TN - Đất & Người

Người dân sống bất an bên nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian qua, người dân tại làng Điek Tem (xã Ngọc Tem, H.Kon Plông, Kon Tum) liên tục phản ánh việc nước từ hầm điều áp của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.

Làng Điek Tem cách hầm điều áp của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum khoảng 200 m. Dân làng đã sinh sống ở trên những mỏm núi ở đây từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum được đầu tư xây dựng, cuộc sống người dân bắt đầu đảo lộn.

Nước từ hầm điều áp của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chảy ra khiến vườn nhà ông Bình ngập nước
Nước từ hầm điều áp của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chảy ra khiến vườn nhà ông Bình ngập nước

Gây ngập vườn, làm chết cây trồng của dân

Gia đình ông A Bình (41 tuổi) có khu vườn nằm phía dưới hầm điều áp của nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Nhiều năm trước, gia đình ông vẫn trồng keo trên mảnh đất này để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kể từ khi bể điều áp của nhà máy được xây dựng và hoàn thành năm 2021, nước từ trong hầm chảy ra cả ngày lẫn đêm gây ngập vườn nhà ông Bình. Khoảng 600 cây keo hơn 3 năm tuổi bị chết sạch do ngập nước.

Gia đình ông Bình nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương cũng như nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum nhưng sau nhiều năm vẫn không nhận được hỗ trợ, đền bù. Để tiếp tục sản xuất, ông Bình đành chặt hết số cây keo chết về làm củi và tiếp tục xuống giống vụ keo mới.

Vườn keo 3 năm tuổi bị chết do ngập nước, ông A Bình đành chặt bỏ
Vườn keo 3 năm tuổi bị chết do ngập nước, ông A Bình đành chặt bỏ

"Trước khi có nhà máy thủy điện, chúng tôi vẫn làm ăn, canh tác bình thường có sao đâu. Nay công ty đến xây dựng hầm điều áp khiến nước trong lòng núi chảy ra gây thiệt hại cho gia đình. Chúng tôi đã ý kiến nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được đền bù thỏa đáng", ông Bình nói.

Lo ngại sạt lở đất

Không chỉ khiến cây trồng bị chết, nước chảy từ hầm điều áp ra ngoài cũng tạo tiếng ồn lớn khiến người dân trong làng hoang mang.

Nước từ trong hầm điều áp chảy xuống làng Điek Tem khiến người dân lo ngại
Nước từ trong hầm điều áp chảy xuống làng Điek Tem khiến người dân lo ngại

Theo anh A Bông (36 tuổi), thủy điện thượng Kon Tum đã bố trí một bãi thải chứa đất đá trong quá trình khoan hầm điều áp. Bãi thải này cao hàng chục mét, rộng hàng trăm mét. Trong khi đó, nước từ trong hầm điều áp liên tục chảy ra con suối bên cạnh làng. Tiếng nước chảy không chỉ gây ồn ào mà còn khiến dân làng bất an.

"Nơi đây thường xuyên xảy ra động đất. Tôi lo lắng sẽ dẫn đến sạt lở, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Không hiểu vì sao nước từ hầm điều áp của thủy điện lại liên tục chảy ra ngoài. Không biết dòng nước từ đâu mà ra. Trong thời gian tới, nếu như động đất xảy ra khiến bãi thải sạt lở rồi đổ ụp xuống thì cả làng không biết chạy đi đâu", anh A Bông nói.

Ông Võ Xuân Tựu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem, cho biết bản thân mới chuyển về công tác tại địa phương được vài tháng nên có nhiều việc từ các năm trước còn chưa nắm rõ. Ông Tựu khẳng định sẽ mời đại diện thủy điện Thượng Kon Tum và người dân đến kiểm tra thực địa về việc cây keo bị chết, từ đó có phương án giải quyết.

Theo ông Tựu, UBND xã Ngọc Tem đã nắm được thông tin dòng nước từ hầm điều áp của nhà máy thủy điện chảy ra gây tiếng ồn và đã yêu cầu nhà máy này chặn dòng chảy về hướng làng Điek Tem. Hiện tiếng ồn của dòng chảy đã được cải thiện.

Khu vực đổ thải của thủy điện Thượng Kon Tum được xác định là vi phạm
Khu vực đổ thải của thủy điện Thượng Kon Tum được xác định là vi phạm

PV Thanh Niên đã liên hệ ông Nguyễn Công Đàm, Giám đốc nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, để tìm hiểu một số thông tin liên quan. Tuy nhiên, ông Đàm cho biết đang đi công tác ngoài tỉnh.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã xác định việc nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đổ thải sai vị trí so với báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, nhà máy này đã lấn chiếm 121.500 m2 để xây dựng đường hầm dẫn nước thủy điện. Trước những sai phạm trên, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã xử phạt Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum) số tiền hơn 210 triệu đồng.

Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum là công trình thủy điện cấp I được đầu tư hơn 9.500 tỉ đồng. Dung tích hồ chứa 145,52 triệu m3. Đập dâng chính có kết cấu đất đá hỗn hợp; cao trình đỉnh đập 1.164 m so với mực nước biển. Dự án được khởi công vào 9.2009 và hoàn thành vào 5.2022.

Thủy điện Thượng Kon Tum được xem là một trong những thủy điện độc đáo nhất của Việt Nam khi có đường hầm năng lượng dài 20 km xuyên núi. Đường hầm này được nối từ hồ chứa tới nhà máy phát điện. Điều đáng nói, để vận hành nhà máy, nước từ sông Đăk Snghé tại Kon Tum bị bẻ dòng để đổ vào dòng Đăk Lô thuộc Quảng Ngãi. Sự việc này dẫn đến phá hoại cảnh quan môi trường, đặc biệt là thiếu nước cho dòng Đăk Bla và được xếp vào danh sách các "thủy điện ngược đời".

Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm