Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Người trẻ Gia Lai khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, nhiều người trẻ chọn lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khởi nghiệp, mang đến “làn gió mới” cho nông nghiệp Gia Lai. Để “tiếp lửa” cho họ trên hành trình đầy đam mê và thử thách này, chính quyền, ngành chức năng, các đoàn thể địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.

Khát vọng khởi nghiệp

Từng là cô giáo dạy văn tại một trường THPT ở tỉnh Đồng Nai, năm 2013, chị Nguyễn Thị Hà quyết định theo chồng lên xã Ia Vê (huyện Chư Prông) lập nghiệp. Vợ chồng chị trồng cây ăn quả, chủ yếu là mãng cầu xiêm trên diện tích 1,5 ha. Thời điểm này, người dân Ia Vê trồng xen mãng cầu xiêm trong vườn rất nhiều nên sản lượng khá lớn. Tới vụ thu hoạch rộ, giá cả thường xuống thấp, có người không bán được phải xắt lát phơi khô để nấu nước uống. Sau khi tìm hiểu, biết quả mãng cầu có tác dụng ngăn ngừa ung thư, ổn định huyết áp, ngừa bệnh tim mạch, chị Hà lóe lên ý định tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để chế biến trà, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. “May mắn là năm 2017, tôi được tham gia Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Từ đây, tôi có thêm kiến thức cũng như hướng đi cho kế hoạch của mình. Khởi nghiệp từ con số không chính là cơ hội để tôi thử thách và khám phá khả năng của bản thân”-chị Hà chia sẻ.

Sản phẩm của chị Hà được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.Ảnh Trần Dung
Sản phẩm của chị Nguyễn Thị Hà (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Ảnh Trần Dung


Được sự dìu dắt của các thành viên CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai, năm 2019, chị Hà mở cơ sở chế biến mắc ca sấy và trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát. Chị đầu tư máy sấy cùng các thiết bị phục vụ việc chế biến trà mãng cầu xiêm, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Hiện sản phẩm trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát tiêu thụ hơn 2 tấn/năm, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với giá bán 200-300 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. “Ngoài sấy trà từ quả, tôi đang nghiên cứu chế biến trà từ hoa và lá mãng cầu để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm. Cùng với đó, tận dụng vùng nguyên liệu mắc ca rộng lớn ở địa phương, tôi tiếp tục xây dựng thương hiệu mắc ca sấy. Sau nhiều năm theo đuổi niềm đam mê khởi nghiệp, trà mãng cầu xiêm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022”-chị Hà phấn khởi cho biết.

Cũng có niềm đam mê với nông nghiệp sạch, chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã bắt tay khởi nghiệp từ vườn cà chua và dưa leo trồng theo hướng bán thủy canh. Khát vọng khởi nghiệp của chị đã được CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai và tổ chức Đoàn “tiếp sức” ngay từ những ngày đầu. Sau khi tham gia các lớp tập huấn và tham quan nhiều mô hình nông nghiệp sạch do CLB và Tỉnh Đoàn tổ chức, chị Mơ mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà màng rộng hơn 1.200 m2 để trồng cà chua và dưa leo. Chị cho hay: “Hệ thống nhà màng khép kín giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và côn trùng gây hại cây trồng. Trong nhà màng, tôi trồng cà chua cherry đỏ và vàng, dưa leo Aiko của Nhật Bản. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, cây trồng phát triển nhanh và cho thu hoạch sau 85-90 ngày xuống giống. Trung bình mỗi tháng, mô hình đem lại cho gia đình tôi nguồn thu hơn 30 triệu đồng”.

Những ngày đầu, thách thức đối với chị Mơ chính là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để tiêu thụ, chị giới thiệu sản phẩm theo hình thức online, đưa sản phẩm vào cửa hàng thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, chị tạo điều kiện để khách hàng đến tham quan trải nghiệm tại nhà vườn. Tại đây, khách có thể tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân để cho ra những sản phẩm chất lượng. Song song với đó, chị Mơ sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn cho khách về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

 Năm 2019, chị Phạm Thị Mơ (thứ 2 từ trái sang, tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng cà chua và dưa leo theo hướng bán thủy canh. Ảnh: Trần Dung
Năm 2019, chị Phạm Thị Mơ (thứ 2 từ trái sang, tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) khởi nghiệp với mô hình trồng cà chua và dưa leo theo hướng bán thủy canh. Ảnh: Trần Dung



Theo anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Phần lớn những người trẻ “bén duyên” với nông nghiệp công nghệ cao đều gặp phải những khó khăn nhất định về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương và các đoàn thể, hầu hết các bạn đều thành công. Với sự nỗ lực của mình, vừa qua, chị Phạm Thị Mơ vinh dự là 1 trong 3 đại biểu tiêu biểu của tỉnh tham gia Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022”.

“Tiếp lửa” cho người trẻ hiện thực hóa khát vọng

Anh Nguyễn Văn Hân (làng Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) là một trong những người trẻ được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) hỗ trợ xây dựng thương hiệu cà phê Nguyễn Hân farm. Đây là 1 trong 5 sản phẩm của huyện Đức Cơ đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Hân chia sẻ: “Tôi bị hấp dẫn bởi những nông trại cà phê với mô hình sản xuất khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến chế biến. Ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã bán chiếc ô tô đang chạy dịch vụ của mình được vài trăm triệu đồng để làm vốn đi học cách trồng và chế biến cà phê. Tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như Sở KH-CN để sản phẩm cà phê Nguyễn Hân có thể tiếp cận được với rộng rãi người tiêu dùng, mở rộng thị trường”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong lực lượng thanh niên. Cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của chủ thể, Sở KH-CN đã có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; triển khai phong trào “Sáng tạo trẻ”. Sở đã hỗ trợ, đề xuất để các cá nhân tham gia khóa đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đưa dự án khởi nghiệp tham gia các cuộc thi. Đồng thời, Sở KH-CN cũng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị xây dựng và vận hành Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai.

Anh Luân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại thu nhập cao. Ảnh: Trần Dung
Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng hoa cúc Đà Lạt và đem lại thu nhập cao. Ảnh: Trần Dung



Hầu hết địa phương trong tỉnh cũng đang rất quan tâm phát triển các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Mục tiêu của huyện đến năm 2025 là có 20% diện tích cây trồng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, việc mô hình trồng hoa cúc lưới trong nhà màng của anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp) thành công đã trở thành tín hiệu khả quan cho địa phương. Anh Luân là người tiên phong đưa cây hoa cúc Đà Lạt về trồng thử nghiệm ở huyện Chư Sê từ năm 2019. Hiện nay, mô hình trồng hoa trong nhà màng mang lại lợi nhuận 300-400 triệu đồng/sào/năm. Anh Luân cho biết: “Ngoài trồng 2 sào hoa cúc trong nhà màng, tôi còn trồng thêm ở ngoài trời khoảng 9 sào để đáp ứng nhu cầu rất cao của khách hàng các địa phương lân cận. Tôi dự định đầu tư làm nhà màng trên toàn bộ 1,1 ha đất của gia đình để vừa trồng hoa, vừa ươm giống”.

Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tự nguyện trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Đây là nơi “chắp cánh” cho nhiều bạn trẻ đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch. Đến nay, CLB đã có gần 4.000 thành viên tương tác qua kênh online, hơn 100 thành viên hoạt động thường xuyên. Hầu hết thành viên đều được hỗ trợ thủ tục đăng ký chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, kết nối để tìm đầu ra. Bên cạnh đó, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ thành viên nâng cao năng lực quản lý và cạnh tranh, đáp ứng xu hướng kinh tế thời hội nhập. Anh Nguyễn Tấn Công-Phó Chủ nhiệm CLB-cho biết: Đến nay, CLB đã tổ chức thành công các chương trình kết nối giao thương, hợp tác cung cầu, đưa sản phẩm tiêu biểu kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, CLB đã tổ chức các chương trình tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các chương trình trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm…

Ông Nguyễn Văn Hân-chủ cơ sở cà phê Nguyễn Hân farm (thôn Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Văn Hân-chủ cơ sở cà phê Nguyễn Hân farm (thôn Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) bên sản phẩm của mình đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Trần Dung


Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, Tỉnh Đoàn cũng đã triển khai phong trào “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Giai đoạn 2017-2022, Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức 5 cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” với 153 dự án tham gia. Đồng thời, hỗ trợ các dự án, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp xuất sắc có khả năng ứng dụng vào thực tế; ra mắt cửa hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và nông dân tiêu biểu Gia Lai; phối hợp với tổ chức diễn đàn khởi nghiệp; quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Đức Thanh thông tin: “Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch là vấn đề được Tỉnh Đoàn hết sức quan tâm. Thời gian tới, để giúp các bạn trẻ định hình tốt hơn, cụ thể hơn về khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm”.

 

 TRẦN DUNG

 

Có thể bạn quan tâm