Không khó bắt gặp cảnh nhiều người trẻ tụ tập chuyện phiếm, la cà tại các quán xá vỉa hè. \Ảnh: Tác giả
Tuổi thanh xuân là lứa tuổi đẹp nhất, nhiều năng lượng và khả năng sáng tạo cao nhất. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đang bỏ phí tuổi trẻ bằng việc ngồi một chỗ và nhìn “thời hoàng kim” của cuộc đời trôi qua với thái độ an phận, lười cống hiến, thụ động và ỷ lại.
Dù chỉ là nói vui, nhưng câu “thanh niên uống trà, người già tập thể dục” đang phản ánh chính xác tình trạng “lười” của không ít bạn trẻ.
Càng trẻ càng lười
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/ lao động (tương đương 4.512 USD/ lao động), mức rất thấp so với nhiều nước trong khu vực (chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan…).
Một đất nước vẫn tự hào với truyền thống “cần cù, chăm chỉ, siêng năng” dường như đang bị bỏ lại trong cuộc đua năng suất. Vậy giới trẻ, lực lượng chính góp phần vào cuộc đua ấy đang làm gì và ở đâu?
Trong 8 tiếng “vàng ngọc” tại các công sở vẫn thấy nhiều công chức trẻ mặc đồng phục cơ quan la cà “chém gió”. Người gác chân thủng thẳng, người thẩn thơ gạt tàn thuốc, nhâm nhi ly cà phê phong thái hệt một người nhàn tản.
Lịch làm việc của những người trẻ này là 8 giờ sáng đến điểm thuyvt danh, chấm vân tay, rồi lần lượt rủ nhau đi ăn sáng, thêm cốc trà đá cà kê đến 10 giờ. Về đến cơ quan lại tiếp tục lướt Facebook, đọc tin tức, sau đó làm việc được 30 phút, họ “đành” phải đi ăn trưa.
Giờ tan tầm, dạo quanh một vòng các con phố ở Hà Nội là có thể trả lời câu hỏi: Vì sao mà các quán bia, quán rượu ầm ầm mọc lên mà vẫn “sống khỏe”? Đủ các loại quán, hạng sang có, bình dân vỉa hè cũng có, quán nào cũng đông nghịt.
Giật mình với những con số thống kê
Không những lười làm việc, giới trẻ hiện nay còn lười vận động. Trong một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), Việt Nam bị xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới, khi chỉ hơn 15% người tập thể dục trên 30 phút mỗi ngày.
Cuộc sống đang “trang bị” cho họ không thiếu thứ gì thế nên từ nhà ra ngõ là đi xe máy, đi từ tầng 1 lên tầng 2 cũng chọn thang máy, cần mua thứ gì ghếch chân lên ghế gọi “shipper”… Đến các công viên, hoặc nơi hoạt động thể thao ngoài trời sẽ thấy một nghịch cảnh là các cụ già tập thể dục nhiều hơn các thanh niên.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay hơn 55% trong số 1,1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam nằm trong độ tuổi 15 – 24. Tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp ngày càng cao, chiếm 7,8% so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 2%. Những con số này phần nào cho thấy, cuộc chiến khó khăn mà giới trẻ đang đối mặt trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ và khả năng.
Và đáng lẽ họ cần phải năng động hơn, thế nhưng đa số bạn trẻ chọn cách nằm nhà chờ việc chứ không chấp nhận việc “hạ thấp” mình để làm một công việc “kém sang” hơn như: Tập sự cho một công ty, học việc tại các tập đoàn, thử việc không lương để trải nghiệm và thu về những kinh nghiệm quý giá.
Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ: “Rất khó khăn trong việc tuyển dụng những vị trí lao động phổ thông hay công việc thiên về phục vụ. Khi làm công tác tuyển dụng cho một công ty chuyên về công nghiệp nặng, một năm tôi phỏng vấn vài trăm lao động, phổ thông có, kỹ sư có. Và có một đặc điểm là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường quá thiếu kỹ năng và kiến thức cơ bản nhưng họ lại thường mong muốn những vị trí việc làm lương cao, nhàn hạ. Đặc biệt khi tuyển vào, công ty cho các bạn đi rèn luyện, va chạm chút xíu thì kêu trời than đất, rồi nói: Em không thích áp lực, không thích bụi bặm…”.
Sự phung phí “nguy hiểm”
Sự lười biếng của giới trẻ đang ở mức báo động, có thể nhìn thấy điều này ở bất cứ đâu và nguyên nhân thì có nhiều, từ gia đình đến nhà trường. “Giới trẻ Việt Nam đang được nuông chiều quá mức” – nhận xét này rất đáng để suy nghĩ.
Tại nhà, các em chỉ việc ăn với học, tất cả mọi việc chân tay đã có cha mẹ hay người giúp việc thực hiện. Thậm chí có em học lớp 11 – 12 mà vẫn không biết nhặt rau, giặt quần áo, quét nhà… Giờ nấu ăn, mẹ quần quật trong bếp trong khi con tranh thủ ra quán chơi game.
Giải thích cho hoàn cảnh sống sung sướng, nhàn hạ ấy là lời biện minh của những bậc làm cha làm mẹ: “Thế hệ mình khổ nhiều rồi, cho chúng nó hưởng thụ một tý”…
Hệ lụy của sự nuông chiều này là làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại người khác. Đến trường thì lao động nhẹ nhàng nhất, đơn giản nhất là quét lớp, học sinh không phải làm, tất cả đều một tay bác lao công. Các em chỉ mỗi việc xin tiền bố mẹ để đóng tiền vệ sinh. Và ở trường, môn thể dục được coi là môn phụ, chẳng mấy ai chú trọng. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi một bộ phận người trẻ xa lạ với việc luyện tập thể dục, thể thao.
Trong lần giao lưu với sinh viên, trước câu hỏi của các bạn trẻ: Làm sao để trở nên giàu có? Chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia đã trả lời rằng: Trước khi bàn đến những việc to tát, các bạn hãy dốc sức vào công việc nhỏ, hãy bớt thời gian cà phê cà pháo, ăn nhậu, thời gian lên mạng vô bổ…
“Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Các bạn trẻ ngày nay cần hiểu rằng, nếu học chưa tốt thì vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục học cho tốt, nếu làm chưa tốt thì làm nhiều sẽ có kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt lên. Nhưng, khi đã lười thì thật sự nguy hiểm. Lãng phí tuổi thanh xuân nghĩa là đang phung phí những thứ quý giá nhất của đời người, đó là thời gian, sức khỏe và trí tuệ.
Bảo Minh-Kim Thoa (GD&TĐ)