Kinh tế

Doanh nghiệp

Nguyên PTT Vũ Văn Ninh và sai phạm CPH thời ông Đinh La Thăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi còn đương nhiệm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và từng đánh giá cao về cổ phần hoá doanh nghiệp của Bộ GTVT thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng. Tuy nhiên, sau đó không lâu, nhiều sai phạm trong cổ phần hoá doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đã bộc lộ và nhiều cái tên đã được đưa ra, đặc biệt là sai phạm trong cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn.
Ngày 5.5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới chỉ ra sai phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ GTVT vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: I.T)
Cụ thể, ông Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Ngoài ra, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng (BCSĐ), nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và Bộ GTVT.  Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Các Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng gồm: ông Nguyễn Hồng Trường, ông Nguyễn Văn Công, ông Nguyễn Ngọc Đông và ông Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Những sai phạm nêu trên, đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Sai phạm nghiêm trọng khi cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, thời ông Vũ Văn Ninh còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh La Thăng đang là Bộ trưởng Bộ GTVT đã cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước ở hàng loạt các Tổng công ty thuộc Bộ GTVT gây ra nhiều sai phạm.
Sai phạm nghiêm trọng nhất phải kể đến là thương vụ cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn vào cuối năm 2013, với cổ đông chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Tỷ lệ sở hữu của Hợp Thành nhanh chóng tăng từ 10% tháng 9.2013 lên hơn 86% vào hai năm sau đó, khi Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) bán nốt 49% vốn còn lại trong Cảng Quy Nhơn cho Hợp Thành vào tháng 9.2015.
 
Cảng Quy Nhơn nhìn từ trên cao (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Quá trình cổ phần hoá và chuyển nhượng tài sản nhà nước cho tư nhân tại Cảng Quy Nhơn có những dấu hiệu bất thường. Đến cuối tháng 3.2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hoá cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung này.
Ngày 17.9.2018 kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: Việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT, Vinaline, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản, số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27.12.2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20.5.2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền,
Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu bộ hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị thu hồi 75,01% CP cảng Quy Nhơn đã bán cho Công ty Hợp Thành. Ngoài ra Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% CP cảng cho Công ty Hợp Thành tại thời điểm bắt đầu CP hóa cảng Quy Nhơn.
Đây cũng không phải sai phạm đầu tiên của Bộ GTVT liên quan tới công ty Hợp Thành, bởi Công ty Hợp Thành cũng từng đề xuất đổi ngang một toà nhà tại quận Cầu Giấy để lấy 8.000 m2 đất vàng trụ sở Bộ GTVT tại Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm tuy nhiên bị Bộ Tài chính phản đối vì không qua đấu giá công khai.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) thu hồi 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn đã bán cho nhà đầu tư sai quy định. Ngoài ra cần xử lý nghiêm các cá nhân cố tình bán đứt cảng Quy Nhơn để chấn chỉnh quá trình cổ phần hóa, chặn trước nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Thương vụ đình đám cổ phần hoá ACV               
Ngoài những thương vụ cổ phần hoá nêu trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị xin được cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong năm 2014 để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án.
Khi đó, ông Đinh La Thăng cho biết, sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của ACV. Với tổng tài sản của công ty mẹ tính đến cuối năm 2013 lên đến trên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ và doanh thu khoảng 8.400 tỷ đồng. Sau đó, đến ngày 1.4.2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
 
