Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

"Ngôi nhà an toàn" cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có những thứ tưởng chừng vô hại trong nhà nhưng lại trở thành mối đe dọa đối với trẻ em và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra với trẻ ngay tại nơi sinh sống. Để góp phần phòng-chống tai nạn thương tích ở trẻ em, từ năm 2020 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ tại huyện Chư Prông.


Chị Siu Chech (làng Neh Xo, xã Ia Tôr) kể: “Những ngày hè, trường không nhận trông giữ trẻ nên vợ chồng mình thay nhau ở nhà trông 3 con nhỏ. Có lần, vì không cẩn thận, con trai đầu 4 tuổi lấy ngón tay đút vào ổ điện. Bị điện giật, con bất tỉnh, may mà mình phát hiện kịp thời rồi hồi sức một chặp con mới tỉnh lại”. Sau “bài học” nhớ đời ấy, chị Chech luôn nhắc nhở bản thân phải để mắt đến con nhiều hơn và chú ý dán băng keo những ổ điện ở gần tầm với của con.

Các em nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn. Ảnh: Đinh Yến
Các em nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn. Ảnh: Đinh Yến

Huyện Chư Prông có 15.825 trẻ dưới 6 tuổi. Vừa qua, huyện xây dựng chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện phấn đấu giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống dưới 17/100 ngàn trẻ. Đặc biệt, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đang triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 2 xã: Ia Tôr và Ia Piơr. Ông Lê Văn Thân-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông-cho biết: Mô hình “Ngôi nhà an toàn” góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ trên địa bàn. Phạm vi áp dụng mô hình là ngôi nhà thường xuyên có sự sinh sống, có hoạt động của trẻ em. “Ngôi nhà an toàn” yêu cầu đảm bảo các nhóm tiêu chí: đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà (có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn; đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt; giếng nước, bể nước phải có nắp đậy…); đảm bảo an toàn các phòng trong ngôi nhà (cánh cửa phòng phải có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹt tay khi đóng, mở…); đảm bảo an toàn về điện; an toàn cầu thang và lan can; an toàn các đồ dùng gia đình và một số quy định khác.

Bà Bùi Thị Mến (thôn 1, xã Ia Tôr) cho hay: “Sau khi được tư vấn, tuyên truyền về xây dựng “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ, tôi thấy nhiều vật dụng trong nhà còn bố trí chưa ngăn nắp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ. Do đó, với ổ điện trong nhà, tôi cho lên cao, không để trong tầm tay trẻ. Còn các vật dụng như: dao, kéo, phích nước nóng, bát, đĩa... tôi bố trí nơi khuất tầm nhìn hay cho lên cao để trẻ không thể với tới được”.

Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông cho rằng: Đa phần các ngôi nhà ở nông thôn còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ như: các bể chứa nước và giếng nước chưa có nắp đậy; ổ điện để quá thấp; cổng chưa có cửa, sân không có tường rào... Đó là chưa kể nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan khi cho trẻ chơi gần ao, hồ, để thuốc bảo vệ thực vật gần nơi trẻ hay chơi đùa, cho trẻ chơi ở gần bếp gas, bếp than củi trên nhà sàn... “Các bậc cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng, bố trí ngôi nhà đang ở để tạo cho trẻ có được môi trường sống an toàn. Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa việc tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh, phù hợp trong những ngày hè để trẻ em được vui chơi an toàn vừa phòng-chống dịch bệnh tốt nhất”-ông Thân nhấn mạnh.

ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm