Ảnh đẹp

Ngôi làng nghèo "lột xác" nhờ sức hút của những bức tranh lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu như hơn 20 năm trước, ngôi làng nhỏ ở miền bắc Nhật Bản gần như “kiệt quệ” trong nợ nần, thì đến nay, họ đã tìm ra chỗ đứng cho riêng mình nhờ sức hút từ du lịch cũng như nâng cao sản lượng tiêu thụ lúa gạo.
Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy rằng, du lịch là một nguồn thu lý tưởng. Các thành phố lớn từ New York hay Las Vegas đều có những điểm du lịch nhân tạo để hút khách của riêng mình. Vậy còn những vùng nông thôn hay nơi xa xôi hẻo lánh, họ sẽ giải quyết bài toán du lịch như thế nào?
 
Hơn 20 năm trước, Inakadate – ngôi làng nhỏ thuộc miền bắc Nhật Bản gần như “kiệt quệ” trong khoản nợ khổng lồ. Thu nhập từ nông nghiệp suy giảm nghiêm trọng và dân số ngày càng thu hẹp.
Năm 1981, các nhà khảo cổ phát hiện ra một di tích khảo cổ tại cánh đồng lúa hơn 2000 năm tuổi, đưa Inakadate trở thành vùng trồng lúa lâu đời nhất miền bắc nước Nhật. 
Nhằm thúc đẩy kinh tế, chính quyền địa phương quyết định xây dựng một công viên chủ đề tại đây, với hi vọng mang lại nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, những bước đi sai lầm đã để lại khoản nợ lớn 106 triệu USD, gấp 3 lần tổng ngân sách cả năm.
 
Nhằm tìm cách vực dậy ngôi làng để người dân thoát nghèo, trưởng thôn Koichi Hanada đã có bước đi táo bạo. Từ ý tưởng nhìn trẻ em trồng lúa theo hình vẽ trong một dự án ngoại khóa, những sáng tạo nảy sinh nhiều hơn. Ông đưa ra ý tưởng trồng lúa kết hợp với thiết kế hội họa ngay trên cánh đồng.
 
Kể từ đó, nghệ thuật trồng lúa Tanbo giúp Inakadate thay da đổi thịt. Từ năm 1993, người dân bắt đầu trồng lúa theo kiểu thiết kế hội họa, biến mỗi cánh đồng thành một bức tranh nghệ thuật, đặc biệt thu hút du khách và giới truyền thông. Cũng từ đó, nguồn thu từ du lịch khấm khá dần.
 
Hàng năm, lượng khách đổ về Inakadate mỗi khi xuất hiện những bức họa mới ngày một nhiều, khiến tình trạng tắc đường thường xuyên diễn ra. Hàng năm, người dân trong làng lại đúc kết, kết hợp nhiều loại lúa với các kiểu gen mới để tạo nên bức tranh nhiều họa tiết tươi mới, không năm nào bị trùng lặp.
Độ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm những bức tranh khổng lồ ra đời. Du khách thích thú được chiêm ngưỡng bức họa đồng quê giữa không gian rộng lớn. Nhưng muốn ngắm nhìn trọn vẹn tác phẩm, du khách phải đứng nhìn từ trên cao.
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách ngày một khắt khe, người dân trong làng áp dụng khoa học công nghệ để trồng lúa. Theo đó, họ sử dụng máy tính lập bản đồ chính xác từng vị trí gieo trồng các giống lúa cho phù hợp. Dù tự hào về ngôi làng nhỏ ngày một nổi tiếng, nhưng người dân cũng cảm nhận rõ sự áp lực khi năm sau phải làm tốt hơn năm trước.
 
“Chúng tôi không có tài nguyên như núi đồi hay biển cả, chỉ có lúa gạo. Nhưng chúng tôi vẫn có thể phát triển du lịch nhờ ý tưởng sáng tạo không ngừng nghỉ và sự sáng tạo”, ông Koyu Suzuki , cựu trưởng làng cho hay.

Những bức họa đồng quê được sáng tạo dựa theo nhiều yếu tố và đa dạng. Có thể là những nhân vật nổi tiếng thế giới, cho tới các câu chuyện trong văn hóa dân gian Nhật Bản hoặc họa tiết truyền thống.

 
Ngoài nguồn thu lớn từ du lịch, người dân ở Inakadate còn nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ những nơi khác. Masako Sato, một vị khách đến từ Akita – thành phố chỉ cách Inakadate vài giờ lái xe, nhận định: “Những miền quê khác trên khắp nước Nhật phải học hỏi tinh thần của người dân Inakadate”.
Hoàng Hà (Dantri/BBC/wimp)

Có thể bạn quan tâm