Trụ sở ACV.
Tuy nhiên, trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hoá. Đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1.4.2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa ACV trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.
Ngày 22.1.2019, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra số 72/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV). Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV, kể cả những dấu hiệu ACV đã xóa nợ nhiều tỷ đồng khi chưa xác định được nguyên nhân…
Kết luận này nêu rõ: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31.12.2017 là hơn 27.384 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là hơn 21.771 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn của ACV khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) là 22.430,98 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 6.10.2015, theo phương án CPH vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp (DN), vừa phát hành thêm cổ phiếu (CP) để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, vốn Nhà nước theo giá trị DN đã xác định là 20.769,43 tỷ đồng; phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ là 1.661,55 tỷ đồng. Sau khi ACV thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn được mua 100.230.225 cổ phần (tương ứng hơn 1.002,3 tỷ đồng theo mệnh giá).
Đây được xác định là phần phát hành để tăng vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chưa phát hành là 65.925.268,77 cổ phần (tương ứng hơn 659,2 tỷ đồng theo mệnh giá), trong đó phát hành cho cổ đông (CĐ) chiến lược là 448.619.701 cổ phần theo phương án CPH...
Thanh tra Bộ Tài Chính còn chỉ ra nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng còn xảy ra tại Công ty CP phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) (Công ty mẹ - Tổng công ty nắm giữ 48% vốn điều lệ) khi thực hiện xóa nợ đã chưa thực hiện đúng quy định phải thu nợ khó đòi số tiền hơn 26,1 tỷ đồng.
Trước đó, kiến nghị của Bộ GTVT xin được cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ngay trong năm 2014 để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án tỷ đô tới đây, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư tỏ ra lo ngại về an ninh quốc phòng cũng như quản lý ngân sách nhà nước khi cổ phần hóa. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT  phải làm rõ những băn khoăn của các bộ ngành khi tham gia ý kiến về chủ trương này.
Cổ phần hoá Cienco1 và nhà đầu tư Yên Khánh
Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) được IPO vào ngày 21.3.2014 với 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần – chiếm 23,12% vốn điều lệ.
Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước cho các nhà đầu tư. Đến giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, nắm 35,58%. Sau đó, công ty này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, gồm các cổ đông là Đinh Ngọc Liên; Định Thị Hiên và Vũ Thị Hoan. Mẹ ruột bà Hoan cũng là một người họ Đinh khác - bà Đinh Thị Lưu.
 
Dự án BOT của Công ty Yên Khánh.
Cienco1 và Yên Khánh là 2 trong 3 bên trong liên danh đầu tư vào dự án BOT Việt Trì (Cienco1 nắm 20%; Yên Khánh sở hữu 40%). 40% vốn còn lại thuộc về Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn hiện là ông Đinh Ngọc Hệ.
Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ và nhà đầu tư Vạn Cường
Ngày 19.3.2013, Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ (Vivaso) đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần nhưng chỉ 550.700 cổ phần bán được với giá 10.000 đồng/cổ phần.
Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường 1 tuần sau đó bất ngờ xin mua toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết. Sau khi nắm giữ 45% số cổ phần (15 triệu cổ phiếu) của Vivaso, Vạn Cường tiếp tục đăng ký mua thêm 20% cổ phần.
Thâu tóm thành công Vivaso với giá bèo bọt nhưng Vạn Cường lại qua đó nắm trong tay quỹ đất rất lớn, lên tới 50ha, gồm các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hay các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…
Sau đó, Vạn Cường thông qua chính Vivaso đầu tư 32 tỷ đồng để sở hữu 65% vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam, mà mục đích cuối cùng chắc hẳn không phải để vực dậy thương hiệu làm phim lâu đời, mà chính là quỹ đất vàng hàng nghìn mét vuông quanh Hồ Tây. Vào tháng 10.2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Cuối năm 2015, khi ông Vũ Văn Ninh còn làm Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã dự Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DN) của Bộ GTVT đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát các DN để cổ phần hóa.
Thời điểm đó, Bộ GTVT đã hoàn thành cổ phần hoá 137 DN, trong đó có 16 tổng công ty có quy mô lớn, tăng 67 DN so với kế hoạch. Đến hết năm 2015, hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 124 DN.
Trong đó, có 12 tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền là 1.701 tỉ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).
Khi đó, ông Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, các DN sau cổ phần hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị tiên tiến để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu. Bộ GTVT chỉ đạo việc hoàn thành tái cơ cấu với một số đơn vị còn gặp khó khăn như Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ông Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ GTVT cần có sơ kết việc thực hiện thí điểm chuyển thành công ty cổ phần trước khi làm rộng rãi ra các đơn vị khác.

Thế Anh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm