Xã hội

Lao động - Việc làm

“Người đàn bà ngồi đan”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của hầu hết người dân còn vô cùng chật vật, người làm công ăn lương luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Để cải thiện đời sống, ngoài chăn nuôi heo, nhiều phụ nữ còn đan len, móc len thuê.

Thời ấy, Pleiku mưa nhiều hơn và lạnh hơn. Cái thời đi đâu cũng đội mũ len, quàng khăn len, mặc áo len. Có lẽ vì thế nên cuộc sống xuất hiện nhu cầu đan len, thành hệ thống, đường dây đặt hàng, bỏ mối, buôn bán rầm rộ. Mỗi một nhóm gia công đồ len, có một người quen biết với đầu mối ở chợ mới, nhận len, nhận mẫu mã, đem về giao lại cho một đội đan len tầm chục người, như một tổ hợp. Số lượng người đan phải đủ lớn để cho ra lượng hàng hóa khá nhiều, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Người đan len thường là phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, hoàn cảnh. Từ công chức, viên chức, nhân viên đến giáo viên, y-bác sĩ, văn nhân thi sĩ, người nghỉ thai sản, dưỡng bệnh ốm đau... chỉ cần rảnh rỗi đôi tay là đan. Tai có thể nghe đủ điều, mắt có thể nhìn ở đâu đó, đôi tay các chị, các mẹ vẫn thoăn thoắt từng mũi len tỉ mẩn, kỳ công. Thời bao cấp, đan 1 chiếc áo len phải mất gần 1 tuần, thu được tiền công 3.000 đồng; đan một cái mũ gài nút mất 2 đêm, được 1.200 đồng; đan 1 chiếc mũ len liền khăn mất 3 đêm, nhận được 1.500 đồng; với giá gạo ngon 600 đồng/kg. Như vậy, quy ra gạo, cái việc làm tranh thủ ấy cũng cho thu nhập kha khá, tạo ra một nguồn sống ổn định cho bản thân và gia đình.

Trong tứ đức của người phụ nữ Á Đông truyền thống xưa, nữ công gia chánh được đặt lên hàng đầu. Nghề đan len có lẽ là hội tụ nhiều nét đặc trưng tính nữ nhất, như là một nét đặc sắc, một nét tài hoa thiên phú của phụ nữ truyền thống. Chỉ với 2 chiếc que tre vót tròn dài tầm 40 cm, một đầu nhọn (sau này hiện đại hơn có que bằng kim loại), những ngón tay mềm mại ngỡ như vô thức ấy đã tạo nên những tấm áo ấm, những cái mũ len đủ kiểu dáng, những khăn quàng cổ mịn màng, bền chặt. Cùng với đan len, nhiều chị em còn có nghề móc len, móc sợi. Thường thì móc bằng một cây kim đặc thù bằng thép mạ trắng, có một cái mấu ở đầu mũi và phần thân dẹt vừa tầm tay cầm. Sản phẩm móc sợi thường là mũ, khăn, túi xách…

Sau này, chiếc máy đan len kéo tay dùng phim đục lỗ ra đời, hình như từ xứ sương mù Đà Lạt tới. Cái máy đan len đầu những năm 90 của thế kỷ trước giá 2 chỉ vàng, công đào tạo 1 chỉ nữa, thành ra 3 chỉ vàng mới có nghề. Đó là một khoản chi khá lớn vào thời ấy. Sản phẩm len dệt máy tuy rẻ nhưng thiếu độ bền chặt, mặt trong của sản phẩm thường có những sợi dây dài không được đan, kéo qua nhiều sợi dọc, gây vướng khi sử dụng, dễ bị đứt tua.

Ngày nay, với trào lưu ưa chuộng sản phẩm handmade, nghề móc len sợi đang từng bước hồi phục. Bây giờ, những người phụ nữ nghỉ hưu thường tìm đến nghề móc, vừa thư giãn, vừa có tiền. Mà tiền công cũng kha khá: 3 đêm có thể móc được chiếc mũ sợi tuyệt đẹp, thu được 300 ngàn đồng; 2 đêm móc được 1 cái túi xách nhỏ, thu về 200 ngàn đồng; một chiếc túi đựng điện thoại di động có dây kéo có thể bán được 400 ngàn đồng, chỉ làm trong vài ngày.

Theo thời gian, nghề đan len đã ghi dấu trong lòng mỗi chúng ta về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cần mẫn khéo tay hay làm, chịu thương chịu khó. Hình ảnh người phụ nữ ngồi đan len ấy có thể là vợ tôi, chị tôi, em tôi, bạn bè tôi đâu đó, từ thuở tóc xanh đến khi đầu bạc. Và, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Người đàn bà ngồi đan” của nữ nhà thơ Ý Nhi với những câu thơ đọc một lần là nhớ: “Giữa chiều lạnh/Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/Vội vã như thể đó là lần sau chót/(...)/Giữa chiều lạnh/Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/Dưới chân chị/Cuộn len như quả cầu xanh/Đang lăn những vòng chậm rãi”.

Có thể bạn quan tâm