(GLO)- Không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, chỉnh chiêng tài ba, nghệ nhân Siu Bóp (làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai) còn “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ để cùng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.
Sinh ra và lớn lên tại làng Tai Pêr, cũng như bao chàng trai Jrai khác, cồng chiêng đã ăn sâu vào máu thịt của ông Siu Bóp. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết: Cha ông là nghệ nhân đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng giỏi trong làng nên từ năm 7 tuổi ông đã theo cha đi biểu diễn cồng chiêng trong các dịp lễ hội. Tuy nhiên, sau này thấy con em trong làng còn thiếu thốn cái chữ nên ông đã gác lại đam mê cồng chiêng để chọn con đường sư phạm. “Tốt nghiệp THCS, năm 1980, tôi tham gia lớp đào tạo sư phạm 9+1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm với mong muốn sau này về dạy chữ cho con em trong làng. Ra trường, tôi được bố trí về công tác tại Trường cấp I-II Ama Trang Lơng (xã Ia Hla). Sau khi trường tách riêng 2 bậc học, tôi về dạy ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Ia Hla). Bận rộn với việc giảng dạy nhưng vì đam mê cồng chiêng nên mỗi khi làng có lễ hội hay các sự kiện văn hóa do xã, huyện tổ chức, tôi đều tranh thủ tham gia tập luyện cùng đội cồng chiêng của làng”-nghệ nhân Siu Bóp cho biết. Ngoài ra, ông còn lưu giữ một bộ cồng chiêng quý gồm 10 chiếc lớn nhỏ.
Thầy Siu Bóp đang chỉnh lại âm thanh cho bộ cồng chiêng của gia đình. Ảnh: Lê Trang |
Sau khi nghỉ hưu, người thầy tâm huyết ấy gần như dành toàn bộ thời gian cho cồng chiêng. Ông tham gia vào đội cồng chiêng làng Tai Pêr để cùng các thành viên khác trong đội giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc mình. Ngày còn dạy ở trường, thấy học sinh nào đam mê cồng chiêng, ông luôn tận tình chỉ bảo cho các em những bài chiêng cơ bản. Giờ đây, khi tham gia vào đội cồng chiêng, ông cùng các nghệ nhân khác lại ra sức truyền dạy cho thanh-thiếu niên trong làng.
Nhận xét về ông Siu Bóp, em Siu Ueh (làng Tai Pêr) chia sẻ: “Thầy Siu Bóp đánh cồng chiêng giỏi lắm, em đã theo học thầy 2 năm nay, được thầy dạy cách đánh một số bài chiêng truyền thống. Không chỉ em mà nhiều bạn khác trong làng cũng tham gia học đánh cồng chiêng với thầy”. Còn ông Kpuih Soa (cùng làng) thì cho hay: Đội cồng chiêng làng Tai Pêr có 26 thành viên, trong đó có 16 người chơi cồng chiêng, số còn lại là phụ nữ đội múa xoang. Ông Siu Bóp là một trong những thành viên của đội, có nhiều đóng góp nhằm duy trì và phát triển những bài chiêng truyền thống, khôi phục lại các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của người Jrai”.
Được thừa hưởng năng khiếu từ cha nên không chỉ đánh cồng chiêng giỏi mà nghệ nhân Siu Bóp còn chỉnh chiêng rất tài. Chỉ cần có người đến nhờ chỉnh chiêng là ông đi ngay. Ông cho biết: “Người chỉnh chiêng phải có khả năng thẩm âm thật tốt để biết cái chiêng nào âm chuẩn, cái chiêng nào bị lạc âm. Từ nhỏ, tôi đã nghe và quan sát cha mình chỉnh từng chiêng rồi tập dần dần, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm và biết chỉnh chiêng. Tôi đã được mời đi chỉnh nhiều bộ chiêng ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông”.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Mah Am Lao-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Hla-cho biết: “Hiện nay, xã Ia Hla đã thành lập 2 đội cồng chiêng ở làng Tai Pêr và làng Hla. Nghệ nhân Siu Bóp là một trong những thành viên của đội cồng chiêng làng Tai Pêr, là người có nhiều đóng góp trong việc duy trì và phát triển văn hóa cồng chiêng trên địa bàn xã nói riêng và huyện, tỉnh nói chung. Đặc biệt, ông đã có mặt ở khắp các thôn làng gần xa, lấy lại âm thanh cho những bộ chiêng bị lỗi nhịp để âm thanh cồng chiêng vang mãi”.
Lê Trang