Khoa học - Công nghệ

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu tổng thể khu vực hồ Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 3-10, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tổng thể khu vực hồ Ayun Hạ, tỉnh Gia Lai phục vụ quản lý tổng hợp và phát triển bền vững kinh tế-xã hội”. Đề tài do Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) chủ trì; tiến sĩ Hoàng Đình Trung làm chủ nhiệm.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, hồ chứa Ayun Hạ được hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994. Hồ có ranh giới thuộc địa phận các xã: H’Bông, Ayun (huyện Chư Sê), Ayun Hạ và Chư A Thai (huyện Phú Thiện).

Đến nay, các thông tin về dẫn liệu thành phần loài, đặc điểm phân bố các loài động-thực vật thủy sinh và trên cạn, chất lượng môi trường nước ở hồ Ayun Hạ chưa được điều tra, khảo sát nên chưa thể đánh giá hết giá trị đa dạng sinh học vốn có và chưa đưa ra được những nhóm giải pháp để phát triển bền vững.

Vì vậy, đề tài đã tập trung nghiên cứu về nguồn gốc, đặc điểm hình thành, điều kiện tự nhiên, hiện trạng tài nguyên-môi trường, giá trị đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, các đặc điểm kinh tế-xã hội khu vực hồ Ayun Hạ và vùng phụ cận; đánh giá mối tương quan của điều kiện tự nhiên, tác động của phát triển kinh tế-xã hội đến đa dạng sinh học của khu vực này. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; đề xuất giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường khu vực hồ Ayun Hạ và vùng phụ cận.

Đề tài được triển khai thực hiện trong 30 tháng (từ ngày 26-1-2022 đến 26-7-2023) với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng; đã tổ chức nghiệm thu ở cấp cơ sở vào ngày 20-6-2023 và được hội đồng xếp loại nhiệm vụ đạt yêu cầu.

Tiến sĩ Hoàng Đình Trung-Chủ nhiệm đề tài-báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Tiến sĩ Hoàng Đình Trung-Chủ nhiệm đề tài-báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý cho nhóm thực hiện đề tài về việc điều chỉnh bố cục đề tài; bổ sung cơ sở pháp lý, một số chính sách liên quan đến nội dung đề tài nghiên cứu, dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất, tác động của con người đến đa dạng sinh học của khu vực hồ Ayun Hạ; điều chỉnh một số hình ảnh, số liệu, danh mục chữ viết tắt cho phù hợp; một số giải pháp đề xuất có tính khoa học chưa cao, thiếu thuyết phục…

Kết quả, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai xếp loại đạt yêu cầu.

Có thể bạn quan tâm