Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Người thay đổi đời tôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối tượng lớn của sáng tạo văn học nghệ thuật. Số lượng tác phẩm viết về Người vô cùng đồ sộ. Riêng ở mảng thơ, ngoài Tố Hữu-lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, đông đảo người đọc còn mãi rung động với các tác phẩm “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của Việt Phương, “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi” của Hải Như, “Vào Lăng viếng Bác” của Viễn Phương, “Gửi lòng con đến cùng Cha” của Thu Bồn… Chế Lan Viên là một trong số đó với 2 bài thơ nổi bật “Người đi tìm hình của nước” và “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”.

 Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội. Ảnh: Internet
Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội. Ảnh: Internet

Một trong những đặc điểm về phong cách nghệ thuật của tác giả “Ánh sáng và phù sa” là giọng điệu trữ tình-triết luận. Chế Lan Viên có tài diễn đạt những sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc, những bước ngoặt quan trọng của đời người bằng thơ. “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi” là một trong những trường hợp ấy.

Bài thơ gồm 14 khổ. Trong đó, 10 khổ đầu là sự hiện diện của hình tượng Bác và sự tự kiểm của cái “tôi”, “ta”. 4 khổ cuối là sự chan hòa giữa nhân dân, lãnh tụ và nhà thơ.

Các khổ thơ đầu mang đến cho người đọc khung cảnh thời cuộc những năm cuối thập niên 30-đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, cách mạng đang gặp khó khăn: “Trong xà lim anh Hoàng Văn Thụ đang nằm… anh Trần Đăng Ninh bị cùm tay mỗi tối”. Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã trở về. Hình ảnh “Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa/Lòng son ngời như buổi mới ra đi” tạo nên chân dung đẹp của lãnh tụ cả về ngoại hình và tầm vóc tâm hồn, về ý chí quyết tâm cứu giống nòi không lay chuyển. Tác giả gọi Bác là “Người đánh thức hồn dân tộc”, “Người đánh thức tương lai” đất nước với những dự báo thay đổi lớn lao, trọng đại.

Còn cái “tôi”, “ta” thì sao? Những câu thơ như bản tự kiểm điểm thành khẩn của riêng, của tầng lớp mình buổi ấy. Những từ ngữ “không hay”, “không biết”, “chẳng biết”, “có hay đâu”, “vẫn không hay”, “chưa có gì dính líu”, “vẫn còn mê”… chứng tỏ thái độ của người ngoài cuộc với số mệnh nhân dân, đất nước. Đó là thực tế của một bộ phận văn nghệ sĩ chưa có phương hướng, co mình trong cái tôi cá nhân và những thỏa mãn vật chất nhỏ hẹp đáng thương. Lương thiện lắm thì làm “con nai vàng ngơ ngác”. Mạnh mẽ bất mãn hơn một tí thì cũng chỉ ngụ ngôn “làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo, làm bóng ma hời sờ soạng đêm mơ”. Và như tác giả thừa nhận:  Một chút tài năng thiên phú cũng chỉ để “Khép phòng văn hì hục viết… Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Nhưng trong sâu xa, cái “tôi”, “ta” vẫn lấp lánh thiên lương nên đã vỡ òa háo hức reo vui khi có ngọn cờ: “Một buổi sáng nhìn lòng ta, ta thấy Bác”. Lòng biết ơn ở đây thật là vô hạn, như lại được tái sinh lần nữa trong đời: “Nước mắt ràn ta cảm hết ơn sâu”.

4 khổ thơ cuối, cái “tôi” đã biến mất, chỉ còn “ta” bởi “Người đã thay đổi đời tôi”, “máu mình” đã “cuộn máu nhân dân”. Thơ ca cũng vậy. “Nước mắt “ đã được thay bằng “chất thép”-vũ khí lợi hại ở tuyến đầu chống giặc. Được ánh sáng lãnh tụ sáng soi, cuộc đời “ta” đã sang trang mới. Nhà thơ đã dẹp hết “riêng tây” để hòa mình vào cuộc sống, cuộc đấu tranh của nhân dân, không sợ hy sinh gian khổ, chia bùi sẻ ngọt với nhân dân trong công cuộc ấy. Cuộc sống còn gian lao vất vả nhưng giản dị và tươi đẹp nhường bao bởi nó thấm đẫm tình người, tình giai cấp: “Nhìn đời mỗi lá mỗi tươi non”, “Đời tươi mát như ao sen mùa hạ”.

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh: Trong những bão táp của cách mạng, trước những bước ngoặt quyết định số phận quốc gia, người trí thức, nghệ sĩ chỉ có ích khi đứng về phía nhân dân, đi cùng với nhân dân. Từ buổi “Trong đời ta Bác đã đến rồi”, thơ Chế Lan Viên đã “Thành hầm chông giết giặc” và “Một nhành hoa mát mắt cho đời”.

 Chử Anh Đào

Có thể bạn quan tâm