Hợp đồng của Công ty Hướng nghiệp.
Công ty TNHH DV Thương mại dịch vụ Hướng nghiệp Quốc tế (Cty Hướng nghiệp) chưa được cấp phép nhưng rầm rộ hoạt động, công khai làm hợp đồng giả chạy việc cho người dân. Kinh doanh đổ bể, giám đốc bỏ trốn nên hậu quả là người dân chịu thiệt.
Lời hứa suông
Ngày 12.3, anh A.N (SN 1992, trú tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh với Báo Lao Động về việc Cty Hướng nghiệp có địa chỉ số 200, đường Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, sau khi nhận 150 triệu đồng của gia đình anh chạy việc nhưng không thực hiện. Sự việc xảy ra đã lâu nhưng đến nay công ty này không hoàn trả như cam kết.
Anh N. kể, được sự giới thiệu của người quen, vào tháng 3.2018, ông Phạm Văn Tốt, Giám đốc Cty Hướng nghiệp hứa sẽ lo cho vợ anh thi đậu viên chức ngành giáo viên tại huyện Krông Pắk với “giá” 150 triệu đồng.
Theo anh N., trước đó, nhiều người đã xin được việc từ ông Tốt và cũng tin ông này có quan hệ rộng.
“Ông Tốt ra giá 150 triệu đồng lo xin việc giáo viên. Số tiền này sẽ giao trong trong 2 đợt. Đợt đầu đưa trước 90 triệu. Số còn lại sẽ đưa khi vợ tôi có công việc” - anh N kể và cung cấp cho PV hợp đồng giao dịch giữa ông Cty Hướng nghiệp và gia đình anh N.
Hợp đồng có tên Hợp đồng thỏa thuận tư vấn và giới thiệu việc làm với thời hạn xin việc từ ngày 30.4- 30.8.2018.
“Khi bên B, gia đình anh N. đã ký hợp đồng phải “tế nhị” với bên A, phía Cty Hướng nghiệp khi có yêu cầu về thủ tục hồ sơ… Tuyệt đối không được nói những điều sai trái, không ghi trong hợp đồng đồng này làm ảnh hưởng đến uy tín của bên A” – trích hợp đồng giữa Cty Hướng nghiệp và gia đình anh N.
Một thời gian sau, vợ anh N. thi viên chức không đậu nhưng ông Tốt cũng không trả lại tiền. Biết đã bị lừa, anh N. nhiều lần nên trụ sở Cty ở số 200 - Phan Chu Trinh để đòi lại tiền nhưng ông Tốt hẹn lần lữa.
Ông Tốt không xin được việc nhưng cũng không trả tiền lại cho người dân.
Hợp đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Theo tìm hiểu, ngày 12.10.2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Cty TNHH MTV cho công ty TNHH DVTM Hướng nghiệp Quốc tế, do ông Phạm Văn Tốt làm Giám đốc.
Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Cty Hướng nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực như cung ứng lao động tạm thời; giới thiệu, mô giới lao động, việc làm; cung ứng và quản lý nguồn lao động; dịch vụ hỗ trợ giáo dục…
Trái với các hoạt động kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký, bảng hiệu Cty Hướng nghiệp ghi rõ “trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm; tư vấn hướng dẫn học tập ngành nghề phù hợp với cá nhân và nhà tuyển dụng”.
Trong khi đó, Sở LĐTBXH Đắk Lắk lại khẳng định, sở chỉ mới cấp giấy phép hoạt động cho cho 5 công ty liên quan đến hoạt động tư vấn và việc làm.
Ông Lê Hạnh - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động (thuộc Sở LĐTBXH) khẳng định, Cty Hướng Nghiệp do ông Phạm Văn Tốt làm Giám đốc chưa cấp phép hoạt động.
PV cung cấp hợp đồng xin việc giữa Cty Hướng nghiệp và người dân, ông Hạnh cho rằng, nhìn những căn cứ ở Hợp đồng thỏa thuận đã không ổn bởi chỉ căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005, 2015; Luật Thương mại… nhưng lại không căn cứ vào giấy phép hoạt động được cấp.
“Một trung tâm chưa được cấp phép mà dám nhận 150 triệu đồng để lo thi viên chức là sai vì số tiền quá lớn. Còn nữa, đã là viên chức thì phải thi tuyển công khai, có hội đồng tuyển sinh chứ không có chuyện xin “chạy việc. vì đây là số tiền quá lớn so với quy định. Tôi khẳng định, hợp đồng giữa Cty Hướng nghiệp là sai luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật” - ông Hạnh nói.
Sở LĐTBXH Đắk Lắk từng cảnh báo các địa phương về việc ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trong hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động. Theo Sở LĐTBXH, thời gian qua có một số cá nhân tự xưng, mạo danh là người của Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động đến các địa phương tư vấn, tuyển lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và của người lao động. |
Hữu Long (LĐO)