Sống trẻ - Sống đẹp

Nghiên cứu hoạt chất bảo vệ gan từ cây an xoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được uống nước cây an xoa từ bé để chữa bệnh viêm gan, em Phan Huỳnh Xuân Win-sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (cựu học sinh Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) muốn tìm hiểu về thành phần có trong loài thảo dược này. Năm 2020, Win cùng người bạn cùng lớp Huỳnh Lê Nhật Tiến (hiện là sinh viên Trường Đại học Văn Lang) bắt tay nghiên cứu về hoạt tính bảo vệ và chống ung thư gan của loài an xoa. Đề tài đã đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021).
Phan Huỳnh Xuân Win chia sẻ: “Em và mẹ bị viêm gan đã khá lâu. Bên cạnh điều trị bằng thuốc tây, ba em còn thường xuyên chặt cây an xoa về phơi khô để nấu nước cho 2 mẹ con uống. Thắc mắc về loại thảo dược mà mình sử dụng hàng ngày, em lên mạng tìm hiểu thì được biết, hiện nay, hầu như chưa có nghiên cứu nào công bố về tác dụng bảo vệ gan của loài an xoa ở Việt Nam. Việc dùng an xoa trong các bài thuốc dân gian chỉ thông qua truyền miệng, chưa có cơ sở khoa học. Vì vậy, em muốn nghiên cứu và tìm ra các chất có trong cây an xoa mọc trên địa bàn tỉnh để chứng minh, làm rõ tính khoa học của chúng”.
Dù chưa biết đến loài cây này nhưng khi nghe bạn rủ cùng hiện thực hóa ý tưởng ấy, Huỳnh Lê Nhật Tiến đồng ý ngay. Tháng 8-2020, 2 nam sinh khởi động dự án của mình bằng việc tìm hiểu, thu thập tư liệu để bổ khuyết kiến thức; đồng thời, tiếp cận thực tế loài an xoa mọc ở xã Lơ Pang (huyện Mang Yang). “Có 2 câu hỏi lớn mà chúng em đặt ra để nghiên cứu, đó là liệu rằng có thể phân lập được các hợp chất từ cây an xoa thu hái tại Gia Lai? Và cây an xoa có chứa các hợp chất bảo vệ gan để chống ung thư gan như các bài thuốc nam hiện nay hay không?”-Tiến cho hay.
Em Huỳnh Lê Nhật Tiến (bìa phải), Phan Huỳnh Xuân Win (giữa) cùng thầy giáo Lương Văn Tri trong 1 giờ thực hành thí nghiệm tại Trường THPT Lê Lợi. Ảnh: Mộc Trà
Em Huỳnh Lê Nhật Tiến (bìa phải), Phan Huỳnh Xuân Win (giữa) cùng thầy giáo Lương Văn Tri trong 1 giờ thực hành thí nghiệm tại Trường THPT Lê Lợi. Ảnh: Mộc Trà
Tháng 10-2020, Win và Tiến vượt quãng đường hơn 400 km từ Pleiku ra Huế để tiếp tục thực nghiệm đề tài ở Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung. Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cộng với sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia ở Viện, 2 em đã dần khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra. Win vui vẻ thông tin: An xoa thu hái về được chúng em cắt khúc, phơi khô rồi đem ngâm với methanol có sự hỗ trợ của thiết bị siêu âm Selecta. Cao methanol phân tán trong nước, sau đó chiết phân bố với các dung môi có độ phân cực khác nhau để thu được những phân đoạn tương ứng. Dựa vào các phương pháp sắc ký cột pha thường, pha đảo, sephadex, diaion, chúng em đã phân lập được 5 hợp chất của cây an xoa, gồm: 4,5-dihydroblumenol A (1); kaempferol-3-ß-D-(6-O-trans-p-coumaroyl) glucopyranoside (2); 3,4',7,8-tetrahydroxyflavone (3); 2-O-ß-D-glucopyranosyl methyl salicylate (4) và 3-O-methylquercetin (5). Với sự trợ giúp chuyên gia ở Viện, kết quả đánh giá tác dụng trên tế bào gan của các hợp chất phân lập này cho thấy, hợp chất (2) và (3) có tác dụng bảo vệ gan khá tốt; trong đó, hợp chất (3) có tác dụng tốt nhất. Riêng các hợp chất còn lại chưa thể hiện hoạt tính bảo vệ gan ở nồng độ nghiên cứu. Qua đây, chúng em đã khẳng định được rằng, cây an xoa có khả năng ứng dụng làm thuốc bảo vệ gan. Tuy nhiên, nếu có điều kiện mở rộng và phát triển đề tài, chúng em sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật sống cũng như trên cơ thể người để nhận định trên được vững chắc hơn.
Win và Tiến (bìa phải) nhận giải ba với đề tài nghiên cứu về cây An xoa tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII, năm học 2020-2021 (ảnh chụp tháng 1-2021). Ảnh: Mộc Trà
Phan Huỳnh Xuân Win và Huỳnh Lê Nhật Tiến (bìa phải) nhận giải ba với đề tài nghiên cứu về cây an xoa tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII, năm học 2020-2021 (ảnh chụp tháng 1-2021). Ảnh: Mộc Trà
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới) của tác giả Võ Văn Chi, cây an xoa (tổ kén cái, dó lông...) có tên khoa học là Helicteres hirsuta Lour, thuộc họ Trôm (Sterculiaceae). Dạng cây bụi, cao 1-3 m, nhánh hình trụ, có lông; lá hình trái xoan. Trên thế giới, an xoa có mặt ở Campuchia, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Riêng nước ta, cây mọc nhiều ở Bình Phước, Lâm Đồng và các tỉnh miền núi phía Bắc. Cây an xoa có mùi thơm nhẹ, vị gần giống trà, không quá đắng; thường được người dân dùng làm thuốc chữa ung nhọt, kiết lỵ, đậu sởi, cảm cúm, đái dắt...
Nói về thành công của con trai, bà Huỳnh Thị Thanh Huệ (mẹ Win) không giấu được niềm vui: “Win học khá tốt môn Hóa nhưng đây là lần đầu tiên con thử sức ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Vì loài cây an xoa liên quan mật thiết tới gia đình nên con rất tâm huyết với đề tài. Tôi vui mừng khi 2 con đã đạt được kết quả mong muốn và trở nên tự tin hơn. Sau kết quả nghiên cứu của các con, chúng tôi và cả những người đang sử dụng cây an xoa để uống cũng thấy yên tâm hơn khi biết được chính xác thành phần, tác dụng của nó”.
Là người trực tiếp hướng dẫn Win và Tiến trong suốt quá trình nghiên cứu về hoạt chất của cây an xoa, thầy Lương Văn Tri-giáo viên Trường THPT Lê Lợi rất tự hào về 2 học trò của mình, nhất là khi đề tài này đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021). “Đề tài các em lựa chọn khá thú vị và ý nghĩa, có thể ứng dụng vào việc hỗ trợ chữa bệnh một cách đúng đắn và khoa học. Thông qua việc nghiên cứu và thực nghiệm, các em cũng chứng tỏ được khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả kiến thức đã học trên lớp vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống”-thầy Tri nhận định.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm