Xã hội

Người bán vé số gặp khó mùa Covid

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau những ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các tuyến đường ở TP. Pleiku vẫn thưa vắng người qua lại. Cũng vì thế mà những người đi “bán giấc mơ triệu phú” trở nên bơ vơ, lạc lõng giữa phố phường.
Chuyện từ người đàn ông tàn tật
Chiều mưa, căn phòng chưa đến 20 m2 ẩm tối nằm cuối dãy nhà trọ ở 157/2 Thống Nhất (phường Ia Kring) là nơi 3 cha con anh Trần Văn Phương (SN 1979) trú ngụ gần 1 năm nay. Trời mưa, vé số ế ẩm nên anh Phương về nhà sớm hơn mọi ngày. Anh cùng cậu con trai Trần Văn Trường (12 tuổi) chuẩn bị bữa cơm tối, còn cô con gái Trần Phương Giang (7 tuổi) đang chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Hai chân anh Phương bị tật, teo nhỏ, không thể đi lại. Tay phải bị khoèo nên không thể cầm nắm được những vật nặng, vì vậy cánh tay trái gần như đảm nhận mọi việc. Anh di chuyển bằng tay với sự hỗ trợ của 2 chiếc ghế nhựa thấp.
Kể về cuộc đời mình, anh Phương cho biết: 6 tháng tuổi, anh bị sốt bại liệt, đôi chân cứ mất dần cảm giác, để rồi anh gắn bó đời mình với chiếc xe lăn. Năm 31 tuổi, anh gặp và kết hôn với 1 phụ nữ lành lặn. Những tưởng số phận đã mỉm cười với gia đình khi 2 đứa trẻ lần lượt ra đời khỏe mạnh. Nhưng khi con gái út hơn 2 tuổi, vợ anh vì không chịu nổi cuộc sống cơ cực đã bỏ nhà ra đi. Anh dẫn các con rời tỉnh Kon Tum đến TP. Pleiku bắt đầu lại cuộc sống. “Thời gian đầu, 3 cha con tôi được đại lý vé số sắp xếp cho ở miễn phí trong 1 căn phòng nhỏ. Cuối năm 2020, tôi ra ngoài thuê phòng trọ để thuận tiện hơn cho các cháu học tập, sinh hoạt. Giá thuê phòng là 800 ngàn đồng/tháng, chưa tính tiền điện, tiền nước, nhưng chủ nhà trọ thương hoàn cảnh của cha con nên giảm giá, gói gọn tất cả trong 700 ngàn đồng/tháng”-anh Phương chia sẻ.
Dịch bệnh khiến cuộc sống của 3 cha con anh Phương thêm khó khăn. Ảnh: Phương Dung
Dịch bệnh khiến cuộc sống của gia đình anh Trần Văn Phương thêm khó khăn. Ảnh: Phương Dung
Để có tiền trang trải cuộc sống, anh Phương bán vé số cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày, anh rời nhà từ 6 giờ 30 phút. Chiều sau khi trả vé, anh về nhà ăn cơm, nhắc các con học bài rồi lại đến các quán nhậu, quán cà phê bán vé số đến 10 giờ đêm. “Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, chịu khó mỗi ngày tôi cũng bán được 200 tờ, có được 200 ngàn đồng. Mấy tháng nay, dịch bệnh khó khăn, khách ngại tiếp xúc với người bán, nhu cầu mua giảm, mỗi ngày tôi chỉ bán được vài chục tờ. Như hôm qua (11-9) trời mưa lớn, tôi nhận vé về rồi không bán được tờ nào phải đi trả”-anh Phương rầu rĩ nói.
Ế ẩm giữa mùa dịch
Cuộc sống của những người bán vé số dạo vốn đã bấp bênh giờ càng thêm vất vả. Mỗi ngày, họ vẫn rạc bước trên các tuyến đường thưa người, xấp vé số trên tay chẳng chịu vơi.
Gần đến giờ trả vé, trời lại đổ mưa lớn nhưng chị Thạch Thị Thúy Loan (SN 1973) vẫn nán lại trên lề đường Quang Trung với hy vọng bán thêm được vài tờ vé số. Vì 2 tháng nay, chị vẫn đang nợ tiền nhà trọ. Rồi còn tiền thuốc men cho chồng đang điều trị bệnh bướu xương vai. Chị Loan cho hay, trước đây, chồng chị làm phụ hồ, thu nhập mỗi tháng được 4-5 triệu đồng. Hai năm nay, chồng bị bệnh, sức khỏe suy giảm nên không phụ giúp được gì về kinh tế. Thu nhập từ việc bán vé số của chị cũng giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch nên đời sống khó khăn. “Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mỗi ngày tôi đi từ sáng sớm đến chiều, bán xuyên trưa cũng được 80-100 tờ. Còn bây giờ, vẫn đi như thế nhưng may mắn lắm thì bán được 50-60 tờ”-chị Loan nói. Thu nhập giảm nên tiền thuốc men cho chồng cũng bị cắt giảm. “Hai tháng nay, vợ chồng tôi cứ mượn người này, mượn người kia rồi đắp qua, trả lại. Mượn nợ xấu hổ lắm nhưng chả biết làm thế nào”-chị Loan trần tình.
Chị Thạch Thị Thúy Loan mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Ảnh: Phương Dung
Chị Thạch Thị Thúy Loan mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Ảnh: Phương Dung
Cũng vật lộn với cuộc sống mưu sinh bằng nghề vé số nên ngay sau khi TP. Pleiku kết thúc những ngày giãn cách xã hội, sáng sớm anh Đặng Thanh Vũ (SN 1970) đã có mặt tại các điểm bán quen thuộc: Bến xe nhỏ, đường Nguyễn Thiện Thuật, đường Hoàng Hoa Thám… Tuy nhiên, mưa bão, rồi dịch bệnh nên đường phố thưa người, cả ngày anh chỉ bán được 15 tờ. “Tôi bán vé số hơn 5 năm nay, chưa khi nào vé số ế ẩm như bây giờ”-anh Vũ cảm thán. Anh Vũ bị tai nạn chấn thương đốt sống lưng, gần 10 năm qua, anh Vũ gắn bó trên chiếc xe lăn. Di chuyển khó khăn nên anh thường chọn những vị trí hoặc tuyến đường có đông người qua lại để tiện việc bán-mua. “Những ngày thành phố thực hiện Chỉ thị số 16, cả 3 cha con cứ quanh quẩn trong nhà, cũng may là vợ phụ việc trong chợ nên còn có thu nhập. Dịch bệnh, vé số ế ẩm nhưng nếu không bán vé số, tôi cũng không biết sẽ làm gì”-anh Vũ buồn rầu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam-Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Gia Lai, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 800 người mưu sinh bằng việc bán vé số. Đa phần họ đều có cuộc sống khó khăn, trong số đó có nhiều người từ các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi… đến đây thuê nhà để đi bán. Thời gian này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng vé số bán ra giảm đáng kể, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, thu nhập của người lao động. 
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm