Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Người "cuồng" sách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tốt nghiệp ngành Điện lực và công tác trong ngành cho tới khi về hưu nhưng ông Nguyễn Đình Tương (68 tuổi, trú tại tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) lại có niềm đam mê bất tận dành cho văn học. Nói ông mê sách hình như vẫn chưa đủ mà phải nói là “cuồng” sách. Ngoài thuộc vanh vách và có thể đọc xuôi, đọc ngược Truyện Kiều, ông Tương còn thuộc nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc: Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du ký, Tây Sương ký, Tiết Nhân Quý chinh Đông-Tiết Đinh San chinh Tây…
Đọc xuôi, ngược Truyện Kiều
Cha của ông Tương vốn là thầy đồ dạy học tại một ngôi trường tư thục ở làng An Hộ (xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Sau năm 1945, cụ chuyển sang dạy chữ Quốc ngữ. Là con út trong gia đình đông con, ông Tương được cha quan tâm, dìu dắt nhiều hơn so với các anh chị. Lên 8 tuổi, ông đã được cha dạy đọc thành thạo chữ Nôm. Sau đó, ông chuyển qua học chữ Quốc ngữ theo chủ trương chung. Chuyện văn chương, chữ nghĩa sớm ngấm sâu vào máu đã hình thành trong ông niềm yêu thích đọc sách, yêu các tác phẩm văn học cổ và trung đại của Việt Nam cũng như văn học Trung Quốc.
Truyện Kiều là tác phẩm văn học ông Tương yêu thích nhất, đồng thời Nguyễn Du cũng là tác giả ông mến mộ và khâm phục nhất về tài dùng chữ. Năm 14 tuổi, ông đã thuộc vanh vách 3.254 câu Kiều. Sau này, đọc xuôi chưa đủ, ông còn thử tìm cách đọc ngược Truyện Kiều (thuận nghịch độc hay lục chuyển hồi). Bởi vậy, mặc dù đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi bắt đầu ngâm nga đọc Kiều, bộ não dù bị “chen lấn” bởi hàng ngàn cuốn sách khác đã đọc qua nhưng ông Tương vẫn có thể đọc ngay bất cứ đoạn nào trong Truyện Kiều khi được yêu cầu. Thậm chí, với các điển tích đã được giải nghĩa, ông Tương vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm chứ không vì thế mà bằng lòng ngay. Nhờ đó, ông có được cách cảm Kiều sâu sắc. “Nguyễn Du là bậc thầy về chữ Nôm. Nhờ tài dùng chữ, gieo vần theo thể thơ lục bát mà Truyện Kiều dù đọc ngược hay xuôi thì ý tứ câu chuyện vẫn không thay đổi. Cho đến nay, Việt Nam chưa có ai làm thơ tài tình được như thế!”-ông Tương thán phục.
 Ông Tương giới thiệu về 2 cuốn sách ống quyển cổ . Ảnh: Lê Hòa
Ông Tương giới thiệu về 2 cuốn sách ống quyển cổ . Ảnh: Lê Hòa
Để minh chứng cho khả năng của mình, ông Tương đọc ngược cho chúng tôi nghe đoạn Nguyễn Du miêu tả tiếng đàn của nàng Kiều dành cho Kim Trọng khi gặp gỡ: “Đục như nước suối nửa vời mới xa/Trong như tiếng hạc bay xa/Nửa phần luyến chúa, tư gia nửa phần/Quá quan này khúc Chiêu Quân/Một rằng Lưu Thủy, Hành Vân hai rằng/Kê Khang này khúc Quảng Lăng/Nghe ra như oán, phải chăng như sầu/Khúc đâu Tư mã, Phượng cầu/Nghe ra tiếng sắt, chen nhau tiếng vàng/Khúc đâu Hán, Sở chiến trường/Bốn dây to nhỏ cung, thương gieo vần/So dần dây vũ dây văn…”. (Nguyên tác: “So dần dây vũ dây văn/Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương/Khúc đâu Hán, Sở chiến trường/Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau/Khúc đâu Tư mã, Phượng cầu/Nghe ra như oán, như sầu phải chăng/Kê Khang này khúc Quảng Lăng/Một rằng Lưu Thủy, hai rằng Hành Vân/Quá quan này khúc Chiêu Quân/Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia/Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như nước suối mới sa nửa vời…”). Đây là lối đọc ngược từ dưới lên, giữ nguyên câu lục và hoán vị 4 chữ cuối của câu bát mà nội dung đoạn miêu tả vẫn không thay đổi.
“Sách quý như cơm”
Chính ông Tương cũng không dám chắc về số lượng đầu sách mình đã đọc cho đến nay, bởi nó có thể đã lên đến hàng ngàn. “Mỗi ngày, tôi dành vài tiếng đồng hồ cho việc đọc sách. Có những cuốn sách hay, tôi đọc say mê, không nhớ tới bữa ăn. Mỗi đêm đọc 200-300 trang sách là bình thường”-ông Tương chia sẻ. Ngoài Truyện Kiều, ông còn yêu thích tác phẩm của các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Đoàn Phú Tứ, Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… Về văn xuôi, ông yêu thích các tác giả theo trào lưu hiện thực phê phán như: Vũ Trọng Phụng, Kim Lân, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… Đặc biệt, ông rất yêu thích văn học cổ điển Trung Quốc. Bởi vậy, ngoài Truyện Kiều ông còn thuộc nhiều tác phẩm văn học cổ điển dài hơi của Trung Quốc, như: Tây Du ký, Tây Sương ký, Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử… Trong đó, tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” ông thuộc lòng ngay từ thời nhỏ bởi hay được nghe cha và bạn bè của cha kể tích, luận bàn...
Ngay từ thời công tác tại Điện lực TP. Pleiku, ông đều đặn dành một khoản lương hàng tháng để mua sách, mặc dù đồng lương công chức ngành Điện khi ấy không phải quá dư dả, nhất là trong điều kiện gia đình phần lớn trông vào nguồn thu nhập từ công việc của ông, lại còn phải lo 3 đứa con ăn học. Vậy nhưng, hiểu đam mê của chồng nên vợ ông-bà Trần Thị Phụng-chưa bao giờ phàn nàn. Năm 2010, ông nghỉ hưu. Lúc này, dù lương hưu eo hẹp nhưng ông lại dồi dào quỹ thời gian. Vì thế, ông tìm đến thư viện để thỏa đam mê đọc sách. Khoảng 2 tuần/lần, ông lại đến Thư viện tỉnh để tìm mượn sách về đọc. Thi thoảng, ông lại cùng những người bạn hưu trí đọc sách, thưởng trà và đàm đạo chuyện văn chương.
Những cuốn sách đọc xong, ông thường ghi chép lại cẩn thận vào một cuốn sổ để dễ nhớ, dễ theo dõi. Theo danh sách ấy, chỉ trong năm 2017 và 2018, ông Tương đã đọc… 151 quyển sách, tạp chí, truyện thơ; trong đó có những quyển dày hàng ngàn trang. Hiện nay, trong tủ sách của ông vẫn còn lưu giữ 2 quyển sách ống quyển cổ có tuổi đời dễ đến trăm năm. Đó là cuốn sách dạy học chữ Nôm từ thời cha ông đang làm thầy đồ dạy học ở làng An Hộ. Gọi là sách ống quyển bởi khi xưa, sách được cuộn và bỏ vào cất giữ trong ống tre. Số sách sau này ông Tương chất đầy kệ, một số được vợ ông đem cất đi. Lắm khi quý ai, ông Tương lại mang sách ra tặng nên hiện tại số đầu sách trong nhà ông chỉ khoảng 300 quyển. “Tôi quan niệm sách là tri thức, tri thức là giá trị của giáo dục. Vậy nên, càng nhiều người yêu sách càng tốt. Đọc sách không chỉ là thú vui tao nhã mà còn để thu nạp kiến thức, để lòng mình rộng rãi hơn, bao dung hơn, tử tế hơn với cuộc đời và con người. Vậy nên, tôi không “keo kiệt” chuyện tặng sách cho những ai thực sự yêu thích và muốn tìm đọc”-ông Tương chia sẻ.
Giờ đây, hàng ngày, ngoài chăm sóc những giậu rau lá, ông Tương thường đánh cờ, đọc sách, làm thơ. Một số bài thơ của ông đã được chọn lựa đăng báo và đạt giải cao tại một số cuộc thi ở địa phương. Pleiku đã trở thành quê hương thứ 2 của ông và ông cũng dành nhiều lời hay, ý đẹp cho mảnh đất này. Đơn cử như những câu thơ trong bài “Hoa cúc quỳ vàng ven Phố núi”: “Ta gọi tên em là hoa mai mối/Để tác thành cho ong bướm đến mê say/Đã đi qua năm tháng úa tàn này/Của 6 tháng mùa khô nghiệt ngã…”.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm