Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nguyễn Hoàng Nam-Thành công nhờ nuôi hươu lấy nhung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Không đâu bằng đồng đất quê mình. Chỉ ở đây, những người như tôi mới có sự hỗ trợ tốt nhất để đi lên bằng chính sức trẻ và đôi tay, khối óc của mình”-chàng trai 25 tuổi Nguyễn Hoàng Nam, người được xem là tấm gương vượt khó ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) trải lòng.

Mới đây, trong lần về xã Ia Ma Rơn công tác, tôi được chị Nguyễn Thị Lắm-Bí thư Đoàn xã đưa đi tham quan mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Nguyễn Hoàng Nam. Nam cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Đà Nẵng. Tuy nhiên, mới học được 1 năm, Nam đành phải bỏ ngang vì điều kiện gia đình quá khó khăn. Về phụ giúp gia đình được một thời gian, Nam tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và được phân về Sư đoàn 2 (Quân khu 5). 18 tháng sau, anh hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.

 

Anh Nguyễn Hoàng Nam cho hươu ăn. Ảnh: Hà Đức Thành
Anh Nguyễn Hoàng Nam cho hươu ăn. Ảnh: Hà Đức Thành

Trở về nhà, Nam suy nghĩ, mình là thanh niên sức dài vai rộng thì phải làm gì đấy cho bản thân và gia đình. Do được học nghề thợ xây trong thời gian ở quân ngũ nên thời gian đầu, Nam đi phụ xây dựng các công trình trên địa bàn. Vừa làm, Nam vừa suy nghĩ tìm một hướng đi cho riêng mình.

Anh nhớ lại lúc còn ở bộ đội được chỉ huy đơn vị hướng nghiệp về nghề chăn nuôi, trong đó nuôi hươu lấy nhung mang lại hiệu quả kinh tế cao vì chi phí đầu tư không nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn từ nông sản của gia đình, hươu lại dễ chăm sóc, ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác. Bên cạnh đó, nhu cầu nhung hươu trên thị trường rất cao. Vậy là Nam lên mạng internet tìm hiểu phương pháp nuôi hươu, đồng thời đến thị xã An Khê học tập kinh nghiệm của các hộ lâu nay đã nuôi hươu thành công. Sau đó, anh bắt tay làm chuồng trại và nhờ gia đình đứng ra tín chấp vay ngân hàng 40 triệu đồng. Dồn hết số tiền tích lũy được khi đi làm thợ xây vào đó, Nam ra Hà Tĩnh mua 3 con hươu sao (2 con cái và 1 con đực) hết 85 triệu đồng đem về nuôi.

Nam cho biết, nuôi hươu sao rất nhàn. Bình thường, hươu chỉ ăn các loại cỏ, lá cây như lá mì, xoan, bạch đàn, keo…  Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 2 giờ đi kiếm cỏ, lá cây là đủ thức ăn cho đàn hươu 10 con. Để không mất nhiều thời gian kiếm thức ăn cho hươu, anh trồng thêm cỏ voi, cây xoan trong vườn. Trừ những lúc hươu mọc nhung cần chế độ chăm sóc đặc biệt để nhung đạt trọng lượng, chất lượng cao thì phải cho ăn thức ăn bổ dưỡng như chuối, bắp, cà rốt… “Khi hươu ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng như vậy thì phải cho ăn thêm lá xoan, nếu không hươu sẽ ăn ít đi khiến nhung kém chất lượng”-anh Nam chia sẻ. Sau khi cắt nhung xong thì lại cho hươu ăn cỏ, lá cây như bình thường.

Để đàn hươu sinh trưởng, phát triển tốt, anh Nam làm 1 chuồng nhốt riêng những con đang lên nhung, 1 chuồng nhốt số còn lại. Chuồng trại làm bằng gỗ, nền 2 đáy để thoát nước tốt, khô ráo. Về chăm sóc, anh Nam cho hay, hươu chịu được nóng chứ không chịu được lạnh. Vì thế, về mùa đông, chuồng trại cần được che chắn kỹ, cũng không nên dọn chuồng, vì hươu nằm trên phân sẽ ấm hơn. Ngoài ra, có thể bỏ thêm rơm rác vào chuồng cho hươu nằm thêm ấm. Về mùa hè thì phải dọn chuồng sạch sẽ.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN HOÀNG NAM:

- Kiên trì, chịu khó.
- Khởi nghiệp có thể từ những việc nhỏ nhất.
 - Luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm.

Theo anh Nam, hươu đực 2 năm tuổi thì bắt đầu cho nhung. Lộc nhung bắt đầu mọc vào mùa xuân. Từ khi nhung mọc đến khi cắt khoảng 45 ngày. Mỗi năm 1 con cho nhung 1 lần. Năm đầu tiên thì hươu cho nhung ít, khoảng 150 gram, năm sau tăng lên 300 gram, năm tiếp theo cho 500 gram, từ năm thứ 6 trở đi thì cho ổn định khoảng 700-800 gram. Hươu có thể cho nhung từ 15 đến 20 năm, có khi lên tới 25 năm. Giá mỗi ký nhung hươu hiện nay khoảng 27-30 triệu đồng. Ngoài ra, hươu cái trưởng thành mỗi năm đẻ một lứa, nếu đẻ hươu đực thì sau 1 năm bán được khoảng 30 triệu đồng/con.

Mới nuôi được 2 năm nhưng đàn hươu 3 con ban đầu của anh Nam giờ đã phát triển lên 6 con. Anh cũng đã 2 lần được cắt nhung hươu để bán. Vì chăn nuôi hươu ít tốn thời gian nên lúc rảnh rỗi, anh Nam vẫn đi làm thợ xây cho các công trình trên địa bàn. Ngoài ra, anh đang theo học lớp trung cấp bảo vệ thực vật để sau này dự kiến mở thêm cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm