Phóng sự - Ký sự

Ngược thượng nguồn từ vùng Nam Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dưới những tán rừng xanh mướt của vùng Nam Tây Nguyên, dòng chảy của sông Đồng Nai - con sông nội địa dài nhất Việt Nam bắt đầu. Sông Đồng Nai ngàn đời nay vẫn lặng lờ trôi cùng những dòng chảy ký ức, ôm trọn trong lòng biết bao trầm tích và chứng kiến sự đổi thay của nhiều buôn làng.

1/Phát tích từ vùng Nam Tây Nguyên, 586 km của sông Đồng Nai đi qua địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Lưu vực sông trải dài trên 5 tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ độ cao hơn 1.500 m con sông như dải lụa kiên nhẫn đi qua những gập ghềnh xuyên suốt vùng Nam Tây Nguyên để xuôi về phía biển. Cả một đời sông lặng lẽ kiến tạo, đồng hành cùng sự đổi thay của 11 tỉnh, thành phố với hàng triệu con người trên những vùng đất sông đã chảy qua.


 

Một góc sông Đồng Nai chảy qua vùng khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: Khu di tích khảo cổ Cát Tiên cung cấp
Một góc sông Đồng Nai chảy qua vùng khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: Khu di tích khảo cổ Cát Tiên cung cấp



Từ Langbiang - nơi được xem là núi mẹ ở vùng đất Nam Tây Nguyên có hàng ngàn mạch nước nhỏ. Chúng hợp thành dòng Đa Nhim - đầu nguồn chính tạo nên sông Đồng Nai. Đa Nhim theo tiếng của người Cơ Ho có nghĩa là nước mắt. Nước mắt của câu chuyện tình buồn của chàng Lang và nàng Biang mà những người Cơ Ho sống ngàn đời nay dưới bóng núi vẫn truyền tai nhau trong những đêm hội cồng chiêng. Dòng sông uốn lượn quanh co dưới những rừng già thâm u của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà - một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.

Từ Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, sông Đa Nhim chảy đến khu vực làng Klong Klanh và nhận thêm nhiều phụ lưu cung cấp lượng dòng chảy lớn để về nằm trọn trong lòng bồn địa Đơn Dương. Dọc dài đôi bờ sông Đa Nhim là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc Cơ Ho, Chu Ru, Ra Glai... Và có lẽ trên mảnh đất Đơn Dương, dòng Đa Nhim đã dâng trọn cho nơi này những gì tốt đẹp nhất. Những người nặng lòng với văn hóa Nam Tây Nguyên đã nhận định rằng: Ở các tộc người thiểu số trên mảnh đất này, nghề gốm tuy có nhưng không mấy phát triển, không phải là nghề truyền thống. Vậy nhưng chính từ dòng Đa Nhim mà trên vùng cao nguyên có một làng gốm đặc biệt của người Chu Ru mang tên Krăngọ. Làng gốm ấy như sự hợp duyên, định phận giữa văn hóa Chăm với dòng Đa Nhim. Đất và nước của dòng Đa Nhim là nguồn nguyên liệu dồi dào cho đôi tay khéo léo của những người phụ nữ Chu Ru làm gốm. Gốm của người ở Krăngọ khác với nhiều nơi khác. Đối với những sản phẩm gốm lớn người ta tạo hình hai phần trên dưới riêng biệt rồi ghép lại. Còn các sản phẩm có kích thước nhỏ thì được nặn nguyên dáng. Gốm được nung với quy mô nhỏ ở ngoài trời và rất giản đơn. Những người Chu Ru trong quá khứ đã tách ra khỏi cộng đồng Chăm, dịch chuyển từ Nam Trung Bộ lên Nam Tây Nguyên và bên dòng Đa Nhim họ đã xây dựng cuộc sống mới, văn hóa mới của chính mình và làng gốm Krăngọ là một minh chứng điển hình.

