Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người Bahnar lưu giữ báu vật của làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều làng Bahnar ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã lưu giữ những bộ chiêng quý và truyền dạy kiến thức về cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Theo chân anh Đinh Y Đưng-cán bộ Văn hóa-Thông tin xã Lơ Pang (huyện Mang Yang), chúng tôi đến thăm nhà ông Rớ ở làng Đê Tơ Drah. Ông Rớ nay đã 83 mùa rẫy. Khi biết mục đích đến thăm của chúng tôi, đôi mắt ông ánh lên niềm vui. Ông kể: “Năm 1963, tôi giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia đội du kích để đánh Mỹ. Vì nhiệm vụ phải thường xuyên xa nhà nên tôi đem 2 bộ chiêng cất giấu trong rừng”.
Ngày đất nước thống nhất, ông Rớ đem 2 bộ chiêng về nhà. Thấy chiêng bị lạc âm, ông cặm cụi chỉnh sửa. Vừa gõ từng nhịp chiêng, ông Rớ vừa bộc bạch: “Trước đây, nhiều người ở làng khác muốn mua bộ chiêng với giá hàng chục triệu đồng nhưng mình nhất quyết không bán. Ngày xưa, gia đình phải đổi 7 con trâu mới có được 2 bộ chiêng này. Đây là tài sản vô giá của ông bà, tổ tiên để lại nên mình rất quý”.
Một buổi tập đánh cồng chiêng của người dân làng Roh (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: R’Ô Hok
Một buổi tập đánh cồng chiêng của người dân làng Roh (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: R’Ô Hok
Làng Roh (xã Lơ Pang) hiện có 3 bộ chiêng. Theo ông Nu-Phó Trưởng thôn Roh, trước đây, làng cũng có 1 bộ chiêng chung nhưng bị kẻ gian lấy trộm. Vì vậy, mỗi khi có lễ hội, dân làng phải mượn chiêng ở làng khác cho đủ bộ. Mỗi chiếc chiêng có âm thanh khác nhau nên khi đánh thường hay bị lạc điệu. Để có tiền mua chiêng, bà con đã vận động, quyên góp và trồng mì gây quỹ trên mảnh đất chung của làng.
“Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, từ năm 2016 đến nay, làng Roh đã mua được 3 bộ chiêng với chi phí gần 100 triệu đồng. Làng cũng đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 20 thành viên, chủ yếu là thanh-thiếu niên”-ông Nu chia sẻ.
Ông Nu-Phó trưởng thôn làng Roh (bìa trái) kiểm tra bộ chiêng của làng mình. Ảnh: R’Ô Hok
Ông Nu (bìa trái)-Phó Trưởng thôn Roh kiểm tra bộ chiêng của làng mình. Ảnh: R’Ô Hok
Nhiều năm nay, dân làng Đak Trôk (xã Đak Yă) cũng chung tay gìn giữ, bảo vệ từng bộ chiêng. Ông Sun-Trưởng thôn Đak Trôk-cho hay: Làng có 7 bộ chiêng. Thời gian qua, chính quyền địa phương vận động người dân không bán các bộ chiêng quý. Cùng với đó, hàng tuần, Ban Nhân dân thôn, Chi hội Phụ nữ, người có uy tín, già làng thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con, đồng thời tổ chức truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thanh-thiếu niên”.
Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Sơn-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Mang Yang-cho biết: Toàn huyện có 158 bộ chiêng, tập trung nhiều nhất ở các xã: Lơ Pang 20 bộ, Đak Trôi 20 bộ, Đak Yă 18 bộ, Đak Djrăng 18 bộ... Thời gian qua, huyện luôn quan tâm bảo tồn, lưu giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thông qua hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số toàn huyện được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, lễ cúng nhà rông mới...
“Nếu tình hình dịch Covid-19 ổn định, chúng tôi sẽ tổ chức hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số toàn huyện nhằm bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”-ông Sơn thông tin.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm