Ngoại giao Kinh tế 2018 sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, phục vụ hiệu quả hơn mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018, trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo đã có cuộc trả lời phỏng vấn về công tác ngoại giao kinh tế trong năm qua cũng như phương hướng, mục tiêu của hoạt động này trong năm 2018. VOV xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo. |
PV: Tình hình thế giới và khu vực, cục diện kinh tế thế giới tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Đại sứ có bình luận gì về sự tham gia của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh này?
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo: Năm 2017, mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp. Kinh tế thế giới tuy tăng trưởng tốt hơn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc do bất ổn tài chính-tiền tệ, bất ổn địa chính trị và an ninh quốc tế, do trào lưu dân tuý và chủ nghĩa bảo hộ.
Liên kết kinh tế-thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục được duy trì, song hợp tác quốc tế và tự do thương mại gặp phải những khó khăn không nhỏ khi các nước đều có nhu cầu đảm bảo động lực tăng trưởng cần thiết và thích ứng một cách hiệu quả với những đòi hỏi mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong bối cảnh này, một lần nữa, Việt Nam chứng tỏ được bản lĩnh, tự cường, sáng tạo, vượt khó khăn, đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế.
Thứ nhất, lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu đề ra và đạt nhiều mốc “kỷ lục” mới. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, hơn nhiều nước khu vực. Kinh tế vĩ mô ổn định; bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% GDP; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 52 tỷ USD; thị trường chứng khoán khởi sắc, vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Thu nhập và sức mua của 93 triệu dân ngày càng tăng, năm 2017 GDP đầu người theo giá hiện hành đạt trên 2.400 USD. Xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 21%. Vốn FDI vào ta tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây và đạt 29,7 tỷ USD. Rõ ràng, gia tăng bảo hộ đã không tác động quá mạnh như chúng ta lo ngại.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được cơ cấu lại, dựa trên đổi mới mô hình tăng trưởng phát huy tác dụng khiến chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Các ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4% và cùng với dịch vụ đã trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, có thêm 45 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, trong đó có cả các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn.
Thứ ba, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt.
Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 nước trong xếp hạng của WEF và WB xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam lên thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc. WIPO đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của ta tăng 12 bậc, lên thứ 47/127 nước.
Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng tới gần 127 nghìn doanh nghiệp đã minh chứng cho những đánh giá này.
Thứ tư, thông qua đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vai trò và vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao, quan hệ với các nước và các đối tác đều được mở rộng và sâu sắc hơn. Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự kiện này một mặt tạo hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện, tiếp tục khẳng định APEC là diễn đàn hợp tác, liên kết kết kinh tế hàng đầu khu vực, mặt khác khắc họa vai trò nổi bật của Việt Nam đối với sự kiện mang tầm vóc “toàn cầu”.
Cũng trong năm 2017, Lãnh đạo cấp cao ta đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam. Nhờ các chuyến thăm này, ta đã xây dựng được trọng tâm cơ chế, cũng như khuôn khổ hợp tác thuận lợi trên từng lĩnh vực để phát triển kinh tế đất nước.
Những chuyển biến tích cực trên đây khẳng định tính đúng đắn của các chính sách, biện pháp Việt Nam đã và đang triển khai. Bên cạnh đó, phải thấy rằng quyết tâm và nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển đã tạo niềm tin, không khí hứng khởi và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa sâu rộng đến từng doanh nghiệp và người dân.
Ảnh nguồn internet |
PV: Năm 2018, nhiều mối liên kết kinh tế mới lại tiếp tục được định hình, Việt Nam sẽ ngày càng phải tham gia luật chơi một cách bình đẳng hơn với các đối tác lớn hơn. Vậy theo Đại sứ, chúng ta cần chọn con đường liên kết như thế nào để có được những mối quan hệ kinh tế bền vững?
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo: Như đã đề cập trên đây, năm 2018 là năm ghi dấu ấn quan trọng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chúng ta phấn đấu thực hiện các cam kết của các FTA đã ký, thúc đẩy sớm hoàn tất phê chuẩn FTA Việt Nam-EU, ký Hiệp định CPTPP, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Rõ ràng, với 16 hiệp định tự do thương mại đã có hiệu lực hoặc đang đàm phán Việt Nam đang ngày càng chủ động tham gia và góp phần hình thành hệ thống thương mại quốc tế. Cùng với thể chế ổn định, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đặc biệt, là đối tác, đối tác toàn diện, hay đối tác chiến lược với khoảng 30 quốc gia khác nhau (trong đó có các đối tác chủ chốt như Mỹ, Nhật, Nga…) đảm bảo ổn định, thuận lợi cho đất nước trong giao thương quốc tế.
Trở lại với câu hỏi trên, tôi xin nêu một số nhận định:
Một là, tham gia các thỏa thuận kinh tế - thương mại đa phương có nhiều ý nghĩa lớn. Ngoài tác dụng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia, đây còn là khẳng định cam kết chính trị của chúng ta, sẵn sàng chủ động, tích cực hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế vì phồn vinh chung.
Hai là, các thỏa thuận này đã và sẽ đem lại môi trường thuận lợi để chúng ta nâng cao hơn nữa chất lượng của nền kinh tế quốc dân. Từ đó kiến tạo cơ sở cho Việt Nam thúc đẩy, mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ về kinh tế - thương mại với các đối tác khác trong đó có các đối tác lớn.
Ba là, quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt trong kinh tế thương mại, phải dựa trên sự cân bằng, bền vững với các chính sách minh bạch. Các thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương vì vậy cần được xây dựng trên các nguyên tắc này và các thỏa thuận thương mại cần bổ sung, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau.
