Sinh ra và lớn lên tại vùng quê quan họ Bắc Ninh, sau 1 năm nhập ngũ, năm 2004, Nguyễn Đạt Dưỡng được cử đi học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng. 2 năm sau, anh tốt nghiệp và được phân công về Đại đội Gia công cơ khí (Tiểu đoàn 30) cho đến nay.
Thượng úy Nguyễn Đạt Dưỡng (bìa phải) hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng thiết bị cán, gập định hình ống xả xe ô tô. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 30 là bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đoàn 3 và các đơn vị khác đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên. Bên cạnh đó, đơn vị còn đảm bảo kỹ thuật cho các cuộc diễn tập cấp chiến lược và cứu hộ, cứu nạn của Quân đoàn. Do thời gian sử dụng lâu, địa hình, thời tiết phức tạp nên nhiều vũ khí trang bị nhanh xuống cấp, đòi hỏi quá trình sửa chữa phải mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí.
Xuất phát từ đặc điểm đó, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đạt Dưỡng đã tìm tòi, nghiên cứu cho ra đời nhiều sáng kiến khi áp dụng vào thực tế không chỉ giúp quá trình sửa chữa nhanh hơn, hạn chế chi phí mà còn giảm nhân công, đảm bảo tốt tính năng, tác dụng của các loại vũ khí trang bị.
Thượng úy Dưỡng cho biết: Qua thời gian sử dụng, ống xả của ô tô bị cong, vênh. Người thợ phải dùng nhiệt để chỉnh lại ống xả như ban đầu. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này, người thợ phải mất nhiều thời gian, quá trình dùng nhiệt sẽ ảnh hưởng đến kết cấu cũng như độ bền của vật liệu. Xuất phát từ đặc điểm này, năm 2022, tôi đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Thiết bị cán, gập định hình ống xả xe ô tô”.
Thiết bị cấu tạo gồm các bộ phận: giá đỡ, kích thủy lực, trục kẹp, trục trơn cố định, lò xo hồi vị. Nếu ống xả bị cong vênh, người thợ chỉ cần đưa vào thiết bị, các răng cưa sẽ kẹp chặt, dùng kích thủy lực và trục trơn cố định di chuyển vào vị trí cần điều chỉnh và tiến hành nắn ống xả theo ý muốn.
Ưu điểm của thiết bị này khi tạo hình không dùng nhiệt nên đảm bảo được độ bền, đồng thời tránh tình trạng các vết nối, hàn có thể bị rò rỉ và hở. Với ưu điểm đó, sáng kiến đã được nhiều đơn vị trong Quân đoàn áp dụng vào thực tế.
Trước đó, năm 2021, Thượng úy Dưỡng cho ra đời sáng kiến “Giá nâng, hạ đa năng”. Đặc thù của Đại đội Gia công cơ khí là thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật nên cần di chuyển nhiều trang-thiết bị nặng như máy móc, thùng sơn, bình oxy.
Trước đây, khi muốn di chuyển các thiết bị này, 4 người thợ phải cùng hợp sức để nâng. Nhưng khi sử dụng “Giá nâng, hạ đa năng” thì chỉ cần 1 người là có thể thực hiện các thao tác. Thiết bị này cấu tạo gồm: Mô tơ chuyển động, cáp móc, cẩu, bình ắc quy, bộ vi điều khiển từ xa, bàn đế và 4 bánh di chuyển. Người điều khiển chỉ cần sử dụng các hệ thống nâng thủy lực đưa thiết bị lên giá nâng và bấm các nút điều khiển để cố định là có thể di chuyển được các vật nặng, đảm bảo an toàn.
Đánh giá về thiết bị này, Thiếu tá Phạm Văn Hùng-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 30-cho biết: Đây là một thiết bị áp dụng vào thực tế rất hiệu quả. Trong quá trình sửa chữa, anh em thợ phải di chuyển các thiết bị nặng từ phân xưởng này đến phân xưởng khác, mất nhiều công sức và dễ mất an toàn. Thiết bị này áp dụng đảm bảo nâng các vật nặng, đặc biệt là bình oxy, thùng sơn, xăng di chuyển đến nơi khác hoặc niêm cất trong kho đảm bảo an toàn, phòng tránh cháy nổ.
Gần 20 năm tuổi quân, Thượng úy Nguyễn Đạt Dưỡng có 7 sáng kiến được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Trung tá Nguyễn Văn Vịnh-Chính trị viên Tiểu đoàn 30-nhận xét: “Không chỉ là người thợ giỏi mà Thượng úy Nguyễn Đạt Dưỡng còn có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế của đơn vị. Những sáng kiến đó giúp công tác sửa chữa, đảm bảo kỹ thuật của đơn vị được tốt hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao”.