Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Người trẻ điềm tĩnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không phải ai cũng thích sự sôi nổi, nhưng tôi tin rằng bất kỳ ai cũng cảm thấy thật dễ chịu khi tiếp xúc với một con người điềm tĩnh. Người trẻ lại càng phải tập cho mình thói quen điềm tĩnh, càng điềm tĩnh càng ít vấp ngã.
Không thể phủ nhận rằng tính cách sôi nổi luôn là điểm cộng cho một bạn trẻ trong giao tiếp. Nhưng tôi lại đặc biệt chú ý tới những bạn trẻ điềm tĩnh vì họ luôn có một sức lôi cuốn vô hình nào đó. Tất nhiên, không ai có thể điềm tĩnh trong mọi tình huống của cuộc sống. Tôi cũng biết phong thái điềm nhiên và bình tĩnh này thường chỉ thấy ở một số người có độ chín chắn nhất định trong độ tuổi và sự trải nghiệm. Vậy, liệu người trẻ có cần phải điềm tĩnh hay không?
Thú thật, tôi vẫn nghĩ: Điềm tĩnh là một thái độ sống đầy tích cực. Người điềm tĩnh đa phần có trí tuệ và bản lĩnh. Họ ung dung đối mặt với những trở ngại của cuộc sống và quan trọng nhất là luôn bình tĩnh, tự tin trước những tình huống bất ngờ xảy đến trái ý mình. Họ coi nhẹ những được-mất trong đời, luôn tỉnh táo để phân định phải-trái, đúng-sai nên ít khi vội vàng quy chụp, phán xét hay “tấn công” ai đó một cách có chủ ý.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: Internet

Trên thực tế, do nhiều yếu tố tác động mà một số bạn trẻ bây giờ tỏ ra thiếu điềm tĩnh. Chưa kể, với tâm thế luôn so đo, hơn thua, đôi khi chỉ vì bất mãn với một số điều nho nhỏ mà người trẻ không tiết chế và kiểm soát được cảm xúc của mình, dẫn đến cẩu thả trong cách ứng xử và làm mất đi cốt cách thanh nhã, nếu như không muốn nói là tự làm xấu hình ảnh của bản thân. Thậm chí, sự xốc nổi của tuổi trẻ có thế dẫn đến hậu quả khôn lường.

Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên của anh thanh niên Dế Mèn trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, chỉ vì một phút nông nổi, bày trò trêu chọc chị Cốc mà dẫn đến cái chết thảm thương cho chàng Dế Choắt ốm yếu, tội nghiệp. Dế Mèn sau đó phải ân hận cả cuộc đời vì sự dại dột, ngông cuồng của mình.

Cũng nói về hậu quả của những hành động thiếu suy nghĩ, có một câu châm ngôn rằng: “Mặc dù bọn trẻ ném đá vào lũ ếch là để đùa vui, nhưng lũ ếch không chết đùa mà chết thật”. Thiết nghĩ, nếu bạn trẻ nào cũng điềm tĩnh, cũng suy nghĩ thật kỹ trước khi nói và hành động thì liệu có xảy ra cơ sự tương tự như thế này không?

Cuộc sống muôn hình vạn trạng khiến cho việc giữ một thái độ sống điềm tĩnh là rất khó. Khó chứ không phải là không thể. Không phải ai cũng thích sự sôi nổi, nhưng tôi tin rằng bất kỳ ai cũng cảm thấy thật dễ chịu khi tiếp xúc với một con người điềm tĩnh. Người trẻ lại càng phải tập cho mình thói quen điềm tĩnh, càng điềm tĩnh càng ít vấp ngã. Họ phải biết lúc nào cần tiến tới, cần dừng lại hay lúc nào cần chậm rãi.
Khi hiểu được bản chất của vấn đề, chúng ta mới có thể nhìn người, nhìn việc một cách khách quan nhất, thấu suốt nhất và xử lý vấn đề một cách phù hợp, đúng đắn nhất. Thái độ sống tích cực này cũng giúp các bạn trẻ giảm bớt số lần phải hối hận, day dứt khi biết mình có lỗi.
Ai cũng muốn khẳng định bản thân mình. Tuổi trẻ càng khao khát được khẳng định. Nhưng tôi cho rằng, không gì tuyệt hơn là chứng tỏ tất cả giá trị tốt đẹp của mình bằng sự điềm tĩnh và khiêm nhường trong đối nhân xử thế. Và điềm tĩnh cũng là một cách tự trau mình.
LỮ HỒNG 

Có thể bạn quan tâm