Người phụ nữ bị ung thư hiến giác mạc, đem lại ánh sáng cho 2 chàng trai trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ bị sẹo giác mạc gần như không thể nhìn thấy gì vừa được Bệnh viện Nguyễn Trãi phối hợp Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM ghép giác mạc trả lại ánh sáng.

.

Bệnh nhân Phạm Văn Cường (33 tuổi, quê An Giang) kể về khoảng thời gian dài sống chung với một con mắt thiếu ánh sáng.


Bác sĩ Quách Thanh Hưng - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, cho biết hai bệnh nhân được hiến, ghép giác mạc gồm anh Lê Đình Kha (27 tuổi, quê Bạc Liêu) và anh Phạm Văn Cường (33 tuổi, quê An Giang). Cả hai đều có hoàn cảnh khó khăn và đã trải qua một khoảng thời gian rất dài sống chung với một con mắt thiếu ánh sáng.

Người hiến giác mạc cho hai bệnh nhân này là bà H.T.T (63 tuổi, ngụ Q.Tân Bình). Bà T. bị ung thư ngực vài năm nay, và đã đăng ký hiến ghép giác mạc tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy).

Ngày 19-10, bà qua đời và ngay sau đó nhân viên của Ngân hàng mắt (Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM) đến lấy giác mạc, bảo quản chờ ngày ghép cho các bệnh nhân.

Qua quá trình sàng lọc, hai bệnh nhân được thực hiện ghép giác mạc ngày 23-10. Sáng 26-10, sau 3 ngày ghép, cả hai được các bác sĩ gỡ băng mắt trong sự vui mừng của nhiều người.

Theo bác sĩ Hưng, đây là hai trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, con đường phía trước còn rất dài, việc được ghép giác mạc giúp họ có cơ hội trở lại cuộc sống đời thường.

 

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Trãi phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Trãi phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân.


Ông cũng cho biết nếu chương trình thiện nguyện này được nhân rộng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội.

"Nhân đây, tôi xin phép gửi lời cảm ơn bệnh nhân hi sinh hai giác mạc để bệnh viện có cơ hội ghép giác mạc mang lại ánh sáng cho người bệnh", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Anh Cường, một trong hai bệnh nhân được ghép giác mạc, chia sẻ từ lúc 4 tuổi, trong một lần theo gia đình làm đồng, anh bị hạt lúa bắn vào mắt phải và gần như không thể thấy gì kể từ đó.

"Gia đình em ở quê nghèo khổ lắm, không có đủ điều kiện và cũng không biết phải làm sao cả. Vậy mà em may mắn được bác sĩ phẫu thuật ghép giác mạc mang lại ánh sáng sau 29 năm, em vui dữ lắm", anh xúc động nói.

Còn với Kha, việc được ghép giác mạc lần này là một "niềm vui không gì bằng", bởi giúp cậu gạt bỏ được khó khăn trong việc đi đứng, sinh hoạt, lao động bấy lâu nay. "Em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới người đã cho em giác mạc", Kha bày tỏ.

 

Lượng người cần ghép giác mạc còn rất lớn

TS Trần Thành Long - chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, cho biết hơn 10 năm qua, hội đã tích cực hỗ trợ thực hiện mổ mắt (mổ đục tinh thể) miễn phí đem lại ánh sáng cho khoảng 600 bệnh nhân nghèo và 49 bệnh nhân ghép giác mạc.

Hiện nay, số lượng người đăng ký cần được ghép giác mạc là rất lớn, khoảng 2.000 trường hợp. Tuy nhiên mỗi năm số trường hợp được ghép còn rất hạn chế. Hai trường hợp nêu trên là ca thứ 48, 49 may mắn được hiến và ghép giác mạc hoàn toàn miễn phí.

Theo HOÀNG LỘC (TTO)

Có thể bạn quan tâm