Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người giữ hồn chiêng Pờ Tó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cộng đồng người Bahnar ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) không ai không biết nghệ nhân Đinh Uých. Không chỉ đánh cồng chiêng giỏi mà anh còn chỉnh chiêng rất tài, lại tâm huyết truyền dạy cho các em nhỏ.
Tính đến nay, anh Đinh Uých (SN 1975, thôn 3, xã Pờ Tó) đã có 15 năm kinh nghiệm truyền dạy cồng chiêng và 7 năm làm nghề chỉnh chiêng. Đam mê cồng chiêng từ nhỏ, anh đã theo già làng học cách diễn tấu rồi mày mò tập luyện. Cồng chiêng như một phần máu thịt trong anh. Năm 16 tuổi, anh đã có thể đánh nhuần nhuyễn các bài chiêng cổ và trở thành thành viên tích cực trong đội cồng chiêng của làng, thường xuyên tham gia biểu diễn mỗi dịp lễ hội.
Nhưng rồi cồng chiêng ngày càng mai một. Số người biết chơi cồng chiêng ngày càng ít dần. Đến năm 2011, phong trào khôi phục văn hóa cồng chiêng diễn ra sôi nổi. Huyện, xã mở các lớp dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên ngay tại buôn làng. Với tài năng và kinh nghiệm tích lũy được, anh Uých được mời truyền dạy cồng chiêng. Trong khoảng thời gian 1 tháng cho mỗi lớp học, anh tận tình hướng dẫn những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất trong cách đánh chiêng, cách biểu diễn để các em thêm yêu thích, tự hào và có ý thức gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc. Đến nay, anh Uých đã trực tiếp giảng dạy 7 lớp cồng chiêng do xã tổ chức ở làng: Bi Yông, Bi Ya, thôn 1, thôn 2, thôn 3. Những người đam mê, tự tìm đến anh học đánh chiêng cũng khá đông.  
Anh Đinh Uých kiểm tra chất lượng một bộ chiêng mới mua của dân làng. Ảnh: V.C
Anh Đinh Uých kiểm tra chất lượng một bộ chiêng mới mua của dân làng. Ảnh: V.C
Nhờ có người “truyền lửa” như anh Uých mà hầu hết thanh-thiếu niên ở thôn 3 đều biết đánh chiêng. Đội chiêng của thôn hiện có hơn 30 thành viên thường xuyên biểu diễn vào các dịp lễ hội. Năm 2019, đội đạt giải nhì tại Hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số do huyện tổ chức. Em Đinh Thang tâm sự: “Nhờ có chú Uých chỉ dạy mà chúng em biết đánh cồng chiêng để biểu diễn trong các dịp lễ hội. Chúng em rất vui và tự hào vì có thể góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Chẳng những vậy, anh Uých còn mày mò học hỏi để có thể chỉnh sửa âm thanh những chiếc chiêng bị “lạc giọng” do sử dụng, lưu giữ chưa đúng cách. Năm 2013, anh đi khắp các huyện, xã lân cận học cách chỉnh chiêng từ nhiều nghệ nhân. Học nghề thành thạo, anh tự đến các làng tìm những bộ chiêng hư để sửa. Nhờ có đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn nhạy cảm với âm nhạc, anh Uých đã trở thành người sửa chiêng có tiếng trong vùng. Các làng, xã có chiêng hỏng đều mang đến nhờ anh sửa giúp.
Anh Uých chia sẻ: “Nghề chỉnh chiêng không phải ai cũng học được. Nó đòi hỏi sự kiên trì cùng khả năng cảm nhận và thẩm âm. Tùy theo mức độ hư hỏng, thời gian sửa một bộ cồng chiêng kéo dài 3-4 ngày. Nhiều hôm mình ngồi lỳ trong phòng chỉnh chiêng đến quên ăn, quên ngủ”.
Xã Pờ Tó có 9 thôn, làng; mỗi làng lưu giữ 1-2 bộ cồng chiêng. Để bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, những năm gần đây, UBND xã đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trên địa bàn. Ông Trần Văn Hiếu-cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Pờ Tó-cho biết: “Nghệ nhân Đinh Uých là người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh trực tiếp tham gia giảng dạy, truyền nghề cho con cháu, anh còn là người sửa cồng chiêng tài ba. Bộ chiêng nào bị vênh, lạc điệu, anh đều nhiệt tình sửa giúp. Anh Uých thực sự là người tài của buôn làng”.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm