TN - Đất & Người

Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến thôn Yên Phú 1B, xã Choroh Pơnan, huyện Phú Thiện hỏi ông Hoàng Ngọc Hoàn làm kinh tế giỏi hầu như ai cũng biết. Hàng năm, nguồn thu từ 10 ha trang trại tổng hợp đem lợi nhuận cho ông khoảng 1 tỷ đồng.
Năm 1986, trở về sau chín năm quân ngũ, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Hoàn rời quê hương Nam Định cùng hơn 300 hộ dân vào huyện Phú Thiện lập nghiệp theo chương trình kinh tế mới. Hồi ấy, cả vùng này toàn là rừng khộp, heo hút. Lúc mới vào, gia đình được Nhà nước cấp 6 tháng lương thực, chẳng mấy chốc hết sạch, làm được căn nhà, thì năm 1987, hỏa hoạn thiêu sạch hết tài sản.
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Hoàn đang chăm sóc con nai nuôi lấy nhung. Ảnh: Đức Phương
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Hoàn đang chăm sóc con nai nuôi lấy nhung. Ảnh: Đức Phương
Lúc bấy giờ chưa có thủy lợi Ayun Hạ nên đồng ruộng thường xuyên thiếu nước, hầu như bỏ không. Xuất thân từ vùng chiêm trũng, thấu hiểu được giá trị của “tấc đất tấc vàng”, từ năm 1995, ông Hoàn có ý thức tích tụ ruộng đất. Để có tiền mua 1 ha đất canh tác, lúc đó ông phải bán luôn nhà được 3 chỉ vàng nhưng cũng chỉ trả được 1/3 số nợ. Hiểu hoàn cảnh, chủ miếng đất đã đồng ý cho ông trả dần. Cố gắng làm lụng, tích góp, dần dà ông tích tụ được hơn 30 ha đất canh tác.
Cùng thời gian đó, Nhà máy Đường Gia Lai về đây đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía. Ông Hoàn đứng ra vay tiền của nhà máy gần 500 triệu đồng để mua đất trồng mía và ký “giao kèo” cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Những năm 2000-2001, sản xuất đang trên đà phát triển thì đùng một cái, xảy ra cơn khủng hoảng thừa nguyên liệu mía. Mía bán không được, khắp cả thung lũng Ayun Pa thời điểm đó, người dân đốt ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác. Thấy chẳng thể trồng mía được nữa, ông quyết định bán 20 ha đất để lấy tiền chuyển sang đầu tư xây dựng trang trại. Trang trại rộng hơn 10 ha bây giờ, ông để lại khoảng 7 ha đất trồng mía; phần còn lại trồng xoài ghép, nuôi heo rừng lai, nuôi gà, thỏ và thả cá.
Đàn heo rừng của ông khoảng 70 con. Giá heo rừng giống 250 ngàn đồng/kg, ông khoe, đang nuôi 10 heo rừng nái để cung cấp giống cho các hộ có nhu cầu. Nguồn thu từ bán heo rừng giống trừ chi phí cũng được vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông Hoàn cũng đang hướng thử nghiệm nuôi hươu, nai lấy nhung, bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Cái khác của ông Hoàn là bây giờ ông không trồng mía để bán mía nguyên liệu mà bán mía giống cho nhà máy với giá cao hơn vài chục phần trăm. Để làm được điều đó, ông đã chủ động bỏ tiền đầu tư hệ thống tưới tự chảy để đảm bảo chất lượng cây mía giống và giữ độ ẩm duy trì vườn mía, phòng-chống cháy mía vào cuối vụ. Mỗi năm, nguồn thu từ mía giống của ông cũng gần cả tỷ đồng, chưa kể thu nhập từ 2 chiếc máy cày thường xuyên phục vụ người dân khắp vùng. Ông Hoàn dự tính mua thêm 2 chiếc máy cày nữa để cày thuê đất trồng mía cho bạn hàng ở nước bạn Campuchia. Kế hoạch mở rộng sản xuất, tăng thu nhập đã sẵn sàng, nhưng trang trại dù đã đầy đủ thủ tục vẫn chưa được cấp sổ đỏ nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Ông Hoàn kể khổ: “Đống tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng mà chỉ vay tín chấp ngân hàng được 30 triệu đồng, chẳng bõ bèn gì! Nếu được vay để mở rộng sản xuất, lợi nhuận sẽ nhiều hơn”.
Ông Hoàn còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Từ quỹ khuyến học đến “đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ người nghèo, không việc gì ông không góp tay; ít thì vài trăm ngàn, nhiều thì dăm ba triệu đồng. Trang trại của ông cũng đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương với thu nhập ổn định mỗi tháng vài triệu đồng/người. Sống hòa đồng với bà con, mỗi khi có người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, ông Hoàn đều “tư vấn” tận tình, tránh bị thất bại vì những lý do không đáng có. Con đường làng dài mấy cây số, nhà ở cuối đường, mùa mưa nước đọng nhớp nháp, ông Hoàn tự đổ dầu cho mấy chiếc máy cày, máy xúc “chỉnh trang”, giúp bà con đi lại bớt khổ.
Giữ cái tâm của người cựu chiến binh luôn trong sáng, nhờ uy tín với dân, nhiều vấn đề phát sinh khó giải quyết, cán bộ ở địa phương đều tìm đến ông Hoàn xin ý kiến “tham mưu”. Người cựu chiến binh luôn tâm niệm “Mình còn sức khỏe thì phải ráng để góp sức cho địa phương và xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Trước hết là tự thân mình phải làm đúng, phải gương mẫu thì mới có cái “uy” để mọi người nghe và làm theo”.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm