Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Nghiện game: Hậu họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào Ngọc Hoàng (học sinh lớp 11 ở huyện Quỳnh Lưu) để điều tra về hành vi giết người. Theo thông tin được nhiều tờ báo đăng tải thì Hoàng là đối tượng nghiện game. Để thực hiện theo game đang chơi, học sinh này đã bắt cóc 1 bé trai 5 tuổi đưa vào khu vực rừng rồi giấu trong ngôi nhà hoang. Đợi khi mọi người vào cuộc tìm kiếm, Hoàng sẽ đóng vai “người hùng” tìm ra cháu bé. Tuy nhiên, khi thấy gia đình và cơ quan chức năng đi tìm, do lo sợ, Hoàng không đưa cháu bé về khiến bé trai này tử vong trong tình trạng bị trói, miệng bị bịt kín bằng băng keo.
Vụ án gây xôn xao dư luận không chỉ ở tỉnh Nghệ An này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả đau lòng do người nghiện game gây ra. Nói một lần nữa là bởi, suốt nhiều năm qua, có rất nhiều vụ giết người, trộm cắp, cướp tài sản xảy ra mà thủ phạm là người nghiện game. Điển hình trong số này phải kể đến vụ Lê Văn Luyện ra tay sát hại 3 người và chém 1 người bị thương ở tỉnh Bắc Giang năm 2011 để cướp tài sản. Quá trình điều tra sau đó xác định, Luyện là đối tượng nghiện game bạo lực. Mục đích phạm tội của đối tượng này là để có tiền trả nợ và tiếp tục chơi game. Hay như trường hợp phạm nhân Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam của Quân khu 5 tại tỉnh Quảng Ngãi mới đây, theo thông tin báo chí đăng tải thì Sự cũng là đối tượng nghiện game. Do nghiện game nên trong thời gian đi bộ đội, Sự đã nhiều lần trộm cắp vặt của đồng đội, bị đơn vị nhắc nhở, cảnh cáo. Sau khi đào ngũ vào tháng 8-2012, Sự đã giết người để cướp tài sản và bị Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên án chung thân. Thụ án đến đầu năm 2015, Sự trốn trại và bị bắt lại khi đang ngồi… chơi game ở TP. Hồ Chí Minh. 
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, bạn đọc có thể tìm thấy trên mạng nhan nhản thông tin về các vụ giết người, trộm cắp, cướp tài sản mà thủ phạm là người nghiện game. Tuy nhiên, những vụ án đó chỉ là phần nổi về hậu quả của việc nghiện game. Bởi trong hàng triệu người chơi game ở nước ta hiện nay, không phải ai cũng sa ngã trượt dài trở thành trộm cướp. Nhưng một khi đã nghiện game thì bất cứ ai cũng phải gánh chịu hậu quả, nhẹ thì hao tiền tốn của, mất thời gian, nặng hơn thì bỏ bê công việc, chểnh mảng học hành, thậm chí hao kiệt sức khỏe, trầm cảm, suy giảm trí lực, loạn thần phải nhập viện cấp cứu, điều trị. Đây là điều mà các chuyên gia, nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo. Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD).
Một điều rất đáng lo ngại là số người nghiện game ngày càng có dấu hiệu gia tăng và chủ yếu rơi vào độ tuổi thanh-thiếu niên. Đây là những người mà lẽ ra thời gian trong ngày phải được dành để học tập, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống nhằm hướng đến tương lai trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, nhiều người trong số họ lại chỉ biết ngày đêm cắm mặt vào màn hình điện thoại, máy tính để “cày game”, đắm chìm trong thế giới ảo với những trò chơi đẫm mùi bạo lực, phản cảm. Hậu quả ra sao đối với những người này thì như đã nói ở trên.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngày càng có nhiều người chơi game rồi rơi vào nghiện game? Nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ chính gia đình. Một hình ảnh rất phổ biến trong xã hội hiện nay là nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng “dúi” vào tay con mình chiếc điện thoại di động thông minh hay chiếc máy tính bảng để chúng khỏi làm phiền khi họ có công việc gì đó. Cùng với đó, khi cuộc sống phát triển, nhu cầu học tập tăng cao, nhiều bậc cha mẹ cũng đầu tư mua sắm máy tính rồi nối mạng internet để con cái học hành. Với chiếc điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng có kết nối internet, trẻ dễ dàng tiếp cận với nhan nhản các game online, offline. Ban đầu có thể chỉ là để giải trí, nhưng rồi thiếu sự quan tâm kiểm soát, nhắc nhở của cha mẹ, trong khi các trò chơi thì thừa sức hấp dẫn, lôi cuốn, trẻ dần sa vào nghiện game. Đến khi cha mẹ phát hiện ra thì nhiều trường hợp đã muộn màng. Họ không thể kéo con mình ra khỏi vòng xoáy của game. Nhiều em vì nghiện game mà sa sút học hành, bỏ học, thậm chí rơi vào tệ nạn xã hội, phạm pháp.
Một nguyên nhân nữa “tiếp tay”cho tình trạng nghiện game là việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet và game online hiện nay còn khá lỏng lẻo. Theo quy định pháp luật hiện hành, các cơ sở kinh doanh này chỉ được phép hoạt động trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 22 giờ. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều cơ sở vì lợi nhuận vẫn hoạt động thâu đêm suốt sáng để phục vụ người chơi với đủ chiêu trò đối phó với lực lượng chức năng.
Tình trạng nghiện game cũng có một phần nguyên nhân từ việc thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh-thiếu niên. Việc này liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị nhà trường và tổ chức Đoàn-Hội. Thanh-thiếu niên, học sinh là đối tượng hiếu động, thích khám phá những điều mới mẻ, hấp dẫn. Nhưng thực tế hiện nay, trong nhà trường và ở các địa phương chưa có nhiều sân chơi đủ sức lôi cuốn số đối tượng này tham gia. Hệ quả là để bù đắp sự thiếu vắng đó, nhiều thanh-thiếu niên, học sinh đã tìm đến game online như một thú giải trí, rồi nghiện lúc nào không hay.
Những trò chơi điện tử vốn được tạo ra để phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Chúng ta không cần phải loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng để trò chơi điện tử thực sự phát huy ý nghĩa giải trí của nó, thay vì là mối nguy hại cho người chơi và xã hội thì công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần phải được siết chặt hơn nữa. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần nâng cao nhận thức về tác hại của việc nghiện game, kiểm soát, ngăn chặn con cái mình trước nguy cơ này. Các đơn vị nhà trường, tổ chức Đoàn-Hội cần quan tâm giáo dục, định hướng, tạo ra các sân chơi lành mạnh để thu hút thanh-thiếu niên, học sinh tham gia, giúp các em tránh xa vòng xoáy của game. 
LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm