Giữa thôn Tà Ngào, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, vườn sầu riêng của anh Phạm Văn Ngọc được coi như một điển hình về trồng sầu riêng công nghệ cao. Nước tự chảy, hệ thống tưới, bón phân từ đọt xuống gốc, mở ra một mô hình trồng sầu riêng hiệu quả.
Phạm Văn Ngọc bên vườn sầu riêng tự tưới |
Ở tuổi 28, Phạm Văn Ngọc đã có 10 năm kinh nghiệm với cây sầu riêng. Phạm Văn Ngọc kể lại: “Trước gia đình em cũng trồng cà phê như hầu hết bà con vùng Tà Ngào này. Nhận thấy cà phê hiệu quả không cao, em chuyển dần sang trồng sầu riêng và tới nay đang cho kết quả rất khả quan”. Ban đầu, Ngọc trồng xen một vài cây sầu riêng vào vườn cà phê, vừa làm cây che bóng, vừa thử nghiệm chất lượng trái. Sầu riêng hợp đất đồi Tà Ngào, trái ngon, giá tốt, Ngọc tiếp tục thay thế dần sầu riêng vào cà phê. Tuy nhiên, bạn trẻ vẫn giữ lại diện tích cà phê trồng xen vì theo Ngọc, cà phê hợp ánh sáng tán xạ, trồng cà phê dưới bóng sầu riêng vẫn có hiệu quả. Cây sầu riêng trồng xen cũng mát gốc, bớt cỏ, lại có thu nhập từ cả hai nguồn. Từ mảnh vườn 7 sào sát nhà, hiện gia đình Phạm Văn Ngọc đã có 6 ha cà phê trồng xen sầu riêng với 900 cây sầu riêng, trong đó khoảng 300 cây đã cho thu hoạch.
Nhà neo người, Phạm Văn Ngọc tốn chi phí rất lớn cho việc tưới sầu riêng. Ngọc bảo, sầu riêng là cây ưa ẩm, mùa khô phải tưới thường xuyên 3 - 4 lần/tuần, nhất là thời điểm cây ra bông. Bình thường, tưới 1 ha sầu riêng theo cách cũ, tưới dí (kiểu tưới phun nước vào gốc cây) cần tới 2 công lao động, vừa tốn chi phí thuê công, vừa tốn tiền dầu, tiền máy. Tính tiền tưới cho 6 ha cũng cả trăm triệu/năm. Bạn trẻ lặn lội đi nhiều vùng sầu riêng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, sang Đắk Lắk để học cách tưới tự động. Dựa vào địa hình vùng Tà Ngào, sầu riêng chủ yếu trồng trên đất đồi, Ngọc đào hồ trên đỉnh đồi, đặt ống, dẫn nước tới từng gốc sầu riêng. Chỉ cần mở van, nước sẽ tự chảy xuống từng gốc sầu riêng, vừa nhàn, vừa không lãng phí nước ra xung quanh. Mỗi gốc sầu riêng, Ngọc lắp ống cao tới ngọn và các béc phụ, vừa tưới nước, vừa có thể tưới phân, thuốc. Ngọc cho biết: “Cây sầu riêng yêu cầu kỹ thuật chăm khá cao, đất không được khô nhưng không được quá ẩm, tưới quá nhiều cây sẽ rụng bông. Đặt ống tưới cao, tưới từ ngọn xuống là giải pháp rất hiệu quả cho sầu riêng với chi phí không cao”.
Theo thực tế thi công, Phạm Văn Ngọc cho biết, chi phí để tưới tự động một gốc sầu riêng khoảng 150 ngàn đồng, diện tích càng rộng chi phí càng giảm. Đầu tư nghe có vẻ cao nhưng bù lại, chủ vườn không cần thuê công tưới, dầu chạy máy hàng ngày. Béc phun tưới từ ngọn tưới xuống rất hiệu quả trong việc làm mát cây, rửa sương muối làm khô lá. Đặc biệt, khí hậu nóng khiến nhện đỏ hại lá phát triển, tưới ngọn giúp giảm nhiệt độ, giữ ẩm, hạn chế sự phát triển của nhện đỏ. Từ khi thực hiện tưới ngọn, Ngọc không còn phải phun thuốc diệt nhện đỏ.
Trồng sầu riêng theo kỹ thuật mới, Phạm Văn Ngọc “ép” chiều cao, khi sầu riêng đạt độ cao 2,5 - 3 m, Ngọc ngắt đọt, hãm chiều cao để cây phát triển các nhánh. Trái sầu riêng ra chủ yếu trên các nhánh nên việc ngắt đọt giúp cây thấp, vừa nhiều trái, vừa dễ chăm sóc, dễ thu hoạch. Năm 2020, dù đang tiến hành cải tạo vườn và do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, Ngọc vẫn thu được 25 tấn trái, bán với giá “xô” 42 ngàn đồng/kg, thu cả tỉ đồng. Niên vụ 2021, Ngọc dự đoán năng suất sẽ tăng hơn nhiều, khoảng 30 - 35 tấn trái.
Anh Nguyễn Chí Lân, khuyến nông viên xã Lộc Thành đánh giá, Phạm Văn Ngọc là nhà nông trẻ dám nghĩ, dám làm. Mô hình trồng sầu riêng nước tự chảy của Ngọc được bà con học hỏi rất nhiều. Ngọc cũng sẵn sàng tới từng vườn, tư vấn, hướng dẫn bà con cách đặt bể, đi ống, đặt béc đúng kỹ thuật, để nước chảy mạnh, đều, phù hợp với từng vườn sầu riêng. Giảm công lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và hiệu quả vườn sầu riêng, nhà nông trẻ Phạm Văn Ngọc đang cho thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm giúp người nông dân làm giàu trên chính đất quê hương.
Theo DIỆP QUỲNH (baolamdong)