Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người giữ "hồn" văn hóa Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tuổi 80, già làng Siu Lý được bà con xem như người giữ “hồn” văn hóa làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Bởi lẽ, hơn 20 năm qua, ông đã có nhiều nỗ lực để cùng dân làng gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Jrai.
“Đánh thức” dân ca Jrai
Trong căn nhà nhỏ giữa làng Grang, tiếng đàn goong hòa cùng giọng hát của ông Siu Lý vẳng theo gió bay xa. Tiếng đàn, tiếng hát của ông lúc rộn rã, tươi vui như thúc giục mọi người lên nương rẫy; lúc lại da diết, lắng sâu như mời gọi mọi người quay trở về nhà.
“Ngay từ lúc còn được mẹ cõng lên rẫy, mình đã được nghe những làn điệu dân ca của dân tộc Jrai. Lớn lên, những lúc theo cha lên rừng, mình cũng được nghe những làn điệu quen thuộc ấy. Cho tới bây giờ, mình vẫn thích dân ca Jrai và tự tìm tòi, biến tấu những bài dân ca ấy cho dân làng Grang”-ông Siu Lý tâm sự.
Với niềm đam mê đó, những khi công việc rảnh rỗi, ông lại ôm đàn goong tấu lên những làn điệu dân ca Jrai về tình yêu đôi lứa, tình anh em, về nương rẫy, suối sông, núi rừng… Những bài dân ca truyền thống được ông “thổi” vào đó sự trẻ trung, tươi mới đã thu hút dân làng, nhất là đám thanh niên.
Anh Kpui Lah cho biết: “Người làng đều rất thích nghe già Siu Lý đàn, hát sau những ngày làm việc mệt mỏi hoặc trong các lễ hội. Dần dần, chúng tôi khám phá ra những nét văn hóa rất hay của dân tộc mình qua mỗi bài dân ca”.
Ông Siu Lý (bìa phải) chỉ dạy cách đánh chiêng cho người dân trong làng. Ảnh: Trần Dung
Ông Siu Lý (bìa phải) chỉ dạy cách đánh chiêng cho người dân trong làng. Ảnh: Trần Dung
Có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người am hiểu về dân ca Jrai, ông Siu Lý nung nấu ý định phát triển các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Ông ghi chép, ghi âm cẩn thận từng bài dân ca rồi nghe đi nghe lại nhiều lần. Nhiều bài dân ca xưa tưởng đã “ngủ quên” đã được ông “đánh thức”, truyền lại cho thế hệ sau bằng cách đó.
Ông bộc bạch: “Điều khó khăn nhất là làm sao biến những làn điệu dân ca xưa trở nên gần gũi với bọn trẻ. Phần lớn các bài dân ca Jrai đều được thể hiện bằng hình thức đối đáp, kể chuyện, nhịp điệu rất chậm và thiếu sinh động. Vì vậy, để tạo hứng thú cho bọn trẻ, mình đã làm mới những bài dân ca với tiết tấu sôi động trong tiếng đàn goong, tất nhiên vẫn phải dựa trên nền tảng lời dân ca xưa của người Jrai”.
Ngoài việc làm mới những bài dân ca xưa, ông Siu Lý còn tự sáng tác những bài hát bằng tiếng Jrai phù hợp với đời sống dân làng như: “Cùng nhau lên rẫy trồng cà phê”, “Làng Grang vào vụ lúa”, “Làng Grang xây dựng văn hóa”… Nội dung những bài hát này đều thể hiện sự động viên, thúc giục mọi người cùng nhau đoàn kết, từ bỏ hủ tục, chăm lo phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn minh. Những làn điệu dân ca xưa được biến tấu cho mới mẻ cùng những bài hát do ông sáng tác đã giúp lưu giữ nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Jrai ở làng Grang.
Để nhịp chiêng vang mãi
Làng Grang hiện có 2 bộ chiêng được đặt trang trọng trong nhà rông. 2 bộ chiêng này có được là nhờ sự cộng đồng đóng góp của dân làng sau khi nghe lời vận động của ông Siu Lý.
Cách đây 5 năm, sau khi bộ chiêng duy nhất của làng bị hỏng, ông đã tới nhà bà Siu Phiu thuyết phục để lại cho làng bộ chiêng quý mà gia đình còn lưu giữ. Đây là bộ chiêng có âm thanh chuẩn, nhiều người ở các vùng khác từng đến hỏi mua với giá cao nhưng bà Phiu không bán. Biết là khó nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà nhiều ngày liền đều tới nhà nói cho bà Phiu hiểu tầm quan trọng của cồng chiêng đối với dân làng. Hiểu ra, bà Phiu đã quyết định tặng bộ cồng chiêng này cho làng.
Già Siu Lý say mê hát những bài dân ca Jrai. Ảnh: Trần Dung
Già Siu Lý vừa đàn, vừa hát dân ca Jrai. Ảnh: Trần Dung
1 năm sau đó, vì muốn lập đội cồng chiêng cho lớp trẻ nên ông Siu Lý bàn với dân làng đóng góp mỗi hộ 500 ngàn đồng (làng có 49 hộ). “Khi ông Siu Lý họp làng và mong muốn mọi người góp tiền mua chiêng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Dù trong làng còn hơn 20 hộ nghèo nhưng mọi người vẫn vui vẻ đồng tình. Làm việc gì tốt cho làng, cho lớp con cháu sau này, chúng tôi đều sẵn sàng”-bà Siu Moj bày tỏ.  
Với người dân làng Grang, âm thanh cồng chiêng là thứ rất thiêng liêng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bởi vậy, họ xem 2 bộ chiêng như báu vật và cất giữ ở nơi trang trọng nhất trong nhà rông. Vừa lấy bộ chiêng ra giới thiệu, ông Siu Lý vừa nói: “Trong đám cưới, cúng bến nước, cúng lúa mới… mình sẽ mang chiêng đến, chọn những người giỏi nhất để đánh. Mình cũng là người phải thường xuyên kiểm tra bộ chiêng, nếu chúng bị lạc tiếng thì tìm cách chỉnh lại cho chuẩn”.
Hiện nay, làng Grang có 2 đội cồng chiêng, một đội của những người lớn tuổi và một đội của thanh niên. Ông Nay Kpă Phin-Phó Trưởng thôn-cho biết: “2 đội cồng chiêng của làng Grang thường được tham gia biểu diễn tại các chương trình văn hóa-văn nghệ do tỉnh, huyện tổ chức, trong đó có Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Với những đóng góp to lớn của ông Siu Lý, nhịp cồng chiêng của làng Grang đã được nối dài mãi...”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm