Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Người lính trẻ say mê… nghề thủ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người lính thông tin, chàng trai Lê Quang Huy (SN 1991, công tác tại Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin Liên lạc) còn tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi quý giá để nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề da thủ công. Hơn thế, anh còn vừa tự học nghề vừa san sẻ cơ hội làm nghề với rất nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Sinh ra trong một gia đình có nền tảng kinh tế vững chắc nhưng Lê Quang Huy không chọn lối sống dựa dẫm, đua đòi. Anh tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự sau khi đã tốt nghiệp cao đẳng ngành Tài chính. Với nhiều thành tích lập được trong quá trình rèn luyện, chàng lính trẻ đã chính thức trở thành quân nhân chuyên nghiệp như điều anh hằng mong mỏi. Bên cạnh đó, Huy còn một đam mê khác là tạo ra những sản phẩm bằng da thuộc độc đáo, mới mẻ từ chính sự sáng tạo và kiên nhẫn của mình-một đức tính mà anh được trau dồi sau những ngày rèn luyện vất vả trên thao trường.
 Anh Lê Quang Huy (bìa phải) hướng dẫn một người thợ làm những sản phẩm bằng da thuộc. Ảnh: L.H
Anh Lê Quang Huy (bìa phải) hướng dẫn một người thợ làm những sản phẩm bằng da thuộc. Ảnh: L.H
Nói về quá trình học nghề da thủ công, Huy cho hay, khi còn là sinh viên, internet chính là phương tiện để anh tiếp cận và học hỏi quy trình làm ra một sản phẩm trong thế giới đồ da cực kỳ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, bao gồm: ví, túi xách, dây đồng hồ, dây thắt lưng… “Trước mỗi sản phẩm, mình luôn tìm một video hướng dẫn mọi công đoạn để nghiền ngẫm về phương pháp của các nghệ nhân. Mình xem đi xem lại từng tí một, từ thao tác cắt, phết keo, đục cho đến khâu. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mẩn vì chất lượng mỗi sản phẩm dựa trên từng tiểu tiết”-Huy chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày, Huy phải làm việc ít nhất 13-14 tiếng đồng hồ, kể cả nhiệm vụ ở đơn vị lẫn việc chăm chút cho xưởng làm đồ da bé nhỏ của mình tại gia đình. Rời cơ quan mỗi chiều, anh nhanh chóng trở về nhà để chuẩn bị vật tư cho bộ phận làm da, cắt phôi và tự tay thực hiện những công đoạn khó nhất cùng với những người thợ của mình, miệt mài tới gần 21 giờ rồi lại quay vào cho kịp giờ trực đêm tại đơn vị. Tính đến thời điểm hiện tại, xưởng đồ da Lê Gia của anh đã tạo cơ hội cho gần 15 bạn trẻ đam mê thủ công được sống với nghề bằng việc trả công thợ 4-5 triệu đồng/tháng (trường hợp làm đủ 8 tiếng/ngày). Đối với những hoàn cảnh còn khó khăn về kinh tế thì đây là một mức thu nhập khá lý tưởng.
Chị Dương Thị Hà (SN 1982, trú tại 03 Hàm Nghi, xã Chư Á, TP. Pleiku), người đã gắn bó với việc làm đồ da tại xưởng đồ da Lê Gia gần 7 tháng qua, cho biết: “Huy là người sống tình cảm nhưng vô cùng nghiêm túc trong công việc. Cậu ấy luôn nhiệt tình hướng dẫn từng khâu cho thợ, động viên chúng tôi rất nhiều mỗi khi có người định bỏ cuộc”. Một trường hợp đặc biệt khác đã nhận được sự giúp đỡ của chàng trai này là chị HTinh (SN 1992, trú tại làng Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Chị HTinh chia sẻ: “Tôi là bạn học với Huy thời THPT. Chính Huy là người tạo mọi điều kiện để tôi tham gia công việc ở xưởng, vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập. Thời gian đầu, tôi hay sai sót trong khâu cắt vật liệu, có khi phải bỏ đi những miếng da có giá trị cao nhưng Huy vẫn kiên trì hướng dẫn. Đó là động lực giúp tôi trụ lại với nghề”.
Cho đến giờ, sau gần 1 năm đưa các sản phẩm của mình ra thị trường, Huy đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng. Ngoài facebook cá nhân của Huy thì trang “Le Gia leather craft” chính là nơi quảng bá rất nhiều sản phẩm dây da đồng hồ, ốp điện thoại, ví da… có chất lượng tốt và giá bán khá hợp lý. Huy mong muốn phát triển thương hiệu Lê Gia trở thành một trong những cái tên uy tín về các mặt hàng đồ da của tỉnh nhà trong thời gian tới. Điều quan trọng, theo Huy, là lưu giữ được những nét tinh túy của nghề thủ công, đặc biệt là những sản phẩm đòi hỏi sự tinh xảo cao mà không một máy móc nào có thể làm thay.
Tuy hiện tại thu nhập từ xưởng đồ da chưa thật sự cao (khoảng 8-10 triệu đồng/tháng) nhưng Huy vẫn một lòng theo đuổi đam mê. Anh khẳng định: “Không có con đường nào tự mở rộng trước mắt cả và tôi chưa bao giờ tự mãn với cuộc sống hiện tại. Chỉ biết rằng mình phải cố gắng gầy dựng mọi thứ từ những nỗ lực tự thân và san sẻ cơ hội cho những bạn trẻ cùng vượt khó”.
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm