Xã hội

Người Mường ở Ia Lâu đón Tết Độc lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với người Mường ở xã biên giới Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), Tết Độc lập là dịp để bà con thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc và lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, Bác Hồ kính yêu.

Rộn ràng đón Tết Độc lập

Những ngày này, các thôn, làng của xã Ia Lâu được trang trí cờ, hoa rực rỡ. Những cô gái Mường sặc sỡ váy hoa như đi lễ hội. Bà con ở đây chia sẻ, cứ vào dịp lễ Quốc khánh 2-9, cộng đồng người Mường lại sum vầy bên nhau đón Tết Độc lập, ôn lại ngày lịch sử trọng đại của đất nước.

Nét đẹp văn hóa này được người Mường mang theo từ Hòa Bình khi đến đây lập nghiệp vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tết Độc lập bắt đầu từ ngày 28-8 đến hết ngày 2-9, tùy điều kiện mà các gia đình mổ heo, mổ gà để thết đãi anh em, con cháu. Những đứa con đi làm xa về cũng được bố mẹ ưu tiên nấu những món ngon truyền thống và mời họ hàng, làng xóm đến chung vui.

Người Mường ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) chuẩn bị bữa cơm truyền thống trong ngày Tết Độc lập. Ảnh: Hà Phương


Ông Hà Văn Che cho biết: “Tôi đến định cư tại thôn Lũng Vân từ năm 1998. Tết Độc lập là ngày hội của người Mường chúng tôi. Trong dịp này, chúng tôi nghỉ ở nhà 4 ngày, nấu những món ăn ngon để thết đãi anh em, bạn bè”. Còn ông Đinh Thế Mỹ thì chia sẻ, ông không thể nào quên ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, ông thường kể lại cho con cháu nghe để nhớ về lịch sử nước nhà, qua đó biết trân trọng cuộc sống hiện tại. “Những năm gần đây, việc đón Tết Độc lập đã được đông đảo mọi người trong xã hưởng ứng. Vì vậy, những ngày này rất nhộn nhịp, bà con đi chơi lễ rất đông”-ông Mỹ tâm sự.

Theo ông Mỹ, trong những ngày nghỉ lễ, bên cạnh những món ăn truyền thống, người Mường cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: đánh cò le, đánh cù, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh đu… Không khí của ngày Tết Độc lập kéo dài từ sáng đến tận khuya trong sự vui nhộn, đượm tình đoàn kết.

Nhớ ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu

Vào Ia Lâu lập nghiệp từ năm 1997, ông Hà Văn Mừng cho biết: Khi mới vào đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, không có đất đai để sản xuất, khí hậu lại khắc nghiệt. Nhưng rồi, chính quyền địa phương đã có những định hướng kịp thời giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. “Giờ đây, gia đình tôi đã xây dựng được nhà kiên cố, sắm máy cày, công nông, mở xưởng cơ khí. Ngoài ra, tôi có hơn 2 ha điều và mì, 2 ha lúa nước 2 vụ cùng hàng trăm con gà, vịt. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 150 triệu đồng/năm”-ông Mừng bộc bạch.

Ông Bùi Văn Dương-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết: “Tất cả người dân trong xã đều tham gia đón Tết Độc lập. Tuy nhiên, tổ chức to nhất vẫn là cộng đồng người Mường”. Còn ông Nguyễn Xuân Thường-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Prông thì cho hay: “Vào dịp lễ 2-9 hàng năm, cộng đồng người Mường ở xã Ia Lâu tổ chức ăn Tết Độc lập. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống được họ mang theo từ quê hương cũ”.

 

 HÀ PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm