(GLO)- Tôi đã bị những bức ảnh đẹp như cổ tích của một người bạn chụp dòng suối Ia Krom thôi thúc, để cuối cùng có được phần thưởng là những phút tĩnh lặng quý giá bên dòng chảy điện năng này.
Dấu tích rừng xưa nơi hồ thủy điện Đak Sơ Mei. Ảnh: H.N |
Người ta vẫn gọi đây là hồ thủy điện Đak Đoa hoặc Đak Sơ Mei bởi nằm trên địa phận xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa). Khi thủy điện Đak Đoa chặn dòng, suối Ia Krom trở thành lòng hồ rộng lớn. Đứng từ phía đập dâng sẽ thấy cảnh tượng huy hoàng của núi sông tuyệt một màu xanh như ngọc. Nước hồ phản chiếu màu xanh của dãy núi Kon Grang phía xa như chiếc gương soi khổng lồ. Loài bướm trong mùa sinh sôi bay rập rờn thành dải rộng, la đà trên mặt nước hồ trong.
Mặc cho mưa rừng đang kéo đến ngùn ngụt phía sau dãy Kon Grang, mây xám nuốt dần nửa đỉnh núi, chúng tôi lại bị thôi thúc bởi những cánh cò trắng muốt từ trời xa bay về, để rồi chân bước một cách vô thức theo cánh chim ngược dòng Ia Krom. Những cánh cò trắng nhẹ nhàng đáp xuống cành khô còn dày đặc giữa lòng hồ. Thoáng chốc, rừng cây khô xám giữa dòng nước như biến thành những cành hoa trắng. Chúng khua động sự tĩnh lặng, im ắng mênh mông đôi bờ trong tiếng ríu ran gọi đàn, khiến người ta thấy ấm áp của sự gọi về tổ ấm. Những kẻ bộ hành bỗng ngẩn ngơ trước khung cảnh đẹp như thơ của ngày sắp tàn.
Hai cậu bé người bản địa dường như bỏ mặc trời chiều, bỏ mặc cơn mưa to đang đe dọa trút nước bất cứ lúc nào, điềm nhiên thả chiếc lưới bén đánh cá dọc bờ suối. Chúng mải mê đến không màng sự có mặt của khách lạ. Cũng cần nói thêm rằng, lòng hồ có trữ lượng cá rất lớn. Người Bahnar ở các ngôi làng A Droch, Goh của xã Đak Sơ Mei hay làng Đak Ioh, De Klanh của xã Krong bên kia lòng hồ ngoài ruộng rẫy còn có thêm nghề đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn. Những đứa trẻ con cũng thạo việc bắt cá từ rất sớm, bằng bất cứ dụng cụ nào chúng có được. Anh Vin-người làng Goh, là bảo vệ cho hồ thuỷ điện từ những ngày mới đi vào hoạt động (năm 2011) nói rằng, lòng hồ có rất nhiều loài cá nhưng nhiều nhất là cá mè. Có những con cá mè “khủng” nặng trên 10 ký. Mỗi khi người làng bắt được cá to, họ thường chia cho các gia đình quanh làng.
Người Bahnar sống quanh khu vực lòng hồ kể rằng, xưa kia nơi đây từng là rừng già. Những cây khô còn dày đặc trên lòng hồ là dấu tích của rừng xưa. Trong câu chuyện chắp nối của họ có những tiếc nuối, những điều mơ hồ chúng tôi không lạm bàn đến, về rừng, về sự mất-còn của một nền văn hoá vốn dựa vào rừng, gắn chặt với rừng. Mất rừng nhưng cuộc sống vẫn như một dòng chảy không thể ngừng lại. Dòng Ia Krom đã thay thế cho những cánh rừng để sinh ra nguồn điện năng, và mang đến cho vùng đất này vẻ đẹp ngỡ chỉ gặp trong tranh. Người bản địa nơi này kể rằng, trai gái mỗi khi buồn giận nhau, hoặc những người có nỗi muộn phiền riêng trong lòng, chỉ cần trầm mình giữa dòng nước sẽ gột rửa hết những tâm tư trong lòng. Còn người bạn làm nghề chụp ảnh của tôi nói rằng, khung cảnh vừa thơ mộng, có chút hoang dại dọc bờ suối Krom thích hợp cho những chuyến bộ hành, tĩnh lặng để nhìn sâu vào bên trong con người mình. Điều tưởng đơn giản ấy nhưng nhiều khi chúng ta thường bỏ quên giữa bao lo toan.
Nếu ngẫu hứng để làm một chuyến ngược dòng, bạn sẽ có những bức ảnh đẹp đến khó tin về rừng cây đã tắt sự sống giữa lòng hồ nước mênh mang. Khám phá thêm phong vị văn hóa Bahnar của các ngôi làng dọc lòng hồ, chuyến đi sẽ có thêm những ấn tượng để nhớ về. Đến hồ thủy điện Đak Sơ Mei sẽ gần hơn nếu bạn xuất phát từ TP. Kon Tum với khoảng cách 15 km, chỉ bằng 1/3 quãng đường so với đi từ TP. Pleiku.
Hoàng Ngọc