Xã hội

Đời sống

Người dân thôn Mơ Nang 2 mong mỏi một cây cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mỗi khi mưa lớn, ngầm tràn bắc qua suối Đăk Pi Hao bị ngập sâu, gây chia cắt đôi bờ. Việc đi lại của 315 hộ dân thôn Mơ Nang 2 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) gặp khó khăn. Mong mỏi của người dân là được đầu tư xây dựng cầu tràn qua suối để đảm bảo lưu thông.

Nguy hiểm rình rập

Được đầu tư xây dựng từ năm 2009, ngầm tràn bắc qua suối Đăk Pi Hao nối liền thôn Mơ Nang 2 với trung tâm xã Kim Tân. Tuy nhiên, do ngầm tràn nằm ở vị trí tương đối thấp nên mỗi khi gặp mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về, ngầm tràn thường bị ngập sâu khiến 315 hộ dân trong thôn bị cô lập hoàn toàn.

Sinh sống tại thôn 35 năm qua, bà Đỗ Thị Thú vẫn còn nhớ như in hình ảnh em họ bà là ông Chu Văn Thủy bị lật thuyền khi qua sông. Bà kể: Do trời mưa kéo dài, ngầm tràn bị ngập sâu, ông Thủy quyết định nhờ người chèo thuyền đưa con sang bờ bên kia đi học.

Nhưng dòng nước chảy xiết, thuyền lật, người lái thuyền chỉ kịp túm được tay con gái ông bơi vào bờ, còn ông Thủy bị nước lũ cuốn trôi. May mắn là ông kịp bám vào cống tràn và được người dân kịp thời ứng cứu.

ba-do-thi-thu-bia-trai-thon-mo-nang-2-va-chi-kpa-hchuyen-ke-lai-ky-uc-nhung-lan-nuoc-lu-dang-cao-anh-vu-chi.jpg
Bà Đỗ Thị Thú (bìa trái, thôn Mơ Nang 2) và chị Kpă H'Chuyên kể lại ký ức những lần nước lũ dâng cao. Ảnh: Vũ Chi

“Hôm 13-11 vừa qua, ngầm tràn tiếp tục bị ngập. Gia đình vừa thu hoạch xong hơn 3 tấn mì, nhưng đành để trên xe tải 1 ngày chờ khi nước rút hết mới chở qua nhà máy được. Chất lượng củ mì bị ảnh hưởng nên giá bán giảm 200 đồng/kg.

Tôi mong Nhà nước sớm đầu tư nâng cấp ngầm tràn cao hơn, chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngập nước vào mùa mưa. Có như vậy nông sản mới không bị thương lái ép giá”-bà Thú bộc bạch.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Mơ Nang 2 nên chị Kpă H’Chuyên cũng thấm thía những vất vả mỗi khi mùa mưa lũ đến. Khi còn nhỏ, chị thường được cha cõng trên lưng lội suối đến trường.

Rồi khi ngầm tràn được xây dựng, bà con vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi mỗi năm, ngầm tràn vẫn bị ngập sâu đến 4-5 lần, có khi kéo dài cả tuần khiến chị không thể đi làm, con cái không thể đến trường.

“Tôi là cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Buồn nhất là có những chương trình, hoạt động của Hội, chị em mất công tập luyện cả tuần nhưng đến hôm tổ chức thì mưa lớn, ngầm tràn bị ngập không thể qua suối được. 2 đứa con tôi cũng không thể đi học, phải chờ nước rút mới đến trường mượn vở bạn chép bài”-chị H’Chuyên bày tỏ.

Mong mỏi có cầu qua suối

Bí thư Chi bộ thôn Ksor Tim thông tin: Thôn Mơ Nang 2 hiện có 315 hộ với 1.492 khẩu. Đây là thôn đặc biệt khó khăn. Thôn còn 10 hộ nghèo. Ngầm tràn bắc qua suối Đăk Pi Hao nối liền với trung tâm xã. Vì vậy, mỗi khi ngầm tràn bị ngập, bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Tháng 10-2023, nước lũ dâng cao đã làm sạt lở, cuốn trôi một đoạn thân cầu dài khoảng 30 m khiến thôn bị cô lập 4 ngày liền. Mặc dù đã được ngành chức năng sửa chữa, gia cố nhưng bà con vẫn rất lo lắng.

“Mỗi khi nước dâng cao, thôn đều bố trí lực lượng phối hợp cùng chính quyền địa phương túc trực hai bên bờ, không để người dân tự ý vượt suối. Về lâu dài, người dân mong muốn tỉnh, huyện sớm đầu tư xây dựng cầu tràn qua suối để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, bà con yên tâm sản xuất”-ông Tim kiến nghị.

doan-ngam-tran-bi-nuoc-lu-cuon-troi-da-duoc-sua-chua-lai-nhung-chi-mang-tinh-chat-tam-thoi-anh-vu-chi.jpg
Đoạn ngầm tràn bắc qua suối Đăk Pi Hao bị nước lũ cuốn trôi đã được sửa chữa lại nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Ảnh: V.C

Trao đổi với P.V, ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã Kim Tân-cho biết: Năm 2023, ngầm tràn bắc qua suối Đăk Pi Hao đã bị nước lũ cuốn trôi mất 30 m thân cầu. Ngay sau khi sự cố xảy ra, xã phối hợp với cơ quan, ban, ngành của huyện khắc phục hậu quả. Trong đó, xã bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hơn 470 triệu đồng để đổ đá, đất cấp phối và lu nền.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời. Sau nhiều lần kiến nghị, vừa qua, UBND huyện đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.

“Chiều 13-11 vừa qua, nhân chuyến công tác tại huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã đến khảo sát khu vực ngầm tràn qua thôn Mơ Nang 2.

Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị, đề xuất của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xã đổ đá dăm lên bề mặt đoạn ngầm tràn đã sửa chữa để tránh bị nước lũ rửa trôi. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xem xét lại tờ trình, hồ sơ dự toán do UBND huyện gửi lên. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ bố trí nguồn kinh phí đầu tư cầu tràn. Hy vọng dự án sớm được thi công”-ông Hưng thông tin.

Có thể bạn quan tâm