Sống trẻ - Sống đẹp

Người trẻ bám biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp bước tiền nhân, những ngư dân trẻ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hôm nay ra khơi vừa mưu sinh vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.

Hậu duệ của đội hùng binh

Câu chuyện bi hùng về lòng quả cảm, sự hy sinh của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa khi vâng mệnh triều đình giong buồm đi mở cõi nơi Hoàng Sa, Trường Sa luôn thấm đẫm trong tim những ngư dân trẻ Lý Sơn. Chính vì thế, dẫu phải đương đầu với giông bão, hiểm nguy, hậu duệ của đội hùng binh vẫn ngày đêm kiên cường bám biển.

 

Ngư dân trẻ Lý Sơn chia sẻ kinh nghiệm trong công việc.
Ngư dân trẻ Lý Sơn chia sẻ kinh nghiệm trong công việc.

Sinh ra từ biển, lớn lên từ biển, biển để lại trong ký ức ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (30 tuổi) đầy ắp kỷ niệm. Ra khơi bám biển, đương đầu với nhiều cơn bão cùng với cha anh từ năm 13 tuổi, đến giờ Phải đã hun đúc, tôi luyện thành một ngư dân, một thuyền trưởng đầy bản lĩnh.

Cách đây gần 5 năm, trong lúc đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 96382 TS của anh Phải bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắn cháy cabin. Khi đó tính mạng bị đe dọa nhưng anh cùng các bạn chài vẫn kiên cường cứu tàu, giữ cờ Tổ quốc. Sau hành động dũng cảm này, ngư dân Bùi Văn Phải đã được T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Ở đảo Lý Sơn còn rất nhiều ngư dân trẻ mang trong mình niềm tự hào là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa. Vì thế, mỗi khi đưa tàu ra khơi xa, họ như những hiệp sĩ sống vì biển, chết vì biển, chẳng ngại sóng to, gió lớn. Điển hình như thợ lặn Bùi Văn Chung (32 tuổi), dù bị mù một mắt, cụt một tay sau tai nạn trên biển nhưng suốt nhiều năm qua anh vẫn cùng bạn chài ngày đêm can trường bám biển Hoàng Sa mưu sinh. Đối với những ngư dân bình thường, việc lặn sâu 50 - 60 m săn tìm hải sản dưới lòng đại dương không phải ai cũng làm được. Song anh Chung vẫn kiên cường bám lòng biển sâu khiến các thợ lặn trên đảo đều khâm phục. Ý chí vượt qua nghịch cảnh và tính cần mẫn trong công việc đã khẳng định Chung “tàn nhưng không phế”.

Anh Chung quả quyết: “Đưa tàu ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh là mệnh lệnh từ trái tim trong mỗi ngư dân Lý Sơn. Nơi ấy là đất đai của tổ tiên để lại nên thế hệ ngư dân trẻ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn”.

Đoàn kết giữ biển

Anh Phạm Văn Vương, Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, cho biết trên huyện có hơn 500 tàu cá với khoảng 3.000 ngư dân trực tiếp lao động trên biển, trong đó phần lớn là ngư dân trẻ.

Theo anh Vương, huyện thành lập câu lạc bộ ngư dân trẻ nhằm tập hợp đoàn viên thanh niên làm nghề biển cùng nhau đoàn kết, tương trợ khi đánh bắt hải sản; cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sống; và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền… Điều này đã giúp những ngư dân trẻ đất đảo nâng cao ý thức trong việc bám biển và giữ biển, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Ngư dân Huỳnh Văn Cường (31 tuổi), chủ tàu cá QNg 96472 TS, bày tỏ: “Trước đại dương mênh mông trùng trùng sóng gió, mỗi tàu cá như một cánh én nhỏ nhoi. Do vậy, sức mạnh được nhân lên bội phần khi các tàu cá của ngư dân trẻ ở Lý Sơn liên kết thành một khối thống nhất, cùng nhau bám biển, canh giữ phên giậu của Tổ quốc”.

Hiển Cừ/thanhnien

Có thể bạn quan tâm