Xã hội

Người dân xã Ia Ko mong mỏi những cây cầu dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm qua, người dân một số làng ở xã Ia Ko (huyện Chư Sê) phải di chuyển trên những cầu tạm trong quá trình sản xuất ở xã Ia Vê (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, cầu tạm được làm sơ sài, khá nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại trong mùa mưa lũ.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” cây cầu tạm bắc ngang suối Đục, cách trung tâm xã chừng 3 km, anh Lê Minh Thành-Trưởng thôn Tai Glai-cho hay: Trước đây, khi chưa có cầu tạm, gần 100 hộ dân của 2 làng Tai Glai và O Bung phải đi đường vòng hơn 20 km mới đến được khu đất sản xuất ở thôn Đồng Hải (xã Ia Vê). Vào mùa thu hoạch, người dân gặp khó khăn trong việc vận chuyển nông sản. Vì vậy, một số hộ dân đã tự nguyện bỏ tiền mua vật liệu về làm cầu tạm.
Cây cầu có chiều dài gần 5 m, chiều rộng khoảng 2,5 m, sàn kê bằng 4 thanh sắt, trên là những tấm ván ghép lại thành mặt cầu. Do nhu cầu đi lại của người dân lớn, cộng với phương tiện vận chuyển hàng hóa nặng nên mặt cầu thường xuyên phải gia cố. Ông Nguyễn Văn Tám-người dân làng Tai Glai-cho biết: “Người dân xã Ia Ko hàng ngày đi qua cầu sang xã Ia Vê để sản xuất. Ngược lại, bà con thôn Đồng Hải qua xã Ia Ko để mua sắm, chở con cái đi học. Do hai bên mố cầu là đường đất, dốc nên vào mùa mưa trơn trượt, rất dễ ngã. Tôi ở đây năm nào cũng chứng kiến vài trường hợp bị rơi xuống suối. Cách đây 2 năm, có trường hợp bị rơi xuống suối, không cứu kịp”.
Người dân 2 làng Tai Glai và O Bung (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) phải dùng cầu tạm để sang khu sản xuất. Ảnh: Phương Dung
Người dân 2 làng Tai Glai và O Bung (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) phải dùng cầu tạm để sang khu sản xuất. Ảnh: Phương Dung
Nói về cây cầu tạm, anh Nguyễn Thành Đông (thôn Đồng Hải) cho hay: “Từ thôn ra trung tâm xã Ia Vê khoảng 10 km, trong khi đến trung tâm xã Ia Ko chỉ 3 km. Kể từ khi có cầu tạm, đa số người dân trong thôn đăng ký cho con cái theo học trái tuyến để thuận tiện trong việc đưa đón. Hai con tôi (lớp 8 và lớp 3) cũng đang theo học tại xã Ia Ko”. Cũng theo anh Đông, vì chặng đường 3 km từ thôn đến trung tâm xã phần lớn là đường đất dốc, mặt cầu hẹp lại không có lan can nên rất nguy hiểm. Các hộ dân ở 3 thôn, làng đều mong sớm có cây cầu dân sinh kiên cố giúp việc đi lại được thuận lợi.
Tương tự, nhiều hộ dân ở làng O Grưng cũng phập phù lo sợ mỗi khi đi qua cây cầu tạm dài hơn 3 m bắc ngang suối Ia Glai để đến khu đất sản xuất ở làng O Ngol (xã Ia Vê). Cầu được thiết kế sơ sài, trụ cầu làm bằng cọc gỗ nhỏ, mặt cầu là những thân cây tròn ghép lại, phía trên đổ lớp đất dày. Ông Kpuih Blom (làng O Grưng) thông tin: “Phần lớn hộ dân trong làng có đất sản xuất ở làng O Ngol. Trước đây, bà con chỉ trồng lúa rẫy, trồng mì và vận chuyển về nhà bằng gùi nên chỉ dùng 2 cây gỗ bắc qua suối. Sau này được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa nước, cây công nghiệp dài ngày; nhu cầu đi lại, phương tiện vận chuyển phân bón, nông sản mỗi ngày cũng nhiều hơn nên dân làng đồng thuận góp cây, góp công làm cầu tạm”. Cầu tạm đã phần nào đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân, song kèm theo đó cũng nhiều nỗi lo. Nhất là vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao làm trôi lớp đất trên mặt cầu, trơ lại những cây gỗ gồ ghề cùng nhiều lỗ trống. “Không phương tiện nào dám lưu thông qua cầu khi mưa lớn. Nguyện vọng của người dân làng O Grưng là sớm có cây cầu dân sinh cho an toàn đi lại”-ông Blom nói.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Mah Sơ-Chủ tịch UBND xã Ia Ko-cho hay: Những cây cầu tạm đã giúp người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí trong lao động sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 2 cấp đầu tháng 11, xã kiến nghị các ngành liên quan tạo điều kiện sớm đầu tư xây dựng 2 cây cầu dân sinh trên địa bàn giúp người dân đi lại, phát triển sản xuất.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm