Điểm đến Gia Lai

Ngôi trường phổ thông đầu tiên ở thị trấn Dân Chủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1973, tôi là một trong 16 giáo viên miền Bắc vào chi viện cho Gia Lai. Tại đây, tôi đã chứng kiến sự ra đời của ngôi trường phổ thông cấp I đầu tiên của tỉnh.
Mặc dù trong điều kiện chiến tranh nhưng ngành Giáo dục của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 271 cán bộ, giáo viên; hệ thống giáo dục đã phát triển ở nhiều vùng giải phóng với 111 lớp, 2.346 học viên bình dân học vụ; 115 lớp, 757 học viên các lớp bổ túc văn hóa tại chức cho cán bộ các cấp; 9 lớp, 184 học viên tập trung Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh và ở một số huyện.
Cùng thời gian này, các cơ quan cấp tỉnh đã được chuyển về đóng rải rác ở khu vực rừng ngã ba sông Ba và sông La Bà (thuộc huyện Kbang hiện nay). Tại vùng căn cứ này, chính quyền cách mạng cũng đồng thời thành lập thị trấn Dân Chủ (thuộc xã Krong hiện nay) dân cư đã đông, con em cán bộ cũng nhiều. Tuy nhiên, giáo dục phổ thông ở vùng giải phóng đến năm 1973 vẫn chưa có.
 Học sinh Trường Phổ thông cấp I thị trấn Dân Chủ tập thể dục giữa giờ (ảnh tư liệu).
Học sinh Trường Phổ thông cấp I thị trấn Dân Chủ tập thể dục giữa giờ (ảnh tư liệu).
Trong tình hình ấy, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và chính quyền cách mạng tỉnh về phát triển giáo dục phổ thông cho thị trấn Dân Chủ, ngày 15-9-1973, ông Nguyễn Anh Tuấn (tức Nguyễn Đình Chi), là Ủy viên Ban Giáo dục tỉnh (tương đương Sở Giáo dục và Đào tạo bây giờ) đã trực tiếp chỉ thị cho ông Cao Ngọc Nguyên và ông Khắc Văn Kiêu (là giáo viên mới được bổ sung từ miền Bắc vào) phải thành lập ngay một Trường Phổ thông cấp I. Địa điểm trường đặt tại thị trấn Dân Chủ, hình thức tổ chức giống như một trường phổ thông ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Về sự kiện này, ông Cao Ngọc Nguyên nhớ lại: “Sau khi phân tích ý nghĩa về sự ra đời của ngôi trường, ông Nguyễn Anh Tuấn giao nhiệm vụ: Trường ban đầu chỉ có 2 giáo viên, giao cho đồng chí Cao Ngọc Nguyên phụ trách trường vì đã từng là Hiệu trưởng trường cấp II ở miền Bắc, còn đồng chí Khắc Văn Kiêu làm giáo viên. Về học sinh thì tuyển con em cán bộ của cơ quan tỉnh, con em đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trấn Dân Chủ và các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở gần đấy. Thời gian học liên tục, cứ 6 tháng/khóa. Ngày khai giảng được lãnh đạo tỉnh ấn định là ngày 1-10-1973”. Sau khi giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ vào một tập sách để ngay ngắn trên bàn và bảo ông Nguyên nhận tài liệu gồm 5 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 và một quả địa cầu mới nhận được từ Ban Giáo dục Khu V gửi vào. Ông tươi cười thân mật vỗ vai 2 giáo viên và nói: “Tất cả chỉ có thế, bây giờ là việc của các cậu”. Ông Nguyên hồi tưởng: “Hôm ấy, chúng tôi nhận nhiệm vụ mà lòng nặng trĩu lo âu. Mở một ngôi trường là chuyện to tát, trong khi từ lúc ấy cho đến ngày khai giảng chỉ còn vỏn vẹn 13 ngày! Chúng tôi phải hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ với nhân sự là 2 con người và 4 bàn tay trắng”.