Bao đời nay, sông Ða Nhim chảy qua vùng Ðơn Dương vẫn luôn xanh một mầu xanh ngập tràn sinh lực. Có dòng sông nào như Đa Nhim, mùa khô cạn nước con sông này trở thành sông rau, bởi người dân canh tác sâu xuống phía lòng sông các loại rau ngắn ngày. Dòng Đa Nhim đã cùng người dân Đơn Dương đi qua chặng đường dài dằng dặc của cuộc mưu sinh. Dòng Đa Nhim đã tưới tắm cho những cánh đồng rau cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Đơn Dương là vùng chuyên canh rau số một ở Lâm Đồng. Từ đây, rau đã xuống Sài Gòn, ra Hà Nội và sang tận Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng trong cả nước, các tỉnh Đông Nam Bộ khốn khó trăm bề, người Đơn Dương thu hoạch rau, gửi lên những chuyến xe nghĩa tình xuôi về hỗ trợ đồng bào trong tâm dịch. Khi cuộc sống quay về trạng thái bình thường mới, người Đơn Dương lại hối hả vun trồng mầu xanh bên dòng Đa Nhim.  

Từ Langbiang, dòng nước như dải lụa gập ghềnh vượt núi, luồn rừng, qua Đơn Dương, qua Đức Trọng về dưới thác Poungour hợp cùng dòng Đa Dâng - dòng sông ranh giới giữa Đăk Nông và Lâm Đồng để rồi từ đây trên bản đồ hành chính người ta nhắc nhiều tới dòng sông mang tên Đồng Nai.

2/ Từ thác Pongour, dòng Đồng Nai đi qua Di Linh, Bảo Lộc… để xuôi về vùng trũng Cát Tiên trước khi ào ạt đổ về vùng Đông Nam Bộ.

Cát Tiên có lẽ là vùng đất ở Nam Tây Nguyên chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất của sông Đồng Nai. Dòng sông ấy chảy quanh và bao trùm huyện Cát Tiên từ ba phía bắc, tây và nam với khoảng 80 km, có lưu vực rộng lớn và lưu lượng dòng chảy cao đều trong cả năm.

Cát Tiên - cái tên đầy thơ mộng ấy được lý giải theo nhiều cách khác nhau.  Có ý kiến cho rằng, tên gọi Cát Tiên là bãi cát nơi các cô Tiên tắm trong truyền thuyết của người Mạ. Cũng có người nói, đó là tên gọi do các đơn vị bộ đội đặt trong kháng chiến. Nhưng dù cho xuất phát từ nguồn gốc nào thì cho đến nay, tên gọi Cát Tiên đã đi sâu vào tiềm thức về tình cảm của các thế hệ đã và đang sinh sống trên mảnh đất này.

Cát Tiên giáp với huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai, huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước, huyện Đắk R’Lấp tỉnh Đắk Nông. Và con sông Đồng Nai là ranh giới tự nhiên giữa Cát Tiên và những vùng đất ấy.

Sông Đồng Nai khởi thủy từ vùng Langbiang, nhưng người ta vẫn thường gọi Cát Tiên là vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Bởi đây là vùng đất nhiều trầm tích, chất chứa trong mình nhiều câu chuyện về lĩnh vực văn hóa - khảo cổ - kiến trúc - dân tộc học đã và đang được nghiên cứu.

Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên hay còn gọi với cái tên đầy uy nghi: Thánh địa Cát Tiên nằm bên bờ sông Đồng Nai. Hàng ngàn năm qua, sông vẫn cuồn cuộn chảy, trải qua bao cuộc bể dâu, có lẽ sông đã ôm trọn trong lòng mình những bí ẩn về vùng Thánh địa - di tích quốc gia đặc biệt được các nhà khoa học trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Theo thông tin từ Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên, qua nhiều đợt khai quật tại nơi này, các nhà khảo cổ học đã khẳng định một vị thế về sự phong phú và đa dạng, các công trình ở đây ngoài quy mô lớn về kiến trúc mà còn phong phú về hiện vật bao gồm nhiều loại hình nhiều hiện vật khác nhau có giá trị thẩm mỹ cao và có chung tính chất là phục vụ mục đích tôn giáo. Tính chất tôn giáo ở đây khẳng định đây là một trung tâm Balamon giáo lớn, một Thánh địa lớn của vùng đất phương Nam thời bấy giờ, cũng như trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn (Quảng Nam) của dải đất miền trung.

