Xã hội

Người dân dần bỏ thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước đây, người Jrai và Bahnar thường sử dụng gầm nhà sàn làm nơi nuôi nhốt gia súc. Thói quen này gây mất vệ sinh môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe. Bởi vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng, hội đoàn thể đã vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Cách đây 6 năm, Hoài Văn-bạn tôi từ TP. Quy Nhơn đến xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) dự đám cưới của người thân. Bạn bảo đây là lần đầu tiên thấy người dân nuôi nhốt gia súc ngay dưới sàn nhà, nơi mình sinh hoạt, gây mất vệ sinh, bay mùi hôi khó chịu. Thế nhưng, trong chuyến trở lại nơi này, bạn rất ngạc nhiên khi tình trạng “sống chung nhà” với gia súc hầu như không còn.
Để có được kết quả ấy, cách đây 5 năm, Đảng ủy xã Ia Piar đã ra nghị quyết chuyên đề về vận động người dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Khanh nhớ lại: Trước đây, 100% hộ đồng bào Jrai trong xã đều nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngay dưới gầm nhà sàn nên rất mất vệ sinh. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã, UBND xã đã phân công cán bộ chuyên môn, hội viên các đoàn thể phụ trách từng nhóm hộ, tăng cường vận động, giải thích cho người dân về ý nghĩa việc di dời chuồng trại ra xa nhà ở để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường. Đồng thời, xã cũng tranh thủ kinh phí hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, từ chương trình xây dựng nông thôn mới và của các nhà hảo tâm hơn 170 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm chuồng trại nhốt gia súc. Đến nay, toàn xã có 625/721 hộ đã di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở.
Hầu hết hộ dân ở làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà ở. Ảnh: Nhật Hào
Hầu hết hộ dân ở làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà ở. Ảnh: Nhật Hào
Mới đây, chúng tôi cũng khá bất ngờ trước quang cảnh sạch đẹp của vùng nông thôn xã Hòa Phú (huyện Chư Păh), khi hầu hết hộ dân nơi đây đã thực hiện di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Kết quả này đạt được kể từ khi Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 57 hộ ở làng Hreng triển khai mô hình “Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh” và “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt”. Sau khi mô hình được triển khai, Hội Nông dân xã và các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền nhân rộng. Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã-phấn khởi cho biết: Hiện nay, hầu hết các hộ dân đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở.
Tại làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông), 100% hộ chăn nuôi gia súc cũng đã thực hiện di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Để đạt được kết quả này, cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hiện trước. Ông Kpuih Boong-Bí thư Chi bộ làng Iắt là người đầu tiên thực hiện di dời chuồng trại ra xa nhà ở vào năm 2012. Sau khi di dời, ông phối hợp với các đảng viên và Ban Nhân dân thôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện; đồng thời, kêu gọi cán bộ, đảng viên và người dân hỗ trợ kinh phí, ngày công, vật liệu giúp hộ nghèo, cận nghèo di dời. Kết quả này đã góp phần giúp làng thực hiện tốt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm để đạt chuẩn làng nông thôn mới năm 2020.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm