Bạn đọc

Người được người không, đất công chia nhau hưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là diện tích đất của Nông trường 705 (nay là Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705-gọi tắt là Công ty 705, xã Ia Krái, huyện Ia Grai), nhưng được sự “giúp sức” của chính Công ty này, nhiều người là lãnh đạo và cán bộ Công ty đã được cấp nhiều ha đất rồi phân lô bán cho người khác. Thế nhưng, những người có thời gian sử dụng đất lâu hơn và cũng bỏ ra nhiều công sức để khai hoang thì lại không được cấp “sổ đỏ”. Thậm chí họ còn có nguy cơ mất đất khi bị Công ty này thưa kiện đòi lại đất.

Những hộ dân này trước đây đều là cán bộ, công nhân của Công ty 705 nay lại lên tiếng tố cáo lãnh đạo Công ty về hành vi lợi dụng chức quyền “xẻ thịt đất công”, hợp thức hóa cho mình và cho những cán bộ thân tín, người thân để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

 

Lô đất ông Kính đang phân lô bán cho người khác. Ảnh: Minh Triều

Có quyền thì mới có đất?

Từ năm 1992, tất cả số công nhân này đều sử dụng chung quỹ đất của Công ty 705, khi đó có tổng diện tích là 1.450 ha. Đến năm 2002, Công ty này được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ với diện tích 716,5 ha. Hơn 1/2 diện tích đất còn lại (733,5 ha) được Công ty trả lại cho địa phương quản lý để cấp GCNQSDĐ cho những hộ đủ điều kiện được Công ty xác nhận. Nhưng không hiểu vì sao trong số này lại có nhiều công nhân lại không được đưa vào “quy hoạch” phần diện tích trả lại cho địa phương, trong khi nhiều lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Công ty lại có được đặc quyền này. Chính điều này khiến cho các hộ dân này thắc mắc, nghi ngờ lãnh đạo của Công ty lạm dụng chức quyền khi xác nhận quá trình sử dụng đất để hợp thức hóa cho những thửa đất nói trên…

Đơn phản ánh của ông Trần Ngọc Lánh-thôn 3, xã Ia Krái, huyện Ia Grai-trình bày: Tháng 2-1992, gia đình ông được Công ty 705 chấp thuận (không có văn bản) cho sử dụng quỹ đất 1,8 ha để phục hồi vườn cà phê thanh lý-đây là phần diện tích cà phê của Công ty trồng từ năm 1984 mà công nhân, người lao động nhận khoán bỏ hoang, bị cỏ xâm lấn. Gia đình ông đã tổ chức khai hoang, sản xuất ổn định trên phần đất này và không có tranh chấp gì, nhưng đến tháng 7-2009 Công ty 705 bỗng dưng yêu cầu gia đình ông phải trả lại quỹ đất.

Ông Lánh cho hay: “Năm 2001, khi đoàn của tỉnh về đo đạc, tôi có khai diện tích đất này do tôi khai hoang trồng cà phê từ năm 1992 nhưng Công ty 705 cố tình bỏ qua chi tiết này, gạch tên tôi ra, chỉ chủ ý ký xác nhận cho một số cán bộ và người thân của mình để cấp GCNQSDĐ”-ông Lánh bức xúc. Vì vậy, trước yêu cầu vô lý này, gia đình ông Lánh không chấp nhận trả lại đất.


 

Đây là một trong số những trường hợp đang bị Công ty 705 thưa kiện đòi lại đất. Ảnh: Minh Triều

Tương tự, ông Vũ Đức Hòa-thôn 1, xã Ia Krái, nguyên là Đội trưởng Đội 4 Nông trường 705 (cũ)-phản ánh: Trên diện tích 0,8 ha đất mà Công ty 705 bỏ hoang, cây mọc thành rừng, gia đình ông đã khai hoang trồng lại cà phê 18 năm nay, đến năm 2008 chuyển sang trồng cao su thì Công ty đòi lại đất, tệ hơn là còn đình chỉ sinh hoạt Đảng của ông đến 18 tháng để gây áp lực. Ông Hòa đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết công bằng, không thiên vị một ai, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Công ty trả lại một số diện tích đất mà họ đã lợi dụng chức quyền làm sổ đỏ bán cho người khác.

“Đơn cử là gần 2 ha đất của ông Ngô Trung Kính hiện là Giám đốc Công ty, khi ấy còn là Trưởng phòng Kỹ thuật, cũng mượn đất của Công ty để sản xuất nhưng lại nhổ cây đi rồi làm bìa đỏ, chia lô bán cho người khác, thử hỏi công bằng ở chỗ nào? Tôi đã ở đây trên 30 năm, có thời gian công tác tại Công ty này cũng được 20 năm, chỗ nào là diện tích đất của Công ty tôi thuộc nằm lòng”-ông Hòa lớn tiếng phản ánh.

Nhiều trường hợp khác như ông Võ Huynh với diện tích đất là 0,3 ha; ông Vũ Huy Tân (1,4 ha) đã khai hoang sử dụng đất ổn định từ năm 1992 cũng đang rất bức xúc… Đáng chú ý là phần diện tích 0,6 ha của bà Lê Thị Hòa, canh tác đến nay hơn 27 năm, cũng bị Công ty đòi lại, trong khi diện tích này nằm liền kề với lô đất đang phân lô bán của ông Kính và lô đất đã được làm bìa đỏ của ông Hạnh.

“Ông nói gà, bà nói vịt”

Trước những phản ánh nói trên, ông Ngô Trung Kính-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705-khẳng định: Toàn bộ diện tích mà các gia đình đã được cấp GCNQSDĐ năm 2002 đều là những gia đình đủ điều kiện, được Hội đồng đăng ký đất xã Ia Krái thẩm định trên cơ sở đã đo đạc, cang vẽ bản đồ hiện trường đất đang sử dụng đến năm 2001. Đồng thời ông Giám đốc này cho biết: Năm 1991, trên địa bàn xảy ra dịch sốt rét, công nhân đồng loạt bỏ khoán để về quê do ốm đau nên nhiều diện tích đất-trong đó có diện tích đất của ông hiện nay đang canh tác-bị bỏ hoang. Sau đó, ông cũng như những gia đình khác đã tiến hành khai hoang và đưa vào trồng cà phê. Thế nhưng không rõ vì lý do gì mà như ông Kính giãi bày thì: “Diện tích đất của tôi được UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất là nằm trong diện tích đất mà UBND xã Ia Krái đã đồng ý trả lại cho UBND tỉnh để cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình có đủ điều kiện, đó là những diện tích nằm ngoài diện tích mà UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho Công ty 705 năm 2002”.

Ông Kính cũng khẳng định diện tích đất của ông Lánh, ông Huynh, ông Tân nằm trong phần diện tích mà Công ty được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ và Công ty đã kiện ra UBND huyện để đòi lại đất. Riêng diện tích đất của bà Lê Thị Hòa, ông Kính cho rằng đây là diện tích đất trước kia Công ty đã hợp đồng phục hồi vườn cây cà phê, đến năm 2007 Công ty thu hồi để trồng cà phê, cao su thì bà Hòa không chịu trả và đã tự ý trồng cà phê từ đó đến nay. Công ty đã làm việc với UBND xã Ia Krái và có thông báo cho bà Hòa dừng việc trồng mới năm 2010 nhưng bà này vẫn tiếp tục.

Phát hiện nhiều sai phạm

Trước những tranh chấp, thưa kiện của một số hộ dân đối với Công ty 705, ngày 18-1-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 122 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá lại toàn diện tình hình quản lý sử dụng đất tại Công ty này. Ngày 30-5-2013, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn 1632/UBND-NL, yêu cầu tập thể lãnh đạo Công ty 705 nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng đất, đồng thời khắc phục ngay những sai sót và có biện pháp thu hồi ngay diện tích đất Công ty đang để người khác sử dụng.

Cụ thể là Công ty đã quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ, tự ý chuyển đổi mục đích đất để xây dựng công trình và giao đất cho cá nhân xây dựng nhà ở trái quy định pháp luật, để dân xâm canh lấn chiếm, tranh chấp đất đai. Trong tổng số 716,5 ha được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ thì diện tích đất sử dụng sai mục đích và để xâm canh, tranh chấp là 50,156 ha. Cụ thể, Công ty tự thanh lý vườn cây và giao đất cho công nhân xây dựng nhà ở là 50 trường hợp với diện tích 13.100 m2; thanh lý vườn cây và giao đất cho cá nhân khác 13 trường hợp với diện tích 42.155 m2; để dân xâm canh 35 trường hợp với diện tích 299.189 m2; đất đang tranh chấp với dân là 38.015 m2…

 

Lô đất của ông Võ Huynh giờ không được phép trồng cà phê, chỉ trồng được cây bời lời và chuối. Ảnh: Minh Triều

Trong khi đó, phía Công ty 705 chỉ thừa nhận việc tự ý giao 13.100 m2 đất nông nghiệp cho 50 hộ công nhân xây nhà ở là sai thẩm quyền và trái với quy định của Luật Đất đai với lý do phần diện tích nói trên rất khó cho việc canh tác và quản lý sản phẩm vì nằm xen kẽ trong khu dân cư, rải rác ở các đội sản xuất. Để thu hút lao động, Công ty đã lấy diện tích đất này cấp cho những hộ công nhân chuyển nhà về vị trí thuận lợi để an cư lạc nghiệp. Sai phạm này đã được Thanh tra huyện Ia Grai và Thanh tra tỉnh kết luận năm 2008, từ đó đến nay Công ty không để tái diễn thêm trường hợp nào.

Về diện tích 38.015 m2 đất đang tranh chấp với dân thì Công ty cho rằng công tác quản lý đất thiếu chặt chẽ, chưa cương quyết do sự liều lĩnh bất chấp pháp luật của người chiếm dụng, và đang chờ Tòa án Nhân dân huyện giải quyết. Còn việc dân xâm canh 35 trường hợp với diện tích 299.189 m2 thì Công ty lý giải: Đây là diện tích đất mà Công ty có chủ trương cho công nhân phục hóa vườn cây hỏng, công nhân tự bỏ vốn trồng cà phê và thực hiện khoán sản phẩm. Diện tích này được sử dụng ổn định trước năm 2002 đến nay. Công ty đã rà soát lại diện tích chuyển trả về cho địa phương 50 ha, trong đó lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho các hộ nói trên nhưng có công văn tạm dừng của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam nên chưa xử lý được…

Điều ngạc nhiên là tất cả những sai phạm nói trên được lãnh đạo của Công ty 705 giải thích là do việc tiếp cận chính sách về đất đai của Ban Giám đốc còn hạn chế, do tính chất lịch sử về quản lý sử dụng đất của Nông trường 705 trước đây có nhiều bất cập (?!). Tuy có sai phạm nhưng Công ty này khẳng định là không có bất kỳ khuất tất hay tiêu cực nào của cá nhân hay tập thể trong việc cấp đất.

Ý kiến ngành chức năng

Trao đổi với P.V, ông Lê Tấn Hiến-Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh-cho biết: Đối với diện tích đất mà các hộ dân đã sử dụng ổn định từ năm 1992 đến nay nằm trong diện tích 716,5 ha mà Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705 được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ (năm 2002) thì Công ty phải tự thực hiện rà soát lại. Nếu thật sự có giao nhận khoán theo Nghị định 01 (nay là Nghị định 35) thì quỹ đất này thuộc quyền quản lý của Công ty 705.

Nếu những hộ dân nói trên không thực hiện việc giao nhận khoán theo Nghị định 35 thì Công ty phải tự rà soát lại và làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh xem xét, thu hồi lại diện tích này giao cho địa phương quản lý để cấp GCNQSDĐ. “Các sai phạm của Công ty 705 theo tinh thần Công văn 1632 của UBND tỉnh Gia Lai như quản lý lỏng lẻo; để dân lấn chiếm, sử dụng; tự thanh lý vườn cây, xây dựng nhà ở thì trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Công ty. Tuy nhiên, đối với những diện tích sai phạm này thì đề nghị các cấp xem xét, nếu phù hợp với quy hoạch thì giao lại cho các hộ này và tính thời điểm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước vì hiện nay các diện tích này các hộ dân đã thật sự làm nhà ở rồi”- ông Hiến nói.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm