Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

"Ngôi nhà chung" của các tân binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ những người xa lạ, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ tề tựu về “ngôi nhà chung” quân ngũ để bắt đầu những tháng ngày cùng học tập, rèn luyện. Với mỗi chiến sĩ, hai năm quân ngũ sẽ là những trải nghiệm khó quên trong đời.
 

 
 Các chiến sĩ học thu-giãn đội hình. Ảnh: P.D
Các chiến sĩ học thu-giãn đội hình. Ảnh: P.D

Chúng tôi đến thăm Tiểu đoàn 14 (thuộc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) vào một chiều cuối tuần, khi 90 tân binh đang làm quen với từng động tác trong bài thể dục thu-giãn đội hình. Chỉ mới làm quen với môi trường quân ngũ chưa đầy 1 tuần nhưng các chiến sĩ đã có sự thay đổi trong từng lễ tiết tác phong, nhất là xưng hô, chào hỏi. Đại úy Nguyễn Văn Định-Chính trị viên Tiểu đoàn 14 cho biết: Ngay trong tuần đầu tiên tiếp nhận chiến sĩ mới, cùng với việc tổ chức phúc tra sức khỏe, rà soát lý lịch, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng tân binh, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động như: giới thiệu truyền thống, đặc điểm và nhiệm vụ của đơn vị; huấn luyện ngoại khóa những nội dung liên quan đến hoạt động quân sự để chiến sĩ làm quen với môi trường, hướng dẫn chiến sĩ sắp xếp nội vụ vệ sinh, huấn luyện những động tác cơ bản về tác phong xưng hô, chào hỏi để xây dựng nếp sống văn hóa-kỷ luật quân nhân…

Vừa hoàn thành bài tập thu-giãn đội hình, tân binh Nguyễn Thế Vũ (Trung đội 6, Đại đội 2) chia sẻ: “Tôi đang từng bước làm quen với môi trường mới, bài học mới”. Đang theo học năm thứ 3 ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Mở Hà Nội, Vũ xin bảo lưu kết quả để lên đường nhập ngũ. “Ban đầu, khi nhận giấy gọi nhập ngũ, tôi cũng băn khoăn vì chỉ còn một năm nữa sẽ tốt nghiệp văn bằng hai (Vũ đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc-N.V). Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định xin bảo lưu kết quả học tập để nhập ngũ, vì đây là trách nhiệm và nghĩa vụ mà thanh niên phải thực hiện”-Nguyễn Thế Vũ bộc bạch. Dù gắn bó với môi trường, cuộc sống quân ngũ chưa lâu, song Nguyễn Thế Vũ cho rằng, đây sẽ là ngôi nhà chung thú vị để mỗi chiến sĩ trải nghiệm và trưởng thành. Ở đó, những người vốn xa lạ bỗng trở nên gần gũi và xích lại gần nhau để cùng chia sẻ những buồn-vui; ở đó, cán bộ trung đội, đại đội như người anh trong gia đình, luôn quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ mỗi khi ai đó gặp những khúc mắc trong cuộc sống.

Cũng nhờ tình cảm đồng chí, đồng đội mà tân binh Phạm Phao (Trung đội 6, Đại đội 2) đã dần vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cậu con trai chưa đầy một tuổi nơi quê nhà huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Vốn làm nông nên những ngày đầu phải làm quen với việc ăn-ngủ đúng giờ, gấp nội vụ gọn gàng là việc vô cùng khó đối với Phao. “Mình học gần cả tuần rồi mà vẫn chưa gấp nội vụ đẹp như nhiều bạn khác được”-Phao bẽn lẽn. Chia sẻ về những ấn tượng trong môi trường quân ngũ, Phạm Phao nói: “Cảnh quan môi trường của đơn vị rất đẹp, bữa cơm cũng phong phú và ngon miệng. Có điều ở đây lạnh hơn so với Quảng Ngãi nên chưa quen”.

Đại úy Nguyễn Văn Định-Chính trị viên Tiểu đoàn 14: “Trong số 90 chiến sĩ, có khoảng 7 chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, như: bố hoặc mẹ đã chết; bố mẹ già yếu hay ốm đau bệnh tật… Với  những chiến sĩ này, đơn vị sẽ tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có biện pháp động viên, giáo dục để xác định rõ tư tưởng, đồng thời giao nhiệm vụ cho cán bộ Tiểu đội, Trung đội thường xuyên theo dõi, giúp đỡ và kèm cặp. Ngoài ra, nhằm giúp chiến sĩ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, Tiểu đoàn cũng đã tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ để cán bộ, chiến sĩ cùng giao lưu, gặp gỡ. Đồng thời, đơn vị cũng bố trí thêm chăn, áo bông đủ ấm cho bộ đội vì khí hậu Tây Nguyên lạnh hơn so với đồng bằng”.

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm