. Nếu không hợp lệ thì tôi phải là người trúng giá và bà Lan phải mất tiền cọc. Giả sử bà Lan ghi thừa ba số không (000) thì giá “đội” lên đến tiền tỷ thì cũng cho rằng hợp lệ à?”. Còn ông Đào Văn Hiển- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản cho biết: Nếu không thống nhất sẽ cho đấu giá lại vào ngày 14-6-2010 và lấy giá khởi điểm là 369 triệu đồng.
Điều đặc biệt hơn nữa, phiên đấu giá chỉ ra giá một lần trong phiếu kín. Và như vậy, liệu cách đấu giá kiểu này có thiệt thòi cho người có tài sản bị phát mại khi đem ra đấu giá. Tại sao không đấu giá miệng với hình thức người tham gia đấu giá được ra giá cho đến cuối cùng?
Lê Văn Nhung