Như vậy, trong năm 2018, tôi cho rằng chúng ta có nhiều nhiệm vụ trong tham gia xây dựng các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương.
Trước hết, chúng ta cần rà soát lại các thỏa thuận đã đạt được và đang thực hiện. Trong quá trình này chúng ta có thể cùng các nước xác định các điểm mạnh cũng như những tồn tại của các thỏa thuận để có thể sửa đổi, cải tiến và thậm chí là xây mới.
Tiếp đó, chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ hơn các chính sách và cơ chế hỗ trợ cho thương mại và đầu tư. Cởi mở, minh bạch, trong sạch chính là nền tảng cho sự bền vững trong phát triển.
Cuối cùng, chúng ta cần tìm kiếm, xác định và xây dựng các chuẩn mực chung, hài hòa lợi ích của các bên để từ đó đem lại sự cân bằng trong quan hệ kinh tế thương mại của nước ta với các nước khác.
Thế giới bước vào năm 2018 vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tập trung phát huy tốt nội lực, tôi tin đây sẽ là chìa khoá mở cánh cửa phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam.
PV: Vậy, ngoại giao phục vụ phát triển đã có những chuyển biến gì và cần có những thay đổi nào để tiếp tục thu được hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới, thưa Ông?
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo: Xin nêu một số thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế 2017 để minh chứng cho nhận định này:
Bao trùm là việc chúng ta đã triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại đa phương, với điểm sáng là đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Đây có thể coi là đợt triển khai ngoại giao kinh tế lớn với thành công nổi bật là tận dụng triệt để cơ hội do APEC mang lại để phục vụ những lợi ích kinh tế cụ thể.
Việt Nam đã khởi xướng ý tưởng, lồng ghép thành công các nội dung phục vụ lợi ích lâu dài của Việt Nam, như phát triển bao trùm, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Với các cơ chế đa phương khác, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt cho Lãnh đạo cấp cao ta tham dự tích cực, thực chất tại các diễn đàn/cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng (như G20, WEF Davos, WEF Asean, Mekong – Lan Thương, Diễn đàn cấp cao “Vành đai và con đường – BRI...
Ngoại giao Kinh tế đã góp phần kiến tạo những điều kiện cần cho chuyển tiếp kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt là việc duy trì giá trị cốt lõi của thương mại, đầu tư tự do và mở, ủng hộ cho hệ thống thương mại đa phương.
Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành đã vận động các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận, hướng tới Hiệp định CPTPP; thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn, triển khai các các FTA thế hệ mới quan trọng như EVFTA, RCEP, FTA với Hàn Quốc…; tích cực vận động các nước công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (hiện đã được 70 nước công nhận).
Năm 2017 là năm điển hình cho việc Ngoại giao Kinh tế tạo môi trường chính trị ngoại giao thuận lợi phục vụ các lợi ích kinh tế. Đã có 51 đoàn Cấp cao ra và vào Việt Nam, tăng 30% so năm 2016. Các chuyến thăm này đã giúp chúng ta xây dựng được trọng tâm, cơ chế, cũng như khuôn khổ hợp tác trên từng lĩnh vực phát triển kinh tế. Có thể lấy ví dụ như sự tấp nập trong các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đưa đến hơn 40 văn kiện hợp tác kinh tế trị giá hàng chục tỉ USD, hay việc đột biến trong trao đổi đoàn các cấp khu vực Trung Đông - Châu Phi với kết quả là 22 hiệp định, thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế được ký kết.
Công tác tham mưu, nghiên cứu kinh tế được đẩy mạnh theo nhiều cấp độ và hình thức, tận dụng tương đối tốt mạng lưới cơ quan đại diện, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Bộ ngành trong điều hành kinh tế-xã hội, có đối sách phù hợp với những vấn đề nảy sinh, tham gia hiệu quả hơn vào các sáng kiến kinh tế mới nổi. Việc tăng các báo cáo mang tính ứng dụng là nét mới năm 2017.
Công tác xúc tiến, tìm kiếm, mở rộng thị trường thương mại-đầu tư được chuyên nghiệp hóa và bước đầu tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Năm 2017, nổi bật là xúc tiến các mặt hàng nông sản. Các hoạt động xúc tiến diễn ra nhộn nhịp ở nhiều địa bàn, đặc biệt tại những địa bàn đặc biệt khó khăn như Mông Cổ, Ai Cập, Iran, Uzbekistan, Bangladesh…
Điểm nhấn quan trọng nữa là việc Bộ trưởng Ngoại giao ban hành Chỉ thị 03 về việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020. Chỉ thị và kế hoạch ngoại giao kinh tế 2017-2018 là khuôn khổ chính sách quan trọng giúp định hướng nhiệm vụ công tác và các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác Ngoại giao Kinh tế trong bối cảnh mới.
Bước sang năm 2018, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng khả quan, song đà phục hồi không bền vững. Châu Á -Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu. Đối với Việt Nam, 2018 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Việt Nam rất cần những động lực mới để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế.
Trước các yêu cầu bức thiết này, công tác ngoại giao kinh tế 2018 sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với phương châm “Tham mưu, triển khai, khởi xướng và liên kết sâu rộng”, bám sát yêu cầu của đất nước, thúc đẩy các nội dung có ý nghĩa thiết thực với Việt Nam. Tin rằng, với những đổi mới về phương pháp tiếp cận, Ngoại giao Kinh tế 2018 sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, phục vụ hiệu quả hơn mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trong thời gian tới.
PV/VOV