Nhưng họ không đơn độc. Ngay hôm sau từ lãnh đạo tỉnh, Ban Giáo dục, chính quyền và nhân dân thị trấn Dân Chủ đều bắt tay cùng làm. Vài hôm sau, ngôi trường bằng gỗ rừng, lợp tranh, bốn bề che bằng phên nứa và một căn nhà nhỏ phía sau để làm chỗ ở cho giáo viên đã được dựng xong. Khu trường nằm trên một khoảnh đất rộng, bằng phẳng nằm gần kề trung tâm thị trấn. Trước và sau trường có nhiều cây to che bóng mát. Bàn ghế trong lớp học là 6 cái cọc đóng sâu xuống đất, bên trên kê tấm ván. 2 ngày trước khai giảng, ông Chinh (tức Ngô Thành) thay mặt lãnh đạo tỉnh triệu tập 2 anh em chúng tôi lên giao nhiệm vụ. Tổng số học sinh huy động được 85 em, biên chế làm 4 lớp.
Đúng 8 giờ sáng 1-10-1973, trời nắng rất đẹp, lễ khai giảng Trường Phổ thông cấp I thị trấn Dân Chủ được tổ chức rất trang trọng. Khách đến dự có ông Đinh Núp-Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh; ông Nguyễn Anh Tuấn- Ủy viên Ban Giáo dục tỉnh; ông Nguyễn Văn Thứ-Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; ông Nguyễn Xích-Phó Trưởng ban Quản lý thị trấn. Hầu như toàn bộ nhân dân thị trấn và đồng bào dân tộc các làng gần đấy đều mang chiêng đến múa hát chào mừng, còn có rất đông cán bộ các cơ quan cấp tỉnh và một số bộ đội đến dự. Ông Nguyễn Anh Tuấn là người đọc diễn văn khai giảng; ông Cao Ngọc Nguyên báo cáo về kế hoạch năm học, Anh hùng Núp phát biểu chào mừng và giao nhiệm vụ cho Ban Giáo dục tỉnh cùng thầy trò nhà trường.
Ông Nguyên kể tiếp: “Sáng hôm sau, ngày 2-10, thầy trò chúng tôi bắt đầu tiết học đầu tiên. Học trò đến trường đều đeo khăn quàng đỏ, quần áo gọn gàng. Nhưng rồi khó khăn nảy sinh như: Với lớp 1A của học sinh dân tộc Bahnar, thầy thì chưa biết tiếng Bahnar, trò thì đa số lại không biết tiếng Kinh. Nhưng nhờ trong số học sinh dân tộc ấy có vài em cũng biết lõm bõm tiếng Kinh, thế là thầy dạy phải qua… phiên dịch”. Để có thể dạy được, mỗi tối 2 thầy giáo phải vào làng để học tiếng Bahnar.
Thêm một khó khăn nữa: Ngoài mấy quyển sách giáo khoa đã cũ từ miền Bắc gửi vào thì không có tài liệu nào khác. Trong khi thực tế đòi hỏi cần có chương trình để theo đó mà thực hiện tiến độ của năm học, rồi biên chế lớp năm học, rồi sổ điểm, học bạ, sổ đầu bài... Thấu hiểu khó khăn, Ban Giáo dục tỉnh cử tôi-lúc ấy là cán bộ của Ban-biệt phái xuống ngôi trường này để cùng các giáo viên tự soạn chương trình giảng dạy các môn.
Mỗi buổi sáng đầu tuần, tiếng Quốc ca chào cờ của thầy và trò vang lên, tiếng hô tập thể dục giữa giờ đều đặn mỗi ngày đã làm cho thị trấn giải phóng duy nhất thời ấy trở nên rộn ràng. Trường Phổ thông cấp I thị trấn Dân Chủ đã đánh dấu cho sự ra đời của nền giáo dục phổ thông cách mạng Gia Lai chúng ta như thế!
NGÔ MINH THÚY

Có thể bạn quan tâm