Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Người Việt tìm kiếm gì trên internet nửa năm đầu 2024?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Báo cáo Xu hướng tìm kiếm quý II/2024 được xây dựng dựa trên các truy vấn có được trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc điểm lại 6 chủ đề đáng chú ý nhất.

Hôm ngày 2/7, Cốc Cốc chính thức phát hành Báo cáo Xu hướng tìm kiếm quý II năm 2024, điểm lại 6 chủ đề cùng các từ khóa tìm kiếm đáng chú ý nhất trên Tìm kiếm Cốc Cốc.

Theo đó, dẫn đầu về độ “nóng” là các tin tức liên quan tới “EURO 2024”, “Giá vàng”, “tỷ giá USD”. “ChatGPT” và “Scratch” là các ứng dụng công nghệ được quan tâm hàng đầu. Người dùng cũng dành sự quan tâm đặc biệt và đón chờ các dòng sản phẩm mới như “VinFast VF3”, “iPhone 16”.

Quý II cũng là thời gian mùa du lịch biển trong nước tăng “nhiệt”, với các địa điểm lọt top tìm kiếm là Điện Biên Phủ, Phú Yên, Nha Trang, Phú Quốc...

Từ khóa “EURO 2024”, “Giá vàng” dẫn đầu về số lượt tìm kiếm trên ứng dụng Cốc Cốc.

Từ khóa “EURO 2024”, “Giá vàng” dẫn đầu về số lượt tìm kiếm trên ứng dụng Cốc Cốc.

Giải trí tiếp tục dẫn đầu top chủ đề tìm kiếm thịnh hành trên Tìm kiếm Cốc Cốc trong quý II/2024. Chủ đề này tiếp tục bứt phá với mức tăng trưởng gấp gần 3,5 lần so với quý trước.

Cùng thời điểm, trên ứng dụng tìm kiếm này cũng chứng kiến sự bùng nổ của các bộ phim truyền hình lãng mạn Hàn Quốc, tiêu biểu là “Nữ Hoàng Nước Mắt”.

Sản phẩm mới nhất “Đừng Làm Trái Tim Anh Đau” vừa ra mắt trong tháng 6/2024, “Sơn Tùng” cùng các bài hát đã ra mắt trước đó như “Chúng Ta Của Tương Lai” và “Chúng Ta Của Hiện Tại” đều ghi nhận sự tăng trưởng về lượng tìm kiếm, lần lượt là 38%, 47% và 10%.

Chủ đề Công nghệ xếp thứ hai với lượng tìm kiếm tăng gấp 3 lần so với quý I/2024. Màn ra mắt của bản cập nhật ChatGPT-4o (“o” là viết tắt của “omni”) trong tháng 5/2024 đã giúp “ChatGPT” tiếp tục tăng sức hút với người dùng. Lượng tìm kiếm từ khóa “chatgpt” tăng đến 88% so với quý trước.

Lập trình Scratch cho trẻ em nổi lên như một hiện tượng mới. Scratch là ngôn ngữ lập trình trực quan có giao diện kéo, thả với các khối lệnh nhiều màu sắc dành cho trẻ em từ 8 đến 16 tuổi.

Trong thời gian nghỉ hè, các hướng dẫn tự học và khóa học Scratch được học sinh và phụ huynh dành sự quan tâm. So với quý trước, lượng tìm kiếm liên quan đến “scratch” đã tăng tới 239%.

Bên cạnh đó, cư dân mạng cũng nhiệt tình săn đón VF3 và iPhone 16. Với sự kiện VinFast bắt đầu mở đặt cọc cho dòng xe điện mini VF3 từ tháng 5/2024, với mức giá và kiểu dáng ấn tượng, “vf3” chứng tỏ sức hút với mức tăng trưởng tới 378% về lượng tìm kiếm so với quý trước.

Mặc dù chưa ra mắt, iPhone 16 đã thú hút sự chú ý của người dùng với những đồn đoán về những nâng cấp xung quanh mẫu điện thoại này. So với quý trước, lượng tìm kiếm về “iphone 16” đã tăng đến 106%.

Báo cáo so sánh xu hướng và lượng tìm kiếm trong 2 quý đầu năm. (Nguồn: Cốc Cốc)

Báo cáo so sánh xu hướng và lượng tìm kiếm trong 2 quý đầu năm. (Nguồn: Cốc Cốc)

Người Việt tìm kiếm gì trên internet nửa năm đầu 2024? ảnh 4

Với chủ đề Thể thao, “Euro 2024” và “Cúp FA” là những giải đấu được người dùng quan tâm nhất. Diễn ra trong tháng 6-7/2024, với 51 trận cầu đỉnh cao, Giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA Euro được người dùng đặc biệt quan tâm theo dõi. So với quý trước, từ khoá “bảng đấu euro” đã tăng tới 386% về lượng tìm kiếm. Bên cạnh đó, “lịch thi đấu euro 2024” và “bảng xếp hạng euro” cũng là các từ khoá nổi bật của mùa bóng này.

Về lượng tìm kiếm, từ khoá “cúp fa” đã tăng trưởng 14% so với quý trước. Đồng thời, “chung kết cúp fa” hay “manchester city vs manchester united” cũng nằm trong top những trận bóng đá được quan tâm nhất trong quý II/2024. Chiến thắng của Manchester United tại Cúp FA đã giúp đội bóng lấy lại sự quan tâm của người hâm mộ, thể hiện qua mức tăng trưởng 26% về lượng tìm kiếm so với quý trước.

Trong quý II/2024, “nghỉ lễ 30/4” là từ khoá tìm kiếm thịnh hành nhất trong nhóm chủ đề du lịch. Đáng chú ý, lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được người dùng đặc biệt hưởng ứng.

“Điện Biên Phủ” trở thành từ khoá tìm kiếm thịnh hành thứ hai về chủ đề Du lịch nói chung và thịnh hành nhất trong chủ đề Du lịch nội địa nói riêng, với mức tăng trưởng 443% về lượng tìm kiếm.

Du lịch biển trong nước tăng sức hút, nổi bật nhất là “Phú Yên”, “Nha Trang” và “Phú Quốc” với mức tăng trưởng lần lượt là 52%, 35% và 19% về lượng tìm kiếm so với quý trước.

Mùa hè năm 2024, các hiện tượng thời tiết như nắng nóng và mưa giông có xu hướng diễn ra đột ngột và diễn biến cực đoan hơn. Vì vậy, “thời tiết” đã vượt lên trở thành từ khoá có lượng tìm kiếm cao nhất về chủ đề Du lịch trong quý II/2024.

Ngoài ra, các “ứng dụng đặt chỗ” và “hãng bay” vẫn tiếp tục nằm trong top nội dung tìm kiếm phổ biến nhất về chủ đề này.

Đáng chú ý, người dùng Việt đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu về “lừa đảo qua mạng”. So với quý trước, lượng tìm kiếm liên quan tới nội dung này đã tăng 25%.

Trên trình duyệt Cốc Cốc, đội ngũ phát triển đã xây dựng và duy trì cơ chế cảnh báo website không an toàn để bảo vệ người dùng trên không gian mạng.

Cụ thể, khi người dùng click và truy cập các trang web không an toàn thuộc danh sách đen, hệ thống Cốc Cốc sẽ tự động hiển thị cảnh báo để ngăn chặn người dùng truy cập website đó.

Danh sách trang web này được đội ngũ chuyên gia đánh giá, tổng hợp từ các nguồn uy tín, bao gồm cơ sở dữ liệu phising domain của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), ngân hàng dữ liệu từ ChongLuaDao.vn và dữ liệu do người dùng Cốc Cốc báo cáo trực tiếp lên hệ thống. Đặc biệt, danh sách này liên tục được cập nhật, chia sẻ theo thời gian thực, giúp bảo vệ người dùng tối đa.

Tính từ thời điểm kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) phishing của NCSC tới tháng 6/2024, Cốc Cốc đã hiển thị được gần 18,5 triệu cảnh báo, nhằm bảo vệ người dùng, chặn lọc hơn 33.000 websites có dấu hiệu lừa đảo, cảnh báo mất an toàn với người dùng.

Có thể bạn quan tâm