Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Người trao truyền nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro, Gia Lai), bà Đinh Thị Drinh (52 tuổi) luôn được dân làng quý trọng. Bởi lẽ, ngoài tài dệt thổ cẩm, bà còn là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ để tiếng khung cửi trong mỗi nếp nhà vang mãi. 
Trong ngôi nhà sàn nhỏ xinh nép mình sau những mái nhà xây kiên cố, tiếng khung dệt vẫn vang lên nhịp nhàng, đều đặn mỗi ngày. Bên khung cửi, đôi bàn tay khéo léo của bà Đinh Thị Drinh đang thoăn thoắt dệt lên từng hoa văn trên tấm vải. Đối với bà Drinh, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê.
Bà Drinh kể, từ khi mới lên 5, bà đã được mẹ chỉ cho cách lấy bông làm sợi vải dệt. 13 tuổi, bà bắt đầu ngồi bên khung cửi và thỏa sức thể hiện sự sáng tạo qua từng đường nét, sắc màu thổ cẩm. Càng trưởng thành thì sự giỏi giang cùng kinh nghiệm dệt thổ cẩm của bà càng được bồi đắp. Những sản phẩm thổ cẩm như: áo, váy, khăn… đều được bà dệt một cách tỉ mẩn, khéo léo. 
“Từ nhỏ, mình đã chú ý học cách dệt các hoa văn độc đáo từ các cô, các chị trong làng. Sau thời gian đi rẫy, cứ rảnh là mình lại cần mẫn bên khung cửi. Sản phẩm mình làm ra chủ yếu từ sợi tự nhiên truyền thống, mỗi bộ đồ có giá khoảng 3 triệu đồng. Vì làm từ sợi tự nhiên nên vải tuy dày nhưng mát và thoáng khí. Còn bộ đồ dệt từ sợi công nghiệp thì rẻ hơn 1 triệu đồng. Mỗi năm, mình cũng bán được khoảng 10 bộ đồ thổ cẩm gồm: quần áo, váy, túi xách…”-bà Drinh chia sẻ.
Bà Đinh Thị Drinh truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Ngọc Thu
Bà Đinh Thị Drinh truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Ngọc Thu
Những sản phẩm thổ cẩm không chỉ là thước đo sự khéo léo của người phụ nữ mà còn tạo thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, trước nhịp sống hiện đại thì nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một, thị trường tiêu thụ hạn chế. Vì thế, để duy trì nghề dệt thổ cẩm, bà Drinh phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề truyền thống cho lớp trẻ. Từ năm 2005 đến nay, bà Drinh đã truyền dạy nghề cho hơn 500 học viên. Bên cạnh đó, nhằm giảm chi phí cho sản phẩm, bà trồng bông lấy sợi và các loại cây lấy rễ, hoa làm phẩm màu nhuộm.
Chị Đinh Thị Hếp (làng Broch Siêu, xã An Trung) nhận xét: “Bà Drinh đã truyền nghề và khơi dậy niềm yêu thích các hoa văn thổ cẩm, nét đẹp truyền thống của dân tộc cho lớp trẻ như mình. Cùng với đó, mình được khuyến khích phát huy tài năng bằng cách tham gia tổ dệt thổ cẩm truyền thống, các hoạt động do địa phương tổ chức như: hội thao, hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số. Với nghề dệt trong tay, mình sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để có những sản phẩm đẹp phục vụ cho mình và người thân”.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro-cho biết: Nghệ nhân Đinh Thị Drinh là người rất tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Đến nay, bà Drinh đã làm nhiều sản phẩm để bán ra thị trường, cung cấp cho các trường dân tộc nội trú, giúp tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014, sản phẩm áo và váy của bà được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện UBND huyện đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm để các nghệ nhân sống được với nghề và giữ nghề truyền thống. Đồng thời, huyện sẽ hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân theo từng tháng.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm