Thể thao

Thể thao cộng đồng

Nguyên nhân nào khiến Đình Trọng tái phát chấn thương?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc sớm sử dụng Đình Trọng tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2020 có thể là nguyên nhân chính khiến trung vệ này tái phát chấn thương. 
Câu lạc bộ Hà Nội đã xác nhận chấn thương của Đình Trọng diễn biến xấu và anh phải nghỉ thi đấu thêm khoảng 3 tháng. Việc Đình Trọng gần như đã tái phát chấn thương được xác định do nóng vội trở lại tập luyện và thi đấu. Thực tế đấy là điều mà bộ phận y tế của câu lạc bộ Hà Nội và đội tuyển quốc gia cần có trách nhiệm. 
Trung vệ Đình Trọng gặp chấn thương nặng trong trận đấu giữa Hà Nội và HAGL tại V.League 2019. Anh phẫu thuật dây chằng đầu gối ở Singapore hồi tháng 6.2019. Trung vệ này được chuẩn đoán mất từ 6-9 tháng để hồi phục chấn thương. 
Chấn thương khiến cho Đình Trọng không thể tham dự SEA Games 30 cùng U22 Việt Nam vào tháng 12. Tất cả cùng chờ Đình Trọng nhanh hồi phục để tham dự giải đấu quan trọng hơn vào tháng 1 là Vòng chung kết U23 Châu Á 2020. 
Trung vệ Đình Trọng phải nghỉ thêm 3 tháng để điều trị chấn thương. Ảnh: ĐT
Trung vệ Đình Trọng phải nghỉ thêm 3 tháng để điều trị chấn thương. Ảnh: ĐT
Chấn thương của Đình Trọng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm sau khi U23 Việt Nam hội quân chuẩn bị cho Vòng chung kết U23 Châu Á 2020. 
Theo báo chí đưa tin trước khi giải đấu diễn ra, thầy Park đã có lúc không hài lòng với quá trình chữa trị chấn thương của Đình Trọng. Bởi trong giai đoạn chữa trị, Đình Trọng bị đánh giá không tập trung và không cố gắng.
Trọng nghỉ thi đấu lâu và quá trình hồi phục của Đình Trọng đã không tiến triển nhanh chóng như dự kiến. Đó cũng là lý do khiến huấn luyện viên Park Hang-seo từng gạch tên anh khỏi danh sách đăng ký sơ bộ cho AFC. 
Tuy nhiên, đến phút chót ông Park đã quyết định giữ lại Đình Trọng sau khi tham vấn đội ngũ y tế cho thấy chấn thương của cầu thủ này có sự tiến triển. Trước bối cảnh hàng thủ của U23 Việt Nam không thực sự chất lượng, ông Park đã chọn Đình Trọng như một "canh bạc". 
Trong 2 trận đấu đầu tiên, U23 Việt Nam gặp U23 UAE và U23 Jordan, Đình Trọng không được xuất phát từ đầu. Anh được ông Park tung vào sân từ ghế dự bị khi hàng thủ cần sự hỗ trợ. Đó là những trận đấu mà Đình Trọng phải thi đấu trong tình trạng chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương.
Trong trận đấu cuối khi buộc phải thắng cách biệt U23 CHDCND Triều Tiên, ông Park buộc phải sử dụng Đình Trọng ngay từ đầu. Bởi anh sẽ là chốt chặn quan trọng cho hàng thủ khi trên hàng công cả Tiến Linh và Đức Chinh có mặt, đồng nghĩa với việc tuyến phòng ngự sẽ mất đi một phương án. 
Đình Trọng trong trận đấu với Triều Tiên. Ảnh: LT
Đình Trọng trong trận đấu với Triều Tiên. Ảnh: LT
Tấm thẻ đỏ mà Đình Trọng nhận trong trận đấu đó đã lý giải cho sự bất lực, quá tải của trung vệ này trong một trận đấu mà anh đã không thể "gánh" hàng thủ.
Thực tế, đó là giải đấu mà huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm đã cảnh báo rằng: "Tôi rất lo cho Đình Trọng vì có vẻ cậu ấy đã quá nóng vội. Chấn thương dây chằng gối sau khi mổ nối lại cần thời gian ổn định.
Tôi thấy cậu ấy trở lại tập trung với đội lúc chấn thương chưa hồi phục 100%. Điều đó là điều tôi đang lo ngại nhất. Chắc chắn rằng khi cậu ấy quay lại câu lạc bộ Hà Nội, tôi sẽ không nóng vội mà tìm thời điểm thích hợp để sử dụng cậu ấy".
Bởi thế mà khi sử dụng Quang Hải mới trở lại sau chấn thương, ông Nghiêm đã chọn những thời điểm thích hợp và khá thận trọng.
Rõ ràng, việc Đình Trọng sớm thi đấu cho U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2020 đã để lại hệ luỵ. Theo kết quả tái khám mới đây tại Singapore, chấn thương của Đình Trọng vẫn còn ra dịch. Ngoài ra việc tập luyện và thi đấu quá sớm khiến cho Đình Trọng bị viêm sụn chêm, giãn dây chằng bên mác giãn nhẹ độ 1.
3 tháng nghỉ không phải quá dài với Đình Trọng. Thế nhưng, đó là một lời cảnh tỉnh cho vấn đề sử dụng những cầu thủ mới trở lại sau chấn thương.
Theo HOÀI ĐAN (LĐO)

https://laodong.vn/bong-da/nguyen-nhan-nao-khien-dinh-trong-tai-phat-chan-thuong-790337.ldo

Có thể bạn quan tâm