Tại hầu hết các dự án đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có hiện tượng một số người trúng đấu giá đất từ hàng chục đến hàng trăm lô đất hoặc hiện tượng bán lại cho người khác giá thấp hơn giá đã đấu.
Theo Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý đất đai, đô thị tại tại tỉnh Kon Tum, Thanh tra Chính phủ cho biết sai phạm không chỉ diễn ra giao đất không qua đấu giá mà còn xảy ra tại nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ cho biết việc đấu giá đất tại dự án Khu đô thị phía nam cầu Đắk Bla TP.Kon Tum có nhiều sai phạm. Ảnh: Sở TN-MT Kon Tum |
Cụ thể, tại các dự án đầu tư hạ tầng khai thác quỹ đất thuộc TP.Kon Tum, H.Đắk Hà, H.Sa Thầy… đều có các sai phạm như: tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; đấu giá đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm nộp tiền trúng đấu giả, nhưng không huỷ kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc; dùng chứng thư hết thời hạn để xác định giá khởi điểm tổ chức đấu giá, chậm ra thông báo nộp tiền; tùy tiện điều chỉnh vị trí, diện tích một số lô đất; tổ chức đấu giá nhưng không chuyển mục đích sử dụng đất, không có kế hoạch sử dụng đất; chưa thực hiện niêm yết, công khai bán tài sản, không tổ chức lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản…
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tại dự án Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla, TP.Kon Tum do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức đấu giá có nhiều sai phạm như: cho phép triển khai đấu giá đất ồ ạt, dàn trải toàn bộ dự án khi chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, dẫn đến nhiều cuộc đấu giá có số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá bình quân đạt 3,42%.
Tại dự án này đã sử dụng một chứng thư thẩm định giá từ năm 2013 (hết thời hạn) và quyết định phê duyệt giá khởi điểm năm 2014 để tổ chức đấu giá trong 4 năm (2014 - 2017) có nguy cơ làm thất thu ngân sách với số tiền lớn do giá khởi điểm thấp, không sát giá thị trường, tạo điều kiện cho việc đầu cơ đất đai của một số cá nhân, tổ chức; cho phép nộp tiền sử dụng đất thành nhiều đợt, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất... là không đúng quy định của pháp luật; 379 hồ sơ đấu giá đất cho phép người đấu trúng nộp tiền nhiều lần (8 đợt, 4 đợt, 3 đợt), tạo cơ hội để người trúng đấu giá chậm nộp tiền trúng đấu giá, không phát huy được hiệu quả kinh tế của đấu giá đất.
Cũng tại dự án này, Thanh tra Chính phủ xác định có nhiều trường hợp chậm nộp tiền trúng đấu giá, cá biệt có một số trường hợp chậm nộp tiền từ 1 đến 3 năm. Theo quy định là phải hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh không tham mưu xử lý theo quy định. Thanh tra Chính phủ cho biết đã có 24 hồ sơ do các doanh nghiệp tham gia đấu giá cần phải được xử lý, thu hồi tiền về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ hơn 13 tỉ đồng.
Đằng sau những thương vụ bán đất thấp hơn giá trị trúng đấu giá
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết, tại hầu hết các dự án đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có hiện tượng một số người trúng đấu giá từ hàng chục đến hàng trăm lô đất và chờ thời cơ bán kiếm lời, đất trúng đấu giá để hoang hóa, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lãng phí nguồn tài nguyên đất. Điển hình là 464 lô tập trung tại 10 dự án, khu đất (dự án Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla, TP.Kon Tum có 63 lô đất; dự án Khu tây bắc Duy Tân, P.Duy Tân, TP.Kon Tum có 89 lô đất; dự án Khu quy hoạch P.Ngô Mây, TP.Kon Tum có 103 lô đất...).
Một nghịch lý khác được cơ quan thanh tra phát hiện là người trúng đấu giá sau đó đã chuyển nhượng với giá thấp hơn giá trúng đấu giá (có lô đất đã được chuyển nhượng từ 2 đến 4 lần) nhưng cơ quan thuế căn cứ vào giá bán trong hợp đồng chuyển nhượng để tính thuế thu nhập cá nhân (2%) và lệ phí trước bạ (0,5%), không áp dụng giá trúng đấu giá đã được UBND tỉnh phê duyệt để làm căn cứ tính thuế, phí là là thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật.
Mặt khác, hành vi kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có dấu hiệu trốn thuế, nhưng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuế không kịp thời tham mưu, xử lý theo thẩm quyền, có nguy cơ làm thất thu ngân sách nhà nước do kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá của 464 lô đất (chuyển nhượng 498 lần) là gần 78,5 tỉ đồng (tổng giá trị trúng đấu giá là 148,3 tỉ đồng; tổng giá kê khai chuyển nhượng gần 70 tỉ đồng).
"Việc chuyển nhượng sau đấu giá của 464 lô đất có dấu hiệu trốn thuế, cần phải có biện pháp xử lý tránh thất thu ngân sách nhà nước", Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum xử lý.
Theo Thái Sơn (TNO)