Xã hội

Từ thiện

Người mẹ già nhọc nhằn nuôi đàn con tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đã gần 80 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Sâm (thôn Cây Điệp, xã Kdang, huyện Đak Đoa) vẫn phải một mình tần tảo để lo cho 3 người con và 1 người cháu bị bệnh tâm thần.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hưng Yên, năm 20 tuổi, bà Nguyễn Thị Sâm xây dựng gia đình. Trong số 8 người con của bà thì có đến 3 người bị tâm thần gồm: Phó Thị Phượng (59 tuổi), Phó Đức Chiến (55 tuổi), Phó Thị Diện (48 tuổi). Năm 1979, vì hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng bà quyết định vào vùng đất Kdang lập nghiệp. “Lúc mấy đứa còn nhỏ, vợ chồng tôi dành dụm được ít tiền đưa chúng đi khám ở một số nơi nhưng đều trở về trong vô vọng. Chúng tôi dặn nhau phải cố gắng làm lụng nuôi con chứ cũng hết cách rồi”-bà Sâm tâm sự.

 

Bà Nguyễn Thị Sâm cùng 2 người con bị tâm thần là Phó Đức Chiến và Phó Thị Diện. Ảnh: T.B
Bà Nguyễn Thị Sâm cùng 2 người con bị tâm thần là Phó Đức Chiến và Phó Thị Diện. Ảnh: T.B

5 người con khác của bà Sâm đã lập gia đình nhưng cuộc sống không mấy khá giả nên cũng chẳng đỡ đần được gì nhiều. Người con gái Phó Thị Phượng bị bệnh nhẹ nhất, lỡ dại có một đứa con nhưng cháu bé cũng bị bệnh tâm thần và câm điếc bẩm sinh. Dẫu rất cố gắng làm ăn nhưng phải nuôi 3 người con cùng 1 đứa cháu không bình thường nên cái nghèo cứ đeo bám cuộc đời vợ chồng bà Sâm. Năm 2010, chồng bà Sâm qua đời, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai già nua của bà.

Để có tiền chăm sóc con cháu, những năm trước, bà thường làm bánh bột lọc, bánh đúc rồi đi xe buýt lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đak Đoa bán. Mọi người thương nên mua giùm bà, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 70.000 đồng. Hết bánh, bà lại đi nhặt ve chai để kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình. Vất vả là thế nhưng bà Sâm ít khi than thở với ai. Cách đây 1 năm, sức khỏe giảm sút, không đi bán bánh ở xa được, bà đành mò mẫm đi kiếm rau, măng bán cho người dân trong thôn. 2 tháng trước, bà Sâm bị ngã gãy chân phải ngồi một chỗ, cuộc sống lại khó khăn gấp bội. Lúc tỉnh táo, những người con của bà đi mót cà phê, mủ cao su... nhưng cũng chẳng đáng là bao.

Trong ngôi nhà tình nghĩa do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa xây tặng bà Sâm không có gì đáng giá ngoài một chiếc tivi cũ kỹ.  Hiện tại, gia đình bà Sâm chưa nhận được một khoản trợ cấp nào, chỉ có một số nhà hảo tâm cho bà ít tiền và gạo. “Giờ các con cũng đã lớn tuổi, có đứa đầu đã bạc trắng nhưng vẫn ngây ngây, dại dại. Ở cái tuổi này, người ta đã được an dưỡng tuổi già, được con cháu chăm sóc, còn tôi thì…”-bà Sâm bỏ lửng câu nói và lau vội những giọt nước mắt.

Bà Trương Thị Thu Hiền-Bí thư chi bộ thôn Cây Điệp, cho biết: “Gia đình bà Sâm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương rất quan tâm nhưng sự giúp đỡ cũng có giới hạn. Bà con hàng xóm cũng thường chia sẻ ký gạo, bó rau chứ cũng không giúp được gì nhiều. Chúng tôi mong các tổ chức, cá nhân giúp đỡ gia đình bà Sâm vượt qua hoàn cảnh khó khăn”.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm