Những ngày gần đây, thị trường tràn ngập các loại hoa, bánh, chocolate cùng nhiều quà tặng hấp dẫn để giúp các đôi tình nhân có dịp bày tỏ cảm xúc chân thành đến người mình yêu thương. Đã thành lệ, cứ đến ngày 14-2 là cộng đồng mạng lại được chứng kiến những màn tỏ tình vô cùng lãng mạn như sách, như phim.
Tương truyền, Valentine là tên vị linh mục đã bí mật tổ chức hôn lễ cho các cặp đôi, bất chấp lệnh cấm của Hoàng đế La Mã khi đó với ý đồ xây dựng một đội quân thiện chiến để tham gia các cuộc xâm lược đẫm máu. Khi Hoàng đế phát hiện sự việc, Valentine bị tử hình bằng cách kéo lê, ném đá trên đường phố cho đến chết vào ngày 14-2-273. Từ đó trở đi, ông được xem như vị thánh tình yêu; ngày 14-2 hàng năm trở thành Valentine’s Day-ngày các cặp tình nhân thể hiện tình yêu với nhau thông qua những món quà truyền thống như thiệp, hoa hồng, chocolate…
Ngoài ngày Valentine Đỏ kể trên, thế giới còn ghi nhận thêm 2 ngày lễ gồm Valentine Trắng (14-3) và Valentine Đen (14-4). Valentine Trắng bắt nguồn từ Nhật Bản. Tại đất nước Mặt trời mọc, vào ngày Valentine Đỏ, các cô gái tặng quà cho các chàng trai bày tỏ tình cảm. Như lời đáp lễ, 1 tháng sau đó, chàng trai tặng lại các cô gái một món quà, thường là kẹo dẻo hoặc chocolate. Trong khi đó, Valentine Đen là ngày đặc biệt bắt nguồn từ Hàn Quốc, chỉ dành cho những người… độc thân. Vào ngày này, họ tụ họp, mặc trang phục đen, ăn mì tương đen mong sớm tìm được nửa kia hoặc chứng minh rằng độc thân cũng chẳng sao, độc thân vẫn hạnh phúc.
Sự du nhập của văn hóa nói chung, các lễ hội nước ngoài đã góp thêm sắc màu cho nền văn hóa vốn đã rất đa dạng của Việt Nam, tôn vinh nét đẹp trong ứng xử với những tình thân quanh mình. Song, một số người đã biến ý nghĩa của những ngày này thành nghi thức rườm rà, thậm chí có phần phản cảm. Đơn cử, vào Valentine’s Day, thay vì tận hưởng sự ngọt ngào của một mối quan hệ riêng tư, có người vô tư khoe quà “khủng” trên mạng xã hội với tâm lý hơn thua; có người so bì, vòi vĩnh quà tặng khiến đối phương rơi vào “khủng hoảng tài chính”. Đáng nói, với tâm lý yêu hết mình, có những cặp đôi chọn thời điểm này để “vượt rào” dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường, khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên.
Chưa hết, theo cảnh báo của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) thì những “cú lừa lãng mạn” có xu hướng tăng mạnh trong dịp lễ Valentine, trên môi trường mạng. Nạn nhân thường là người nhẹ dạ, có nhu cầu tìm kiếm một chỗ dựa tình cảm. Theo đó, kẻ xấu tạo lập một hồ sơ giả hấp dẫn trên các ứng dụng hẹn hò để thu hút người tìm kiếm. Tự xưng là người nước ngoài, doanh nhân bận rộn khó gặp mặt, kẻ xấu tìm cách chiếm lòng tin và tình yêu của nạn nhân sau một thời gian trò chuyện, tiếp đó tiến tới thuyết phục họ gửi tiền bằng cách chuyển khoản vào dịp 14-2. Thêm một chiêu trò tinh vi khác được FTC cảnh báo, đó là khi đang trong giai đoạn tình cảm vô cùng thắm thiết, đối tượng đột nhiên ngừng liên lạc vài ngày khiến nạn nhân lo lắng. Khi xuất hiện trở lại, đối tượng giải thích rằng đã gặp một sự cố bất ngờ nào đó như tai nạn, người thân nhập viện rồi nhờ giúp đỡ về tài chính. Nhiều nạn nhân đâu nỡ từ chối, nhưng ngay sau khi tiền được chuyển đi, đối tượng yêu xa bấy lâu liền lập tức “bốc hơi”. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng khi tình cảm che mờ lý trí thì không ít người vẫn bị mắc lừa.
Lễ Tình nhân là dịp để đôi lứa thể hiện tình cảm dành cho nhau. Nhưng yêu thương đâu chỉ có 1 ngày. Hãy trân trọng nhau mọi lúc. Hãy để Valentine’s Day trở thành dịp ghi dấu tình yêu bằng sự chân thành chứ không phải bằng các món quà vật chất. Hãy lưu lại Valentine’s Day trong ký ức với những kỷ niệm sáng trong, đáng nhớ (chứ không phải đáng quên). Cũng cần cảnh giác để không phải ôm tổn thương tâm lý và thiệt hại tài chính trước những cái bẫy chờ sẵn của “siêu lừa”.