Nghìn tỷ chi cho SGK mỗi năm: GS Nguyễn Minh Thuyết nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi năm NXB phải in mới gần 100 triệu bản SGK tính ra khoảng 1.000 tỷ đồng được cho là rất lãng phí. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho rằng, cần tính toán tới yếu tố SGK làm ra phải dễ sử dụng và sử dụng lâu dài.
 
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cho rằng không nên đưa vào SGK những dạng bài tập để học sinh viết vào sách. GS Thuyết cũng cho rằng, trước khi viết SGK mới, các tác giả nên tính toán tới yếu tố SGK làm ra phải dễ sử dụng và sử dụng lâu dài.
Nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá
Thưa GS, từ năm học 2019-2020 đã bắt đầu áp dụng chương trình, SGK mới. Vậy GS có thể cho biết, hình hài SGK mới sẽ như thế nào?
Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT đã quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT.”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33 ngày 22/12/2017 về tiêu chuẩn SGK; quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là SGK phải phù hợp với chương trình, bám sát chương trình.
Cấu trúc SGK phải có đủ các thành phần cơ bản về: phần, chương hoặc chủ đề, bài học, giải thích thuật ngữ, mục lục. Cấu trúc bài học trong SGK gồm các thành phần cơ bản gồm: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng.
Về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả trong SGK mới, Thông tư 33 cũng quy định rõ: Các bài học tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh. Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn về kỹ thuật.
Hiện nay, một số đơn vị dựa theo dự thảo chương trình các môn học công bố ngày 19/1/2018 cũng đã có sự chuẩn bị để viết SGK. Theo quy định tại Thông tư số 33, các tổ chức, cá nhân phải thông qua một nhà xuất bản có chức năng làm SGK để trình bản thảo SGK ra hội đồng thẩm định; bản thảo nào đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của SGK mới được phê duyệt, cho phép đưa vào sử dụng.
Hằng năm, SGK phát hành trên dưới 100 triệu bản. Nhiều phụ huynh cũng phản ánh tình trạng mua SGK năm trước, năm sau không sử dụng được. GS có ý kiến gì về việc này?
Hầu hết SGK hiện nay đều được biên soạn, in ấn phù hợp với yêu cầu sử dụng nhiều năm. Về những cuốn sách không đáp ứng yêu cầu ấy, nên nêu cụ thể và trao đổi lại với NXB Giáo dục Việt Nam. Còn vở bài tập kèm SGK thì không phải SGK mà chỉ là một quyển vở thay cho quyển vở ô ly trắng học sinh thường chép và làm bài tập trước đây. Trong vở, NXB in sẵn đề bài nhằm tiết kiệm thời gian chép bài tập cho học sinh. Một số nước cũng làm như vậy. Giá mỗi cuốn vở bài tập cũng chỉ bằng cuốn vở ô ly trắng, học sinh nào có nhu cầu thì mua, không thì thôi.
Có ý kiến cho rằng, việc ra sẵn các bài tập theo hình thức đánh dấu trắc nghiệm sẽ không đạt hiệu quả giáo dục cao. Trong SGK mới, liệu có khắc phục điều này không, thưa GS?
Kiểm tra kiến thức học sinh bằng hình thức trắc nghiệm khách quan có cái hay của nó. Tuy nhiên, đó không phải là hình thức kiểm tra duy nhất. Trong chương trình, SGK mới, hình thức kiểm tra sẽ phong phú hơn. Các tác giả SGK và giáo viên có thể thực hiện nhiều hình thức kiểm tra như: kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan, bằng bài tự luận, bài thực hành, bài tập nghiên cứu…
Khi có nhiều bộ SGK, dù quy định quyền lựa chọn thuộc về các trường nhưng liệu có bàn tay điều khiển để cả địa phương dùng một bộ SGK không, thưa ông?
Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.” Như vậy quyền chọn SGK sẽ là quyền của các trường. Để thực hiện quy định này, phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Bên cạnh sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước, rất cần có sự giám sát kiểm tra, phản ánh của giáo viên, cha mẹ học sinh.
Việc Bộ GD&ĐT cũng tổ chức, thực hiện một bộ SGK có đảm bảo công bằng với các tổ chức, cá nhân khác hay không, thưa ông?
Nghị quyết số 88 của Quốc hội quy định: “Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK.”. Điều này nhằm đảm bảo khi bắt đầu áp dụng chương trình mới, chắc chắn có đủ SGK của tất cả các môn học. Nghị quyết cũng nêu rõ: Bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn “được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.”.
SGK mới nên tính đến yếu tố sử dụng lâu dài
Mỗi năm NXB phải in mới gần 100 triệu bản SGK tính ra khoảng 1.000 tỷ đồng là rất lãng phí. Khi làm SGK mới, theo GS, các tác giả nên hướng tới điều gì?
Khi có nhiều bộ SGK, nhiều NXB cùng làm thì sẽ có yếu tố cạnh tranh. Vì vậy các tác giả, các NXB sẽ phải tính toán, cân nhắc đến nhiều yếu tố, trong đó phải tính đến thị trường. Dân Việt Nam ta còn nghèo nên có nhu cầu dùng SGK qua nhiều năm. Nếu SGK không sử dụng được lâu dài thì chắc là nhiều trường sẽ không chọn vì khi tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh, chắc phần đông cha mẹ học sinh không đồng tình. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho những người làm SGK. Những vấn đề bất cập trong SGK hiện nay mà nhà báo nêu sẽ phải được trao đổi với các tác giả làm SGK.
Vậy, việc xóa bỏ độc quyền về SGK có mang lại những bộ sách có chất lượng tốt hay lại khiến các trường bối rối trong chọn lựa, thưa GS?
Trong thời gian tới, nhiều NXB sẽ có cơ hội để tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Khi có nhiều bộ sách, các nhóm viết sách sẽ thi đua làm sách tốt hơn; các cơ sở giáo dục cũng có nhiều sự chọn lựa để có bộ sách phù hợp. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt phải, mặt trái nên phải có phương thức quản lý tốt.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hà (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm