Du lịch

Người Mường làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vừa có dịp đi tham quan một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Danh thắng Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), bãi biển Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn), Thủy điện Cửa Đạt (huyện Thường Xuân), Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) và đặc biệt là “suối cá thần” (huyện Cẩm Thủy) đã để lại ấn tượng khá đậm nét trong tôi về cách làm du lịch của một vùng quê nơi đồng bào Mường sinh sống. Có rất nhiều thông tin về “suối cá thần” Cẩm Thủy trên các phương tiện thông tin mà bất cứ ai quan tâm đều có thể tìm thấy chỉ sau một tích tắc nhấp chuột. Thế nhưng, có đến tận nơi mới có thể tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của phong cảnh thiên nhiên cùng con người nơi đây.

Muốn lên suối cá phải đi khoảng 80 km tính từ TP. Sầm Sơn. Tôi xuất phát từ huyện Thọ Xuân cũng phải đi chừng ấy chặng đường bởi vòng Thủy điện Cửa Đạt rồi qua Ngọc Lặc sang Cẩm Thủy. Mùa hè trung du rất đẹp! Trời trong xanh, cao vời vợi. Những ngọn núi đá vôi như chạy đuổi nhau kéo qua một vùng quê đang vào mùa cấy, lúa xanh mơn mởn, phía dưới dòng sông Mã uốn lượn như muốn ôm những ngọn núi vào lòng. Bản Mường với những ngôi nhà sàn vững chãi ẩn hiện sau màu xanh của vườn cây, rừng cọ, núi đồi.

 

“Suối cá thần” bản Lương Ngọc (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: internet
“Suối cá thần” bản Lương Ngọc (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: internet

Sau chặng đường dài, xe chúng tôi lăn bánh vào địa phận huyện Cẩm Thủy. Rồi đến xã Cẩm Lương. Hai bên đường đã xuất hiện nhiều ngôi nhà xây kiên cố và các hàng quán tạp hóa, quán ăn với biển quảng cáo các món đặc sản trong vùng. Điều ghi nhận đầu tiên về cách làm du lịch của chính quyền địa phương là xe ô tô muốn đi qua cây cầu treo nhỏ bắc qua sông phải trả phí, mỗi người ngồi trong xe là 20 ngàn đồng, sau đó chờ cho người điều khiển ra hiệu mới được qua bởi lòng cầu rất hẹp, mỗi lượt chỉ đi được một xe loại 16 chỗ trở xuống. Nếu là xe lớn hơn phải đi vòng qua cây cầu khác, cầu xây, rất xa. Tiếp tục đi chừng vài ba cây số nữa là đến địa điểm suối cá tại bản Lương Ngọc. Đây là con đường cụt bởi đến đây đụng phải chân núi đá vôi Trường Xuân. Đường vào bản hẹp, chạy giữa cánh đồng lúa, 2 xe ngược chiều phải tránh nhau rất khó khăn.

Một bãi đất trống rộng khoảng ngàn mét vuông làm bãi đỗ xe. Bên cạnh là khu vệ sinh có thu phí. Và rồi dọc bên đường vào suối dài chừng 200 m là hàng trăm quán hàng. Ngoại trừ một số hàng ăn phục vụ khách du lịch tại chỗ các món dân dã như cơm lam, thịt nướng, bắp luộc, bắp nướng…, hầu hết các quán đều bán đặc sản trong vùng như ốc đá, cua đá và hàng lưu niệm. Phổ biến và nhiều nhất là vòng hạt đeo tay, hàng thổ cẩm, quạt lá cọ, nỏ lớn cùng ống tên, dao Mường và hàng chục loại dược liệu quý như: tắc kè khô, táo Mèo, cam thảo, thảo quả, nấm lim xanh, nấm linh chi…

Lại tiếp tục mua vé vào tham quan suối cá, giá 20 ngàn đồng/người. Giữa trưa nhưng dòng người đến đây vẫn khá đông, họ từ mọi nơi, nhiều nhất là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, xen vào vài đoàn miền Nam. Qua trạm kiểm tra vé, chúng tôi bước vào khu vực suối cá. Một bên là con suối và một bên cũng là dãy hàng quán bán các mặt hàng như bên ngoài. Có lẽ sự hấp dẫn trước tiên là bởi bất cứ người dân nào ở đây cũng tin vào sự huyền bí của đàn cá này thông qua câu chuyện cổ mang đầy dấu ấn tâm linh. Con suối chỉ dài độ vài trăm mét, chảy từ núi đá ra, sâu chừng 2, 3 tấc. Hàng trăm, không, hàng ngàn con cá đang bình thản bơi lội giữa dòng nước trong và rất thân thiện với con người. Cá ở đây khá lạ, hình thù trông giống như cá chép và cả cá trôi, cá trắm. Từ các hang hốc sâu trong lòng núi, cá bơi ra từng đàn, từng đàn, nhiều con đạt trọng lượng hàng chục cân. Quả là một điều hy hữu! Người ta truyền tai nhau rằng ai ăn thịt cá này sẽ gặp chuyện chẳng lành. Có đúng hay không thì cũng khó biết bởi cá ở đây được canh giữ rất nghiêm ngặt. Các nhân viên luôn quan sát, theo dõi và sẽ thổi còi nhắc nhở nếu phát hiện du khách chọc phá hay bắt cá…

Chỉ một dòng suối và đàn cá nhưng “suối cá thần” Cẩm Thủy đã được đưa vào bản đồ du lịch Việt Nam. “Thần” là ở chỗ đồng bào địa phương từ lâu đã biết gìn giữ, bảo tồn giống cá này để đến bây giờ chúng thực sự mang lại lợi ích cho họ. Đồng thời gửi vào đó truyền thuyết về Thần Rắn bảo vệ đàn cá với ngôi đền bên dòng suối. Thế mới biết người Mường ở bản Lương Ngọc đã biết trân quý “đặc sản” của vùng mình để đưa vào làm du lịch. Ước tính mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan suối cá, và như vậy có nghĩa là địa phương thu được nhiều triệu đồng từ hoạt động bán vé, dịch vụ kèm theo, nhất là bán được các sản phẩm do chính người dân làm ra như đã nêu trên.

Phải chăng câu chuyện về “suối cá thần” Cẩm Thủy rất đáng để nhiều vùng tham khảo, rút tỉa điều gì đó và áp dụng cho địa phương mình?

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm