Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người Tây Nguyên giã gạo chày đôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày trước, người Tây Nguyên làm ra hạt gạo rất lạ.
Cây lúa rẫy dài ngày, có chu kỳ phát triển như các loài cỏ dại. Nghĩa là bắt đầu mùa mưa thì mọc, đến cuối mùa mưa thì già. Quá trình canh tác không cày xới, không gánh gồng, mọi công việc đều dùng rìu và lửa, vận chuyển thì bằng gùi mang trên lưng. Nương rẫy không bao giờ bón phân vì sợ ô uế đất, Yàng lúa bỏ đi. Đất rừng mới khai hoang luôn màu mỡ, khi lúa không tốt nữa thì chuyển sang khu đất khác.
Hết mùa mưa, cả bông lúa chín khô. Người Tây Nguyên tuốt lúa bằng tay, không có công đoạn gặt, đập hoặc trục lúa, phơi lúa khó nhọc như những cư dân làm lúa nước. Họ quan niệm gặt thì đau cây lúa, Yàng lúa bỏ đi gây mất mùa về sau. Lúa rẫy tuốt về thì đổ luôn vào kho giữa rừng. Trong năm, gùi dần lúa về nhà giã lấy gạo mà ăn. Việc giã gạo hầu như là công việc thường xuyên quanh năm.
Để làm ra hạt gạo, người Tây Nguyên dùng cối giã. Cối giã gạo được làm từ một khúc gỗ lớn cỡ người ôm, khoét thành bộng sâu. Cối của người Jrai trên miệng to loe ra, dưới đáy thắt nhỏ chụm. Ngược lại, cối của người Bahnar phần đáy thường nở rộng, phần miệng thu nhỏ dần. Cái chày thường được làm bằng gỗ kơ nia để đảm bảo độ cứng, thớ gỗ mịn chắc không tách, không vỡ, không xơ. Đó là khúc cây kơ nia thẳng đuột có đoạn giữa tầm vừa hai bàn tay nắm chặt, một đầu gốc to hơn, đầu ngọn nhỏ dần tóp lại. Là kiểu chày bất đối xứng. Chiều dài chày giã gạo cao vừa tầm người. Chày sau khi chặt đẽo còn tươi thì ngâm bùn non một thời gian cho thâm đen, vớt lên rửa sạch, dựng bên bếp hoặc gác dưới sàn nhà cho khô, tránh phơi nắng trực tiếp. Chày giã gạo của người Tây Nguyên để luôn cả đoạn cây mang tính tự nhiên, phần giữa không đẽo eo như người Kinh. Giã một thời gian, chày trở nên đen bóng. Vì không có cối xay, không có công đoạn xay lúa nên khi giã gạo, người Tây Nguyên cho luôn hạt lúa vào cối, dùng đầu chày nhỏ giã cho bong vỏ trấu, sau đó trở đầu to để giã bong cám sạch gạo.
Phụ nữ Bahnar giã gạo chày đôi. Ảnh: H.T
Phụ nữ Bahnar giã gạo chày đôi. Ảnh: H.T
Thường thì phụ nữ Tây Nguyên giã gạo chày đôi đổi công vào ban đêm hoặc các buổi sáng tinh mơ ngay trên đám hồi nhà sàn. Các cô gái sẽ cặp đôi xoay vòng giã gạo giữa các gia đình thân cận cũng là chu kỳ cung ứng cái ăn cho từng căn bếp. Chính cái lối giã gạo chày đôi ấy đã tạo ra những nhịp điệu âm thanh theo những đôi tay vung lên hạ xuống nhịp nhàng. Giã chày đôi, hai người phải giữ đúng nhịp nhún người lên xuống kết hợp với đôi tay uyển chuyển nâng lên hạ xuống, tránh đụng nhau. Đó là một kỹ năng, tạo ra sự khớp nhau giữa những cặp đôi giã gạo, như cặp khiêu vũ.
Cách giã cả hạt lúa như vậy, trấu sẽ bong, gạo sẽ trắng. Người Tây Nguyên không dùng dần sàng sảy mà làm gạo bằng cái nia hình lá đề, một đầu to tròn và đầu kia thuôn nhỏ nhọn dần. Đầu to tròn áp sát người, đầu nhỏ nhọn đưa ra ngoài xa.
Bây giờ, máy xát đã vào đến tận làng vùng sâu, việc giã gạo chày đôi cũng biến mất. Có thời kỳ, mỗi vùng người Tây Nguyên thường có hộ người Kinh làm máy xát lưu động. Các gia đình trong làng khi hết gạo, chỉ cần bấm một cuộc gọi điện thoại, xe kéo máy xát sẽ đến xay gạo ngay tại nhà trong phút chốc. Nếu gia đình không nuôi heo gà, không cần cám thì coi như được phục vụ xay xát không trả phí. Hộ xay gạo yêu cầu lấy lại cám thì phải nộp lại một ca gạo cho mỗi gùi lớn lúa đem xay.
Bây giờ, phương tiện đi lại đã thuận tiện, dịch vụ xay xát đã hiện đại, hầu hết các làng đều ăn gạo máy do các cụm xay xát trong vùng làm dịch vụ chuyên nghiệp, chẳng mấy nhà còn phải giã gạo chày tay. Phụ nữ Tây Nguyên được giải phóng khỏi một công việc cực nhọc. Tuy vậy, những cô gái cũng mất đi cơ hội đổi công, giao lưu giã gạo chày đôi. Làng mất đi những âm thanh rộn ràng gắn với những căn nhà sàn như những bản nhạc ấm no vang ngân đêm đêm giữa núi rừng thăm thẳm. 
PHẠM ĐỨC LONG
 

Có thể bạn quan tâm