Cát Tiên cũng từng là giao điểm quan trọng trên con đường hành lang chiến lược bắc - nam, nối miền bắc, miền trung với Đông Nam Bộ trong những ngày kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Mảnh đất cuối trời Nam Tây Nguyên này cũng chính là cửa ngõ chiến khu D, chiến địa một thời mà ta và địch tranh chấp từng gốc cây, ngọn cỏ. Và trong thời chiến hay thời bình, người Mạ, người S’Tiêng của vùng Cát Tiên luôn dâng trọn sức mình để dựng xây một vùng đất.

Với sự giúp sức của bà con người Mạ, Xtiêng trên con đường hành lang đã tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm cho bộ đội kháng chiến. Cũng từ đây lực lượng trung kiên nòng cốt trong các buôn làng phát triển ngày càng đông, tin cậy và vững chắc. Chính bà con dân tộc Mạ, Xtiêng đã bảo vệ đoàn cán bộ cao cấp của Đảng vào nam để thành lập Trung ương Cục miền Nam; bảo vệ an toàn luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cũng được tuyên bố thành lập năm 1962 tại Cát Tiên.

Tôi về với xã Đồng Nai Thượng, mảnh đất còn nhiều khốn khó của Cát Tiên, câu chuyện về những người Mạ, người Xtiêng ở 5 buôn: Bù Gia Rá, Bi Nao, Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê vào các đơn vị bộ đội đánh giặc giữa núi rừng Bờxa Luxiêng vẫn được người dân nơi này kể lại đầy tự hào. Trong hàng trăm thanh niên của buôn làng ra trận ngày ấy, nay còn bà Điểu Thị Lôi tên thường gọi Năm Lôi, người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2 và đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 18 tuổi. Bà cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa VI. Ký ức của người phụ nữ Xtiêng về những ngày buôn làng là vùng đứng chân và hoạt động của Khu ủy, nên bọn Mỹ - ngụy luôn tổ chức càn quét, hòng tiêu diệt. Không chỉ có bà Năm Lôi mà người Đồng Nai Thượng vẫn nhớ mãi câu chuyện tổng già làng Điểu Đoi và Điểu Thị Lôi chỉ với hai khẩu súng trường vẫn thay nhau nhả đạn và luồn lắt léo trong rừng để dụ địch sa xuống hầm chông và xua đàn trâu, bò chạy vào rừng sâu…

3/ Núi rừng Bờxa Luxiêng vẫn đó, như ôm ấp, chở che mảnh đất tận cùng Nam Tây Nguyên anh hùng. Và dòng sông Đồng Nai ngàn đời nay vẫn vậy, lượn lờ trôi như dòng chảy ký ức, ôm trọn trong lòng biết bao trầm tích và chứng kiến sự đổi thay của những buôn làng nơi cuối đất Lâm Đồng.

Sông vẫn chảy nhưng đã không còn êm đềm nữa, chuyện lở, bồi đã không còn tự nhiên bởi áp lực tác động của những con tàu đêm ngày hút cát từ lòng sông. Cả Lâm Đồng và Đồng Nai vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để cho việc này. Trong lúc chờ đợi sông Đồng Nai vẫn chảy, vẫn dành trọn đời mình để kiến tạo, dựng xây. Vượt qua Nam Tây Nguyên gập ghềnh, sông Đồng Nai xuôi về miệt hạ hiền hòa, ôm ấp những cù lao xanh mướt và chuyển mình sôi động cùng các tỉnh vùng Đông Nam Bộ - đầu tàu hội nhập và phát triển của cả nước.

 

Theo Bài và ảnh: NGỌC NGÀ  (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm