(GLO)- Không ai khác mà chính con người đã tạo nên kỷ nguyên số, tạo nên trí thông minh nhân tạo (IA), tự động hóa, robot, dữ liệu lớn (big data)... Vì thế, lực lượng lao động không còn lựa chọn nào khác là phải thích ứng với kỷ nguyên số, phải có trình độ, kỹ năng lao động để làm chủ máy móc, công nghệ cao.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới từng trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Và người lao động, trong đó có người lao động Việt Nam, đều đã thích ứng để có thể làm việc trong sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp ấy. Dĩ nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 là một đỉnh cao mới trong tiến trình phát triển của nhân loại. Nó nhằm phục vụ con người tốt hơn, chứ không phải loại bỏ con người. Nhưng với điều kiện, con người phải làm chủ được nó. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là việc không chỉ phải làm ngay, mà phải làm một cách thường xuyên, kiên trì, khoa học, phù hợp với trình độ nhận thức của người lao động, đi từ dễ đến khó, hiểu lý thuyết nhưng quan trọng hơn là biết thực hành.
Trong nền công nghiệp 4.0, máy móc có thể đưa ra những quyết định đơn giản. Nhưng chỉ con người mới có thể thực hiện những quyết định khó khăn và phức tạp. (ảnh internet) |
Những cuộc hội thảo về đề tài này dành cho các nhà lãnh đạo, các CEO là cần thiết, nhưng những giáo trình mang tính cụ thể, thực tế dành cho đông đảo người lao động mới là cái bắt buộc phải có để tạo nguồn nhân lực đáp ứng với những công nghệ mới. Tất nhiên, tự động hóa không thể thay thế con người trên phương diện ra quyết định và linh hoạt trong nhận thức. Nhưng con người phải làm chủ tự động hóa, phải nắm được quy trình vận hành của máy móc tự động để điều khiển nó.
Trong nền công nghiệp 4.0, máy móc có thể đưa ra những quyết định đơn giản. Nhưng chỉ con người mới có thể thực hiện những quyết định khó khăn và phức tạp. Nói tóm lại, người công nhân trong “công nghiệp 4.0” phải khác người công nhân ở “công nghiệp 3.0”, khác ở tư duy và kỹ năng, khác ở môi trường làm việc và khả năng làm chủ máy móc, càng gọn nhẹ thì càng phức tạp.
Người lao động Việt Nam hoàn toàn có thể thích ứng với lao động tự động hóa, miễn là được đào tạo cho đến nơi đến chốn. Sự kiên trì và linh hoạt là những đức tính quý báu mà người lao động Việt Nam sở hữu. Nó khiến họ có thể sáng tạo một khi được tiếp xúc và nắm được những quy luật vận hành của máy móc.
Vì sao nhiều nông dân Việt Nam có thể tự mình sáng chế những máy móc trong điều kiện hết sức eo hẹp về kiến thức cũng như công nghệ? Chính khả năng tự nghiên cứu, mày mò, biết ngạc nhiên và tự tìm câu trả lời đã giúp họ sáng tạo nên những sản phẩm nhiều khi quá sức lực và trình độ của họ. Biết phát huy mặt mạnh này của người lao động Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể đưa công nghiệp 4.0 đến với họ mà không sợ nó xa lạ và quá tầm.
Đúng là những gì người lao động trên thế giới thích ứng được, làm chủ được thì người lao động Việt Nam cũng có thể, miễn là họ được đào tạo một cách thực tế, linh hoạt. Làm chủ máy móc thì phải không “máy móc”, phải năng động, dám nghĩ và dám làm. Tự động hóa hay robot có thể thay thế con người ở một số lĩnh vực nhưng không bao giờ thay thế được hoàn toàn con người.
Số lượng lao động có thể giảm đi trong kỷ nguyên số ở một số ngành nghề, nhưng lại phát triển và thu hút ở nhiều ngành nghề khác. Và có những ngành nghề mà máy móc hoàn toàn không thể thay thế được con người. Chẳng có gì phải sợ hãi cái “bóng ma” của cách mạng công nghiệp 4.0. Có điều, phải chủ động đón nhận và tích cực học hỏi để làm chủ nó.
Cứ nghĩ xem, hơn 10 năm trước đã mấy người Việt Nam biết “điện thoại thông minh” là gì. Còn bây giờ, hàng mấy chục triệu người Việt Nam trong nước đã quen dùng điện thoại thông minh như một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Công nghệ phát triển thì con người cũng phát triển, vấn đề là phải linh hoạt để biết mình có thể làm được những việc gì, chỗ đứng thích hợp của mình ở đâu trong kỷ nguyên số này.
Có thể nói ngay, kỷ nguyên số ấy vẫn dung nạp những người bán rong. Nhưng phải là “những người bán rong trong kỷ nguyên số”. Chúng ta đã sống một thời chưa biết internet là gì. Nhưng bây giờ, chúng ta không chỉ biết internet mà còn thành thạo nó. Vậy thì có gì đáng ngại!
Thanh Thảo