Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Người lính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mùa này, cứ sau ngày hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc là tiếng ve ngân inh ỏi trong các tán lá. Ve kêu là nắng nóng oi bức khiến người và trâu bò chỉ muốn náu trong bụi cây mà thở. Ấy thế mà bà Hon vẫn lên đây từ sáng sớm. 
Chẳng có năm nào bà quên mang theo nải chuối chín trong vườn, ít xôi nếp gói lá chuối, vài quả ớt đỏ. Người không hiểu tưởng bà thắp hương cho người thân. Người hiểu chuyện thì trầm ngâm nhớ lại chuyện xưa. Chuyện của một thời của người dân miền núi Tây Bắc chưa được giải phóng... 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Ngày đó, bà Hon còn là một đứa bé mới lên tám tuổi. Ải (cha) của Hon mất sớm vì bị rắn độc cắn trong một lần đi rừng hái cây thuốc quý cho nhà tạo. Ếm (mẹ) của Hon làm lụng vất vả rồi cũng ngã bệnh mà mất sớm để lại con gái cho bà ngoại. Hằng ngày cô bé Hon phai đi chăn trâu từ sớm, chiều về phải xuống suối cõng nước, ăn uống kham khổ nên thân hình còi cọc hơn những đứa trẻ khác. Một lần, mải tìm quả rừng ăn cho đỡ đói, Hon để trâu mộng chạy xuống dưới thung Ma gặm cỏ. Có một bà đi hái dâu nhìn thấy liên bảo Hon: "Mày để trâu xuống thung Ma ăn cỏ mộ là nó sẽ bị bắt vía không về được đâu. Mày mau mau trốn đi không tối về nhà tạo không thấy con trâu mộng cũng sẽ không tha cho mày". Hon nghe thấy thế quá sợ hãi cắm đầu chạy, tay ôm mặt khóc. Cô bé không hề hay biết mình đã lạc vào rừng rậm từ bao giờ và mặt trời cũng đã lặn phía Tây. Bỗng chân Hon đá phải vật gì như khúc gỗ chắn ngang đường, cố ngã xấp mặt. Một bàn tay chắc khỏe túm lấy chân cô. Thôi chắc bị ma bắt thật rồi, toàn thân cô cứng đờ. 
- Cháu đừng sợ - có tiếng thều thào.
Thì ra, là một người có vẻ đang yếu lắm đang nằm, một tay ôm cái chân nhăn nhó. Nhìn hình dáng, Hon thấy đó một người dưới xuôi còn trẻ, chú bị ngã nên một chân không cử động được. Vốn là con nhà thày lang, Hon nhanh nhảu chạy đi kiếm lá thuốc. Chỉ lát sau, cái chân của chú đã có thể cử động nhúc nhắc được. Chú đốt lửa, chia cơm nắm cho Hon ăn, chú kể nhiều chuyện mà cô bé chưa từng được biết. Có điều, dù lúc đó còn là cô bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng Hon đã hiểu ra không ai được đánh đập, bắt vạ người khác. Nếu biết đoàn kết, sẽ đánh đuổi được giặc Tây. Bộ đội đã diệt nhiều đồn bốt của giặc Pháp ở dưới mạn Hòa Bình...
- Cháu này, thế cháu có biết đường nào đi trong rừng lên đồi Độc Lập mà bọn lính Pháp không phát hiện ra không?
- Dạ cháu biết... nhưng
- Nhưng sao vậy? Cháu bé à, việc này rất quan trọng vì sẽ góp công lớn đánh đuổi giặc Pháp rồi...
- Nhưng… cháu sợ, ở đấy có nhiều rắn độc lắm, ải của cháu từng bị rắn ở trên đó cắn chết...
- Cháu à, người hại chết ải của cháu không hẳn là một con rắn độc mà là bọn tay sai của thực dân Pháp, không con rắn độc nào ác bằng chúng đâu. Chúng bắt dân ta làm trâu ngựa. Nếu tìm thấy đường lên, bộ đội ta sẽ diệt đồn bốt để không người dân nào còn phải chết oan khuất nữa.
Từ hôm ấy về, Hon bắt đầu hiểu ra lời người xuôi đó. Hóa ra chú không chỉ là người tốt bụng dắt trâu từ thung Ma lên cho em mà sau này Hon biết đó là người lính đi trinh sát. Ít hôm sau như đã hẹn, Hon dẫn chú theo lối đi lên đỉnh đồi mà lính Pháp không hề hay biết. Nghe chú dặn, các cháu và dân bản mình cứ đợi tin vui…
Thế rồi, người dân bản nghe nhiều tiếng súng nổ, tiếng hò reo dậy đất. Bộ đội chiến đấu ngoan cường đã chiếm được đồi Độc Lập. Nhiều lính Pháp bị bắt sống. Đây là quả đồi án ngữ đường từ Tuần Giáo vào đất Điện Biên, mất Độc Lập, giặc như mất đi cánh cổng vững chắc. Hon còn được nghe người già nói với nhau: Điện Biên Phủ bị đặt trong tầm ngắm của quân ta, thắng lợi đang đến gần. Trước hôm các đơn vị hành quân vào mặt trận, Hon cùng các anh chị thanh, thiếu niên trong bản cùng tham gia mang lương thực cho các chú bộ đội... Người mang cơm nắm, người mang con cá suối vừa nướng xong, trẻ em thì tíu tít. Và thật bất ngờ. Hon nhận ra người miền xuôi hôm nào, trông chú gầy và xanh hơn, chắc do những trận sốt rét và chiến đấu gian khổ. Chú đeo quân hàm bên vai áo lấp lánh một ngôi sao rất oai phong. Trước khi chạy theo đoàn quân, chú trao cho Hon cây bút máy, chú dặn: "Sau này hòa bình, cháu phải đi học thật chăm, thật giỏi để xây dựng quê hương ta nhé"
- Thế chú ơi, chú tên là gì ạ? Cháu chưa biết tên chú.
Chú bộ đội hóm hỉnh: 
- Mai này cháu đi học sẽ đọc được tên của chú, chú đã khắc tên mình trên cây bút này từ ngày còn là học sinh Trường Bưởi. Mà, người lính nào cũng có tên giống nhau cháu ạ, là bộ đội cụ Hồ…
Hon cứ thế chạy theo mãi cho đến khi đoàn quân đi khuất sau cánh rừng. Rồi ngày vui của cả miền Tây Bắc và cả nước đã đến. Quân ta làm chủ mặt trận, tướng chỉ huy giặc đã đầu hàng, bọn phìa tạo bị đánh đổ, chính quyền mới của Nhân dân được thành lập. Các dân tộc Tây Bắc cùng nắm tay vui điệu xoè đoàn kết, ấm no. Nhưng trong đoàn quân trở về mãi mãi không có người chú ấy.
Sau này khi biết chữ, Hon rưng rưng cảm động khi đánh vần được tên chú là Sơn- người lính đầu tiên mà Hon gặp. Sơn là núi, là điểm tựa, là bản lĩnh kiên cường. Nhiều lần, Hon đến các nghĩa trang tìm, cũng không ít lần cô nhờ những người làm công việc tìm kiếm thân nhân liệt sĩ tìm kiếm nhưng không có tin tức gì về sự hy sinh của chú. Mỗi khi đứng trước những hàng bia mộ liệt sĩ vô danh, Hon lại nghẹn ngào thắp những nén tâm nhang. Không biết ngôi mộ nào trong số đó là nơi chú đang yên nghỉ...
Giờ đây, đã ngoại thất tuần, không thể lên thăm chiến trường xưa được nữa, bà Hon vẫn mang những hoa trái vườn nhà, hạt nếp thơm của Tây Bắc để thắp hương nơi còn lưu dấu chân những người lính đã hành quân. Bà Hon lấy cây bút máy từ trong túi ra ngắm nghía, đứa cháu chừng mười tuổi nhìn bà và hỏi: 
- Bà ơi, nghe bà kể thì sao ông bộ đội đi đánh giặc cứu nước lại mang theo cây bút hả bà? Phải mang nhiều súng đạn chứ.
- Cháu ngoan, người lính vốn là anh nông dân, cậu học trò, cô công nhân… vì đất nước có giặc họ phải cầm súng để bảo vệ non sông. Họ đã hy sinh cả cuộc đời mình để có hòa bình cho hôm nay các cháu được đến trường. 
Trời Tây Bắc xanh trong, núi Độc Lập vẫn oai linh xanh thắm như người lính đứng gác nơi miền Tây Tổ quốc…
Theo BÙI VIỆT PHƯƠNG (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm