Sống trẻ - Sống đẹp

Hiến tạng nhân đạo: Trao đi sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở Việt Nam, việc hiến tạng sau khi qua đời vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí chưa nhiều người nghĩ đến. Tại Gia Lai đã có người mong muốn hiến tạng với quan điểm “trao sự sống” đầy ý nghĩa nhưng vẫn băn khoăn về mặt thủ tục đăng ký.
Chị L.B.L. (đường Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) chia sẻ, chị muốn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời nhưng không biết đăng ký ở đâu, gồm có những thủ tục gì và nhờ chúng tôi giúp đỡ để chị có thể thực hiện được nguyện vọng này. Nói về lý do hiến tạng nhân đạo, chị L. cho hay: “Gần đây, tôi đọc trên mạng nhiều thông tin, câu chuyện cảm động về việc hiến tạng cứu người. Tôi suy nghĩ rất nhiều trước những thông tin đó và quyết định đăng ký hiến tạng. Tôi mong muốn bản thân mình sẽ làm được những việc ý nghĩa”.
 Thẻ đăng ký hiến tạng của chị Trương Thị Cẩm Thạch. Ảnh: M.C
Thẻ đăng ký hiến tạng của chị Trương Thị Cẩm Thạch. Ảnh: M.C
Trước nguyện vọng của cô gái trẻ, chúng tôi đã liên hệ với một số cơ sở có trách nhiệm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện nay tại Gia Lai chưa có địa chỉ nào tiếp nhận những trường hợp có mong muốn hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Bác sĩ Dương Thị Hoài Thanh-Trưởng khoa Ung bướu-Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, việc tiếp nhận những trường hợp có nguyện vọng hiến tạng liên quan đến nhiều vấn đề nên đến nay Bệnh viện chưa thể triển khai. Hiện những người có mong muốn hiến tạng nhân đạo chỉ có thể đăng ký tại Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) hoặc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bộ Y tế (Hà Nội).
Không chỉ có chị L.B.L, hiện nay, nhiều người có nguyện vọng được hiến tạng nhân đạo sau khi qua đời nhưng chưa nắm được quy trình, thủ tục đăng ký. Trước những băn khoăn này, chị Trương Thị Cẩm Thạch (đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), người đăng ký hiến tạng trước đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chị sẵn sàng hỗ trợ thông tin, tư vấn quy trình thủ tục cho những người có nguyện vọng cao đẹp trên. “Trước đây khi có ý định hiến tạng, tôi cũng đã lên mạng tìm hiểu thông tin rất kỹ, sau đó mới quyết định đăng ký tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi được bác sĩ tư vấn chu đáo, cặn kẽ, thủ tục cũng rất nhanh gọn”.
Sau khi được Bệnh viện Chợ Rẫy cấp “Thẻ đăng ký hiến tạng”, chị Cẩm Thạch đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân với những dòng chia sẻ chân thành: “Cỗ xe bỏ đi của bạn có thể đem lại sự sống cho một số sinh linh khác. Hãy quyết định khi bạn còn có thể. Cuộc sống đáng yêu hơn khi mỗi người biết chia sẻ yêu thương. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn ra sao, chỉ cần thân có tấm lòng hướng thiện đều có thể làm nên những điều tốt đẹp cho đời”. Dòng trạng thái của chị lập tức nhận được rất nhiều sự hưởng ứng tích cực của bạn bè, người thân. Chị chia sẻ: “Điều khiến tôi cảm động nhất là ngay sau đó đã có gần 20 người ở TP. Pleiku, các huyện Mang Yang, Đak Đoa liên lạc với tôi để được hướng dẫn làm thủ tục hiến tạng, đa số là các bạn trẻ. Điều đó cho thấy sự lan tỏa của hành động nhân đạo này, qua đó các bạn trẻ đã khẳng định một điều rằng: Tuổi trẻ ngày nay sống rất có trách nhiệm với cộng đồng, có hoài bão, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, tử tế”.
Chị Cẩm Thạch cho biết thêm, không chỉ bản thân chị mà em gái và chị gái của chị cũng đều là thành viên của ngân hàng mô, tạng cứu người. Còn chồng chị đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, hồ sơ để đăng ký. “Mọi người trong gia đình đi đến quyết định hiến tạng một cách rất nhẹ nhàng. Còn con gái tôi khi nhìn thấy tấm thẻ nhỏ của mẹ đã thốt lên: “Mẹ đúng là một siêu nhân. Khi nào đủ 18 tuổi con cũng sẽ làm như mẹ”-chị kể.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự thấu hiểu và chung quan điểm về việc hiến tạng. Chị Thạch cho biết: “Hiến tạng không phải như hiến máu, nó liên quan đến quan niệm, tâm linh của người Việt. Do đó, khi trở thành cầu nối giữa những người có nguyện vọng hiến tạng với Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi không chỉ tư vấn về mặt thủ tục mà còn về tâm lý để mọi người không phải lo lắng hay phân vân khi ký vào tờ giấy hiến tạng sau khi qua đời. Làm sao cho họ thật vững tin, để họ thấy rằng việc làm của mình có ý nghĩa to lớn. Người ta thường có câu cửa miệng “chết là hết”, nhưng nếu bạn hiến tạng sau khi qua đời, bạn đã trao sự sống cho người khác. Đó là điều vô cùng nhân văn, ý nghĩa”.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm