(GLO)- Năm 1974, đoàn các nhà khoa học thuộc ngành địa chất, khảo cổ và sinh vật học đã có mặt tại Mặt trận B3 với nhiệm vụ khảo sát về tin đồn “người rừng” ở Tây Nguyên. Là một thành viên trong đoàn, nhà khoa học trẻ Nguyễn Khắc Sử không ngờ rằng, đây sẽ là vùng đất làm thay đổi lịch sử khảo cổ học Việt Nam, đồng thời ghi đậm dấu ấn cá nhân ông trong ngành khoa học này với những phát hiện cực kỳ giá trị trong lĩnh vực khảo cổ.
Theo dấu khảo cổ
PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử. Ảnh: H.N |
Đi đôi với hoạt động khai quật, PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử và các đồng nghiệp đã công bố hàng chục bài báo trong nước và quốc tế về khảo cổ học An Khê, góp phần quảng bá lịch sử văn hóa Gia Lai ra bạn bè ngoài nước. Ông cũng đưa tư liệu Đá cũ An Khê vào tập 1 (thời nguyên thủy) do ông chủ biên của bộ sách 25 tập “Lịch sử Việt Nam”; tích cực giúp tỉnh Gia Lai xây dựng hồ sơ để di tích sớm được công nhận và có chiến lược bảo vệ. Ông chia sẻ: “Tôi vừa xây dựng xong hồ sơ xin xếp hạng quốc gia cho quần thể các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê với mong muốn di tích được bảo vệ về mặt pháp lý, đồng thời tạo điều kiện cho địa phương phát triển du lịch văn hóa. Người dân sở tại sẽ được hưởng lợi từ di sản mà tổ tiên trao gửi, đồng thời để họ được tham gia bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị này”.
“Vẽ” diện mạo khảo cổ học Gia Lai
Theo dấu khảo cổ học vùng đất Gia Lai và Bắc Tây Nguyên trong gần nửa thế kỷ, dấu ấn của PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử còn in đậm ở nhiều phát hiện không kém phần quan trọng. Ông xúc động kể: “Phát hiện khảo cổ đầu tiên trên đất Gia Lai từ trước giải phóng là tại địa điểm Plei Chu Klan (quận Lệ Trung, nay là huyện Chư Sê), cách quốc lộ 14 khoảng 5 km về phía Tây. Một chiến sĩ Quân giải phóng đã trao cho tôi chiếc rìu có vai, làm từ đá opal, mài toàn thân. Anh nói chiếc rìu này được một bạn chiến đấu của anh trong lúc đào hầm ở vùng ven phát hiện. Trước khi hy sinh, người đồng chí đã trao cho anh và dặn: “Đây là bảo vật văn hóa tổ tiên ta trên đất Tây Nguyên, hãy giữ gìn cẩn thận, sau giải phóng sẽ có các nhà khảo cổ vào tìm kiếm”. Cầm chiếc rìu trên tay, tôi đã khóc. Lúc ấy, tôi còn rất trẻ, mới chập chững bước chân vào nghiên cứu khảo cổ nhưng đã hiểu rằng, giá trị di sản mà tổ tiên gửi lại, trao truyền cho thế hệ hôm nay đã được bảo vệ bằng máu của bao chiến sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm làm cho những câu chuyện từ xa xưa sống lại, giúp các thế hệ hiểu về lịch sử, nguồn gốc của mình”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (bìa phải) giới thiệu một số hiện vật khảo cổ học khai quật tại Di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê. Ảnh: H.N |
Sau đó, những chiếc rìu đá, mảnh tước, mảnh gốm được các chiến sĩ Quân giải phóng phát hiện đã đưa đường dẫn lối cho nhà khoa học trẻ tìm kiếm, khai quật, nghiên cứu. Đó cũng chính là những phát hiện bước đầu về thời đại Đá mới, cách đây gần 4.000 năm trên đất Gia Lai. Nhiều tháng trời ròng rã “làm bạn” với những hầm hố, đất đá trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn, ông bị sốt rét quật ngã. Ông kể: “Cuối năm 1974, ngay khi về đến Hà Nội, tôi bắt đầu bị những cơn sốt rét hành hạ. Cứ chiều đến, toàn thân rét run, miệng khô đắng. Tôi vào Viện Sốt rét Trung ương điều trị gần nửa tháng. Ra viện, tôi như một que củi khô, da vàng ệch, đi đứng không vững. Ấy vậy mà khỏe lại một tý, tôi lại nung nấu vào Gia Lai, Tây Nguyên. Nơi ấy vẫn đang là chiến trường ác liệt nhưng cũng hết sức cám dỗ tôi khi nghĩ tới những chiếc rìu đá được những người lính trẻ miền Bắc phát hiện. Họ luôn mang theo bên mình, bảo vệ nó bằng cả tính mạng với hy vọng thông báo cho giới khoa học biết về tiềm năng khảo cổ trên mảnh đất cha ông. Vậy thì bệnh sốt rét của tôi có là gì”.
Cuối năm 1989, ông có cơ hội tham gia khảo sát khảo cổ vùng lòng hồ thủy điện Ia Ly. Đây cũng là mốc mở đầu cho các hoạt động khảo cổ học có hệ thống trên đất Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Ông nhớ lại: “Cuộc khai quật di tích Biển Hồ (hồ Tơ Nưng) năm 1993 là cuộc khai quật đầu tiên ở Gia Lai và cả Tây Nguyên. Năm 1994, di tích Trà Dôm (TP. Pleiku) tiếp tục được khai quật. Trong thời gian khai quật 2 địa điểm này, tôi cùng các đồng nghiệp điều tra, phát hiện thêm 26 địa điểm khác. Năm 1995, tôi đã hệ thống tư liệu, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Tiền sử Gia Lai” cùng một số đồng nghiệp khác. Giá trị nổi bật của những phát hiện văn hóa Biển Hồ là ở chỗ, lần đầu tiên xác định sự có mặt của một cộng đồng cư dân nông nghiệp trên cao nguyên Pleiku cách đây 4.000 năm. Chủ nhân của mảnh đất này là những người Jrai cổ. Họ chế tác và sử dụng rìu có vai, rìu tứ giác bằng đá opal, bôn hình răng trâu bằng đá phtanite, chế tạo và sử dụng đồ gốm với hoa văn độc đáo; tiến hành săn bắt, hái lượm, nông nghiệp dùng cuốc, chôn người trong các mộ nồi vò úp nhau hoặc chum lớn, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, có quan hệ rộng rãi với cư dân tiền sử Tây Nguyên, Nam Trung bộ và tiền sử Lào, Campuchia”.
Liên tiếp trong 10 năm (2000-2010), PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử tham gia chương trình Trường Sa-Tây Nguyên-Nam bộ, đảm trách đề tài Tây Nguyên. Hoạt động nổi bật nhất là điều tra, phát hiện hàng loạt các di tích thời tiền sử ở Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Trong đó, đáng kể nhất là cuộc khai quật di tích Lung Leng (lòng hồ thủy điện Ia Ly) và khai quật 10 di tích Plei Krông (tỉnh Đak Lak). Tư liệu từ các khai quật này đã chứng minh sự hiện diện của văn hóa Lung Leng-văn hóa của cộng đồng cư dân cách đây 4.000 năm ở hệ thống sông Sê San. Cư dân Lung Leng phát triển đỉnh cao kỹ thuật chế tác đá và làm gốm, biết đến nông nghiệp trồng lúa, luyện kim đúc đồng, giao lưu rộng mở với cư dân văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), cư dân văn hóa Sa Huỳnh (ven biển Trung bộ) và cư dân văn hóa Đông Sơn (kỹ thuật luyện kim). Một phát hiện và nghiên cứu quan trọng khác của PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử và các đồng nghiệp ở Gia Lai là những công xưởng chế tác đá. Giá trị của những phát hiện này không chỉ minh chứng cho thời gian tồn tại cổ xưa của con người trên đất Gia Lai mà còn khẳng định diễn trình lịch sử liên tục của cư dân tiền sử nơi đây, từ trung kỳ sang hậu kỳ đá mới.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử làm khoa học bằng trách nhiệm, sự nhẫn nại hiếm có, đặc biệt là “máu” nghề mà ai lần đầu tiếp xúc cũng dễ dàng nhận ra. Gần nửa thế kỷ đóng góp cho Gia Lai, cho Tây Nguyên với những nghiên cứu khảo cổ học cực kỳ giá trị, ông nói, ước vọng của mình là làm sao lan tỏa được các giá trị khảo cổ ấy ra thế giới. “Tiềm năng khảo cổ học Gia Lai còn rất lớn, rất cần một điều tra tổng thể, xác lập một bản đồ di tích trên toàn tỉnh. Có như thế tỉnh mới chủ động trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi biết các vị lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến di sản văn hóa khảo cổ. Người dân Gia Lai cũng rất trân trọng di sản ông cha. Các di tích khảo cổ đã biết ở Gia Lai cần được xem là tài nguyên vô giá, không tái tạo. Trên cơ sở đó mà định hướng đúng để biến tài nguyên vô giá ấy trở thành nguồn lực phát triển địa phương”-PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử chia sẻ.
HOÀNG NGỌC